21/07/2009 - 07:33

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết:

Xây dựng một nền tư pháp công minh, trong sạch, vững mạnh

Ngày 20-7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (CCTPT.Ư) tổ chức Hội thảo về các đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trưởng Ban Chỉ đạo CCTPT.Ư, chủ trì Hội thảo.

Các chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp đã đóng góp nhiều ý kiến về Đề án Thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực, Tòa án phúc thẩm, Tòa án thượng thẩm, đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao. Ý kiến chung là việc tổ chức Tòa án sơ thẩm khu vực, vấn đề trung tâm của tiến trình cải cách tư pháp, không nên căn cứ vào tiêu chí số lượng án, mà căn cứ theo đơn vị hành chính và đặc thù của từng địa phương cụ thể. Về tổ chức hệ thống, các ý kiến thảo luận xung quanh hai mô hình 4 cấp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị (gồm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án thượng thẩm, Tòa án phúc thẩm và Tòa án sơ thẩm khu vực) và 3 cấp (gồm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án phúc thẩm và Tòa án sơ thẩm khu vực).

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào các đề án: Tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân trong tiến trình cải cách tư pháp; Mô hình cơ quan điều tra cấp huyện và Đổi mới hệ thống cơ quan điều tra phù hợp với việc đổi mới tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử.

Phát biểu ý kiến kết luận Hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hoan nghênh các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến cho các đề án, đồng thời cho rằng mặc dù các đại biểu còn có những ý kiến khác nhau xung quanh các đề án này, nhưng tất cả đều xuất phát từ mục tiêu của Nghị quyết 49-NQ/T.Ư đó là xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là cơ sở tốt để ban soạn thảo chọn lọc, chỉnh sửa các dự thảo đề án. Chủ tịch nước nhấn mạnh, muốn đạt được mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thì trước tiên phải hoàn thiện tổ chức và bộ máy của các cơ quan tư pháp, từ đó giải quyết được những bức xúc của nhân dân và xây dựng một nền tư pháp công minh, trong sạch, vững mạnh. Việc xây dựng tổ chức và bộ máy các cơ quan tư pháp theo mô hình mới phù hợp với thực tiễn của Việt Nam là một việc làm cấp thiết, tuy nhiên cũng không thể nóng vội; việc học tập kinh nghiệm của nước ngoài cũng cần phải được nghiên cứu kỹ để áp dụng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Tổ chức các cơ quan tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp cần gắn với công tác cán bộ, bảo đảm đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp phải giỏi chuyên môn, ngoại ngữ và có tâm trong sáng.

DƯƠNG ĐỨC DŨNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết