06/05/2012 - 21:55

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank)

Xây dựng mối liên kết để phát triển thị trường tín dụng ĐBSCL

 

ĐBSCL có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong phát triển nông nghiệp nông thôn (NN-NT), sản phẩm nông nghiệp, thủy sản trở thành thương hiệu của vùng – tự hào là ngành hàng xuất siêu lớn của cả nước. Tuy nhiên, do hạn chế về nhiều mặt nên việc tiếp cận tín dụng của nông dân để đầu tư cho nông nghiệp còn gặp rất nhiều hạn chế. Vậy làm gì để tăng trưởng tín dụng khu vực này khá hơn? Trao đổi với PV Báo Cần Thơ ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc VietinBank - một trong những ngân hàng lớn và có kế hoạch cụ thể cho tín dụng NN-NT, cho biết:

- VietinBank vừa trở thành một trong 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, đó là sự trưởng thành, nhìn nhận của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với VietinBank thể hiện sự vươn lên của VietinBank. Đối với khu vực ĐBSCL, chúng tôi xác định là vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, giàu tiềm năng, nhưng vì nhiều lý do chủ quan và khách quan ĐBSCL chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và triển vọng của đất nước. Trong vài năm gần nay, VietinBank đã tập trung tăng trưởng tín dụng khu vực này rất lớn. VietinBank tại ĐBSCL hiện có 19 chi nhánh, 98 phòng giao dịch, đảm bảo tăng trưởng tín dụng gần như toàn diện nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc tập trung vốn cho xuất khẩu, cho NN-NT.

* VietinBank sẽ hỗ trợ tín dụng thế nào để NN-NT có điều kiện phát triển mạnh hơn, thưa ông?

- Năm 2012, đối với ĐBSCL tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay VietinBank đặt ra cho các chi nhánh khoảng 25-30%, nhưng toàn hệ thống vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng do Thống đốc NHNN quy định. Trong đó, chúng tôi sẽ nâng tỷ trọng vốn tín dụng dành cho khu vực sản xuất, cho NN-NT, khu vực công nghiệp chế biến thủy sản nâng từ 30% lên 36%-38% trong tỷ trọng của khu vực ĐBSCL. Đối với công tác an sinh xã hội, VietinBank được sự đồng thuận trên 18.000 cán bộ, đó là thực hiện trách nhiệm cộng đồng doanh nghiệp, là nếp sống của chúng tôi, là thái độ của những người đi sau đối với ân tình của người đi trước. Trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội chúng tôi làm bằng “cái tâm” và bằng những đóng góp rất cụ thể. Riêng lĩnh vực này năm 2011, chúng tôi đã đầu tư 132 tỉ đồng và đã ký kết với các tỉnh, thành ĐBSCL 291 tỉ đồng nữa và khả năng chúng tôi phải cân đối dành một phần nữa cho các công trình phần việc cụ thể trong quá trình làm việc mà các địa phương phản ảnh những vấn đề khó, nóng, những vấn đề cần thiết phải giải quyết để giúp địa phương làm tốt hơn công tác này. Chúng tôi chủ động nguồn vốn để sẵn sàng chia sẻ.

* Hoạt động tín dụng ở ĐBSCL có cạnh tranh gay gắt, những rủi ro gì, thưa ông?

Tín dụng cho nông nghiệp nông thôn trở thành đề tài nóng tại Hội thảo phát triển thị trường tín dụng và dịch vụ ngân hàng vùng ĐBSCL.  

- Thật ra, tại ĐBSCL việc tiếp cận vốn tín dụng của người dân còn nhiều hạn chế xuất phát từ các nguyên nhân: Thứ nhất, ĐBSCL là khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, rủi ro mất vốn rất lớn trong khi bảo hiểm rủi ro hầu như vượt khỏi tầm tay của ngân hàng. Thứ hai, cơ sở hạ tầng mặt dù đã được Đảng và Nhà nước đầu tư rất nhiều, nhưng thật sự chưa phát triển tương xứng dẫn đến tình trạng nông sản bán ra bị ép giá. Thứ ba, trình độ dân trí thấp, nông dân chúng ta nhiều người rất hay làm, có rất nhiều kinh nghiệm, nhưng thật sự do hạn chế về trình độ nên không thể chuyển những công việc kinh doanh, làm ăn của họ thành những phương án, những đề án, những dự án cụ thể, do đó, việc tiếp cận vốn tín dụng cũng bị hạn chế. Thứ tư, theo quan điểm của tôi, chúng ta phải dành nguồn lực tổng lực thì mới phát triển ĐBSCL theo đúng tiềm năng kỳ vọng và đề án phê duyệt phát triển vùng ĐBSCL thành vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.

Mặc dù nhiều hạn chế, nhưng VietinBank vẫn dành nhiều nguồn lực cho ĐBSCL với cách làm lấy lợi nhuận trong lĩnh vực phân phối để bù vào cho nông dân. Nhưng chúng tôi cũng kiến nghị sớm giải quyết bài toán dân trí – đầu tư giáo dục; chính quyền địa phương là nơi hỗ trợ cho người dân trong quản trị... để người dân dễ tiếp cận với tín dụng NN-NT và hạn chế được rủi ro trong sản xuất kinh doanh.

* Thưa ông, hiện nay VietinBank đã xây dựng hệ thống bảo hiểm, vậy có sản phẩm bảo hiểm NN-NT để nông dân yên tâm đầu ra?

- Vấn đề bảo hiểm của VietinBank vẫn đang thí điểm trong năm 2012. Thật ra, công ty bảo hiểm chúng tôi mới thành lập, mới phát triển và khi mới phát triển thì phải đi vào phân khúc thị trường đã ổn định tại Việt Nam. Còn đối với bảo hiểm trong lĩnh vực NN-NT, thì tổng công ty bảo hiểm Nhà nước có thực hiện về bảo hiểm xử lý rủi ro nhưng vẫn chưa có kinh nghiệm cũng như chưa có sự hiểu biết đủ độ sâu, chưa có cơ chế đầy đủ để thực hiện tham gia lĩnh vực này. Tôi nghĩ để thực hiện được vấn đề tín dụng ĐBSCL cũng như kinh tế hộ của ĐBSCL, cần thiết phải thực hiện chuỗi liên kết ngang và chuỗi liên kết dọc. Liên kết ngang là xây dựng mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, các cơ quan, các bộ phận tham gia vào quá trình để hình thành mối quan hệ này. Liên kết dọc là mối liên kết từ khâu nguyên liệu ban đầu đến thành phẩm. Nếu chúng ta không thực hiện tốt, không thực hiện tổng lực để thực hiện 2 mối liên kết ngang – dọc này, thì thật sự mà nói ĐBSCL sẽ khó phát triển nhanh.

Theo tôi, trong hoạt động của ngân hàng đã là thị trường thì phải có sự cạnh tranh. Nhưng vấn đề làm sao có sự phối hợp của cả hệ thống ngân hàng vào cuộc để giải quyết vấn đề vốn cho NN-NT, thì phải có đề án tổng thể, trong đó không ai khác ngoài chính quyền phải thật sự là “nhạc trưởng” để điều phối hoạt động này trên cơ sở xây dựng những chính sách, đề án cụ thể...

* Xin cảm ơn ông!

THIỆN KHIÊM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết