05/05/2019 - 08:47

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương 

Không có công thức kiểu mẫu cho khởi nghiệp, mà khởi nghiệp là tạo sự khác biệt và cần kết nối những người trẻ, có nhiệt huyết, sáng tạo để tạo ra phong trào lớn. Đến nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), phong trào khởi nghiệp đã có những thành công nhất định, hệ sinh thái khởi nghiệp đã dần định hình tại 13 địa phương.

Phiên chợ khởi nghiệp ở Bến Tre. Ảnh: T.Q

Khác biệt để thành công

ĐBSCL hiện có khoảng 49.200 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, số DN thành lập mới tại vùng có nhiều tín hiệu khởi sắc trong 3 năm gần đây. Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, số lượng DN vùng ĐBSCL chiếm khoảng 8% số DN cả nước. Sự phát triển của cộng đồng tại ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, quy mô nền kinh tế, số DN ít và yếu về mọi mặt. Trong hơn 3 năm qua, VCCI xây dựng chương trình khởi nghiệp, xây dựng 3 cuộc thi và tiếp nhận rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp. VCCI đã thành lập mạng lưới khởi nghiệp ở ĐBSCL và đây là vùng đầu tiên trên cả nước có mạng lưới này. Cả 13 tỉnh, thành đều có chương trình khởi nghiệp riêng. “Khởi nghiệp không chỉ là tạo ra DN mới, mà khởi nghiệp để đổi mới, sáng tạo trên những DN hiện hữu. Trong các thành tố khởi nghiệp, khó nhất là làm sao để hình thành tư duy sáng tạo cho các bạn trẻ. Những người trẻ dù có quyết tâm khởi nghiệp, nhưng thiếu tư duy sáng tạo thì cũng khó thành công”- ông Lam nói.

Vừa qua, trong hội thảo “Công thức để khởi nghiệp Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và phát triển địa phương” tổ chức tại Bến Tre, các diễn giả đến từ các viện, trường và chuyên gia kinh tế, Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao đều khẳng định: Không có công thức chung cho khởi nghiệp. Khởi nghiệp thì nguồn lực con người rất quan trọng và cần có thủ lĩnh dẫn dắt khởi nghiệp. Ông Châu Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre, ví von: Cách đây 3 năm, Bến Tre đứng thứ 9/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL về thu ngân sách nhà nước, thứ 11/13 về thu nhập bình quân đầu người và xếp thứ 9/13 địa phương có số DN thành lập mới hằng năm. Bến Tre phát động khởi nghiệp theo Chương trình số 10 của Tỉnh ủy, chúng tôi muốn tạo ra phong trào Đồng khởi trong khởi nghiệp, đi như nước lũ tràn về. Và sau 3 năm, tỉnh đã cơ bản hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, với các thành tố cơ bản như: có quý khởi nghiệp, có Hội đồng tư vấn, có mạng lưới Mentor (Cố vấn khởi nghiệp)… Sức lan tỏa rộng khắp, người dân bàn khởi nghiệp, học sinh trung học cũng bàn ý tưởng và phong trào nghiên cứu khoa học phát triển rất mạnh. Quy mô khởi nghiệp dù nhỏ nhưng đã là khởi đầu tốt.

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó Giám đốc Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP HCM-ITP, cho biết: “Sự sáng tạo trong khởi nghiệp là không có biên giới. Các địa phương vùng ĐBSCL cần liên kết lại để phát triển. Chẳng hạn khu vực Duyên hải phía Đông ĐBSCL, các địa phương Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tiền Giang có thể kết nối lại với nhau để phát triển chuỗi giá trị dừa, du lịch sinh thái, biển. Kết nối để tìm ra những vấn đề ưu tiên cần đầu tư và giải quyết trên cơ sở hài hòa lợi ích”.

Đại diện Quỹ Khởi nghiệp DN khoa học Công nghệ Việt Nam (SVF) cho rằng, trong hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương cần chọn nguồn lực tốt để đạt hiệu quả khởi nghiệp, đặc biệt là nguồn lực con người. Đó là giá trị cốt lõi để khởi nghiệp thành công.

Cần người dẫn dắt

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết: Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp muốn thành công cần thủ lĩnh dẫn dắt, chọn người có nhiệt tâm để kéo cả đoàn tàu khởi nghiệp đi lên. Đồng thời, cần một thủ lĩnh là lãnh đạo (có thể là lãnh đạo UBND tỉnh, hoặc lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Hiệp hội DN…) để họ chuyển tải ý kiến của người khởi nghiệp và kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết, gỡ khó. Và quan trọng là những người khởi nghiệp cần kết nối với nhau để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm. Kết nối còn để giải quyết thị trường tiêu thụ, nguồn vốn…

Hiện hầu hết các địa phương ĐBSCL đều có các chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp, nhưng để tạo nên phong trào mạnh cần phải giải quyết nhiều điểm nghẽn. Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, chương trình khởi nghiệp ở các địa phương ĐBSCL đang có những hạn chế nhất định. Hoạt động khởi nghiệp không có khuôn mẫu mà phụ thuộc vào sự sáng tạo của mỗi nhân tố khởi nghiệp. Song, sự sáng tạo trong các bạn trẻ còn nhiều hạn chế, điều này xuất phát từ quá trình đào tạo còn bất cập. Khởi nghiệp cũng đang thiếu sự hỗ trợ của ngành (cơ sở hạ tầng, công nghệ, vốn…) và thiếu những Mentor- cố vấn khởi nghiệp. Những cái thiếu này cần chung tay giải quyết để thúc đẩy quá trình phát triển của các địa phương.

Một số ý kiến cũng cho rằng, xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương thì các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cần thực hiện theo từng nhóm đối tượng. Chẳng hạn phân chia theo nhóm: cá nhân mới có ý tưởng khởi nghiệp, DN mới khởi nghiệp, DN đã phát triển ổn định, DN gọi vốn… để có đầu tư tương xứng cho từng nhóm. Song song đó, Quỹ đầu tư khởi nghiệp phải ổn định vững chắc để tập trung đầu tư các dự án khởi nghiệp. Thế mạnh của ĐBSCL là nông nghiệp, du lịch, có thể đầu tư cho dự án khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thực hiện tốt công tác kết nối nguồn vốn cho khởi nghiệp và DN từ ngân hàng, các nhà đầu tư thiên thần và Quỹ đầu tư mạo hiểm. Và kết nối, mở rộng thị trường cho các sản phẩm khởi nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ từ Đề án mỗi xã một sản phẩm, các chương trình xúc tiến thương mại. Kết nối với thị trường TP Hồ Chí Minh làm trung tâm để kết nối nguồn lực, mở rộng thị trường cho khởi nghiệp và phát triển DN.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết