23/08/2017 - 21:48

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp 

Chiều 23-8, Diễn đàn nông nghiệp APEC về khởi nghiệp và sáng tạo đã có nhiều chia sẻ hấp dẫn của các chuyên gia và các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cần hệ sinh thái khởi nghiệp

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) đến từ New Zealand, USAID, World Bank (WB) đã có nhiều trao đổi về ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp, các chính sách và giải pháp công nghệ để hỗ trợ các DN bắt đầu khởi nghiệp hoặc chuyển sang hoạt động kinh doanh về nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác công – tư trong các nền kinh tế APEC.

Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng tại Hội chợ Nông sản sạch và an toàn năm 2017. Ảnh: MINH HUYỀN

Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch ABAC Việt Nam (ABAC Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC), bày tỏ: Diễn đàn tạo ra cơ hội tuyệt vời cho Chính phủ, khu vực kinh tế tư nhân thảo luận các giải pháp về nguồn lực đầu tư công nghệ để hỗ trợ DN phát triển. Đồng thời, xác định những cơ chế hợp tác giữa nhà nước - tư nhân để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. ABAC cũng xúc tiến các hoạt động đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, góp phần giảm thất thoát lương thực và bảo vệ môi trường để thúc đẩy sự tham gia của các DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ và các nông hộ sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu an ninh lương thực đạt hiệu quả cao nhất khi các Chính phủ và khu vực tư nhân hoạt động cùng nhau.

Bà Annette Gittos, Chuyên gia phân tích chính sách cao cấp Bộ các ngành công nghiệp cơ bản New Zealand chia sẻ về sinh thái khởi nghiệp của New Zealand. Sáng kiến phát triển nông nghiệp của New Zealand dựa trên mối quan hệ công- tư thúc đẩy hợp tác, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nông dân làm ra sản phẩm giá trị gia tăng. Đồng thời thúc đẩy các nông trại đổi mới. Với hệ thống sinh thái nông nghiệp Farm IQ, hiện có 22 chương trình hợp tác công- tư, và đã thực hiện thành công trên ngành sản xuất sữa và chăn nuôi bò. Farm IQ giúp các nông trại, người nông dân nâng cao năng suất lao động, chuyển giao công nghệ, thực hành nông nghiệp tốt, hỗ trợ nông dân sử dụng smartphone để cập nhật, phân tích thông tin thị trường, sử dụng thông tin trong chuỗi để phục vụ lại chuỗi. “Với hệ sinh thái khởi nghiệp tốt, chúng tôi giúp nông dân, nông trại phát triển chuỗi giá trị sản xuất khép kín; đồng thời có những ràng buộc về bảo vệ môi trường, sức khỏe và trách nhiệm xã hội của người sản xuất để người tiêu dùng tin tưởng là sản phẩm an toàn. Không quan trọng trang trại qui mô lớn hay nhỏ, mà quan trọng là hỗ trợ nguồn lực cho nông dân. Sự hợp tác công-tư cần hài hòa, đảm bảo tính bền vững”- bà Annette Gittos khẳng định.

Là DN khởi nghiệp đạt những thành công nhất định, ông Nguyễn Khắc Minh Trí, đồng sáng lập, CEO của Mimosa Tek, cho rằng: Thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp, nhưng hoạt động khởi nghiệp còn rất nhiều khó khăn. Cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp- đây là cái nôi của khởi nghiệp nông nghiệp. Hành trình tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp rất dài, vốn là yếu tố quan trọng đối với khởi nghiệp. DN khởi nghiệp cần sử dụng công nghệ phù hợp. Đồng thời các chính sách của Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi mắt xích khởi nghiệp.

Thúc đẩy start-up

Theo ông Hoàng Văn Dũng, với quan điểm cải thiện sự tham gia của khu vực  kinh tế tư nhân thúc đẩy PPFS (Nhóm Diễn đàn đối tác chính sách về an ninh lương thực) có những hoạt động tốt hơn về an ninh lương thực đến năm 2020. Hướng tới tăng trưởng bền vững bên cạnh sản xuất quy mô lớn, DN nhỏ và vừa và DN siêu nhỏ sẽ phải cạnh tranh khốc liệt. Nguồn lực và trình độ quản lý hạn chế, thiếu thông tin thị trường, cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu của những DN này cũng khó khăn… Do đó, cần tìm ra giải pháp về chính sách và công nghệ mới cho nông nghiệp, hỗ trợ DN tiếp cận công nghệ mới, tham gia chuỗi toàn cầu. 

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng phác thảo về những thiệt thòi mà khu vực tư nhân, nông dân phải gánh chịu trong chuỗi phát triển nông nghiệp. Các ý tưởng khởi nghiệp có nhưng nguồn lực hỗ trợ chưa đủ cho DN bứt lên. Ông Cao Thăng Bình, Chuyên gia nông nghiệp cao cấp WB, cho rằng, khởi nghiệp cần kinh nghiệm, DN cần được đào tạo bài bản. Vấn đề này cần vai trò của Chính phủ. Sử dụng nguồn lực hiệu quả, cần có khung pháp lý, định chế tài chính cho hoạt động khởi nghiệp. Vấn đề này, Việt Nam đang rất nỗ lực. Vấn đề khởi nghiệp, không hẳn là Chính phủ hỗ trợ nông dân mà DN phải hỗ trợ nông dân. Chính phủ đóng vai trò kết nối nông dân lại với nhau để họ sản xuất theo chuỗi, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển bền vững. PPP (hợp tác công-tư)  là giải pháp tốt cho hoạt động khởi nghiệp. “Chúng ta không nên lo ngại DN lớn cạnh tranh với DN khởi nghiệp. DN khởi nghiệp luôn có ý tưởng mới, DN lớn khi thấy được những yếu tố này họ sẽ đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp”- ông Bình nói.

Xu hướng của thế giới, nhu cầu đa dạng về nông nghiệp và đổi mới đóng vai trò quan trọng, cần phải có giải pháp phát triển khu vực kinh tế công- tư. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, phải biến thách thức thành cơ hội, thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực nông nghiệp. Thành lập khu vực DN để hiện thức hóa các ý tưởng, tạo điều kiện cho DN phát triển bằng cách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, vận hành DN hiệu quả. 

Tại diễn đàn, khi trả lời câu hỏi của chuyên gia, nếu có 1 triệu đô la, anh sẽ làm gì? Ông Nguyễn Khắc Minh Trí, đồng sáng lập, CEO của Mimosa Tek, nói ngay: “Nếu có 1 triệu đô la, tôi  sẽ đầu tư vào công nghệ sinh học để sản xuất giống mới, thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp”. Rõ ràng, câu chuyện khởi nghiệp nông nghiệp đang rất được thế giới  quan tâm. Việt Nam- quốc gia nông nghiệp cũng đang nỗ lực thúc đẩy các start-up trong nông nghiệp để tiến tới mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, nhu cầu lương thực đang tăng lên theo sự gia tăng dân số. Không chỉ với trao đổi lương thực mà các sản phẩm nông nghiệp mới cũng được phát triển. Làm thế nào để kết nối phát triển kinh tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Phối hợp mạnh mẽ trong thúc đẩy hợp tác công- tư. Khu vực tư nhân ngày càng phát triển hiệu quả, do đó, cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN hoạt động hiệu quả. Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho DN nông nghiệp phát triển, đặc biệt là DN khởi nghiệp. Diễn đàn là cơ hội cho chúng ta học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp từ các nền kinh tế APEC. 

Gia Bảo- Minh Huyền

Chia sẻ bài viết