17/01/2018 - 20:57

Xây dựng chính quyền điện tử 

Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ vừa tổ chức Hội nghị triển khai chi tiết Kiến trúc Chính quyền Điện tử (CQĐT) TP Cần Thơ, phiên bản 1.0, áp dụng cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Tại hội nghị, các đại biểu được tìm hiểu căn bản các thành phần trong Kiến trúc CQĐT thành phố, trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích… Đây được xem là một trong những bước chuẩn bị quan trọng, góp phần thực hiện có hiệu quả lộ trình xây dựng CQĐT và hướng đến xây dựng thành phố thông minh.

Công chức bộ phận “Một cửa” UBND phường Bình Thủy, quận Bình Thủy hướng dẫn người dân tra cứu thông tin trên Cổng thông tin điện tử. Ảnh: Q.LAM 

Theo ông Nguyễn Hữu Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở TT&TT thành phố, thời gian qua, thành phố nói chung, ngành TT&TT nói riêng đã tích cực triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hướng tới xây dựng CQĐT. Qua đó giúp tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng thông tin và cơ sở dữ liệu dùng chung; tăng khả năng giám sát, đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đồng bộ, tiết kiệm chi phí thời gian của các cơ quan nhà nước, nâng cao tính linh hoạt trong điều hành và quản lý; tạo thuận lợi trong việc giải quyết nhanh các thủ tục hành chính công cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân…

Trước đó, Sở TT&TT thành phố đã phối hợp với Cục Tin học hóa thuộc Bộ TT&TT, Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT tổ chức lớp tập huấn xây dựng và triển khai kiến trúc CQĐT cho khoảng 45 học viên là lãnh đạo, quản lý, cán bộ phụ trách CNTT thuộc các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện tham dự. Sở TT&TT tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định thành lập Đội Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trong cơ quan nhà nước TP Cần Thơ; phối hợp Cục CNTT thuộc Bộ Tổng Tham mưu- Bộ Quốc phòng trong việc triển khai giải pháp giám sát an toàn thông tin mạng tại Trung tâm dữ liệu thành phố; Ký kết Quy chế phối hợp với Công an TP Cần Thơ về bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực TT&TT trên địa bàn thành phố.

Theo đánh giá của Sở TT&TT thành phố, năm 2017, lĩnh vực CNTT thành phố phát triển mạnh mẽ. Mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT (ICT INDEX) của thành phố được xếp hạng thứ 5 trong 63 tỉnh, thành phố. Sở TT&TT phối hợp Sở Nội vụ thành phố triển khai sử dụng 840 chữ ký số chuyên dùng cho tổ chức và cá nhân. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc đã được mở rộng và liên thông đến cấp xã với 278 đơn vị được triển khai, tổng số văn bản gửi liên thông là 102.442 văn bản; cấp mới 1.900 hộp thư điện tử, nâng tổng số hộp thư điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức lên 13.300, tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước; góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước. Sở TT&TT thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3- 4 trên các phương tiện truyền thông đại chúng; vận hành 44 cuộc họp trực tuyến, góp phần tiết kiệm thời gian và công sức, nâng cao hiệu quả công việc…

Nhằm chuẩn bị tốt mọi mặt, hướng đến thực hiện CQĐT, thời gian qua, Sở TT&TT thành phố tăng cường đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT của cán bộ công chức, viên chức từ thành phố đến cơ sở. Năm 2017, Sở TT&TT thành phố đã tập trung triển khai hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai đồng bộ và đáp ứng cho việc gửi nhận văn bản điện tử ba cấp và liên thông với Văn phòng Chính phủ, triển khai dự án đồng bộ hạ tầng mạng nội bộ tại các đơn vị cấp xã. Qua đó, đã phân bổ cho các đơn vị chuyên môn ở các xã, phường, trị trấn 340 máy tính, 84 máy in và 42 máy scan, 170 thiết bị switch. Đến cuối năm 2017, 100% cán bộ, công chức được cấp hộp thư điện tử công vụ, tỷ lệ sử dụng là 92% (đạt 115% kế hoạch); tỷ lệ cơ quan, đơn vị triển khai sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý văn bản điều hành trên môi trường mạng, đạt 100% kế hoạch. Anh Ngũ Lợi, công chức Bộ phận “Một cửa” UBND phường An Lạc, quận Ninh Kiều, phấn khởi nói: “Nhờ được thành phố đầu tư, trang bị hệ thống máy móc cũng như thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức, hướng dẫn kỹ năng, giúp tôi ứng dụng tốt CNTT trong công vụ. Từ đó xử lý công việc hiệu quả và nhanh chóng hơn”.

Hiện nay, Cổng thông tin điện tử và các Cổng thành phần được giao về Văn phòng UBND các cấp quản lý nhằm kịp thời cung cấp thông tin, nhất là các văn bản chỉ đạo, điều hành đến các tổ chức, cá nhân. Qua đó, nâng cao tính minh bạch trong thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của UBND các cấp, phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu, khai thác thông tin của tổ chức và công dân. Tùy theo điều kiện, thế mạnh của từng địa phương, đơn vị, UBND các quận, huyện xây dựng các tiểu mục tuyên truyền, tích hợp các chức năng tiện ích… Nổi bật như: Cổng thông tin điện tử quận Cái Răng có mục giới thiệu về du lịch, Cổng thông tin điện tử quận Ninh Kiều có mục Bạn đọc hỏi- cơ quan chức năng trả lời, Cổng thông tin điện tử các huyện có mục nông thôn mới… Ông Huỳnh Thanh Tùng, Trưởng Phòng Nội vụ quận Ninh Kiều, cho biết: “Bên cạnh những mục chung, thông qua những ý kiến từ những lần tiếp xúc cử tri, những cuộc họp tại địa bàn dân cư, ban biên tập tập hợp những thắc mắc, câu hỏi thường gặp để cơ quan chức năng trả lời. Đến nay, mục này nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người dân”. 

QUỲNH LAM

Chia sẻ bài viết