14/01/2021 - 08:10

Xây dựng chính phủ số - những giải pháp nền tảng 

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, các bộ, ngành, địa phương bước đầu xây dựng được một số nền tảng chuyển đổi số. Trên cơ sở tận dụng những lợi ích của công nghệ số, các đơn vị, địa phương đã tích hợp và cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến; kết nối và chia sẻ dữ liệu, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), góp phần phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. 

Theo VPCP, tại bộ phận một cửa các cấp, tỷ lệ hồ sơ điện tử chiếm tỷ lệ thấp, vì vậy cần đẩy mạnh chuyển đổi số ở bộ phận này. Trong ảnh: Bộ phận một cửa UBND phường Tân An (quận Ninh Kiều). 

Thiết lập nền tảng dùng chung

Tại hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển CPÐT, hướng tới chính phủ số, do Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức đầu tháng 1-2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thông tin: VPCP đã vận hành một số nền tảng quan trọng của CPÐT, như: trục liên thông văn bản quốc gia, hệ thống thông tin phục vụ hoạt động và xử lý công việc của Chính phủ, Trung tâm báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng dịch vụ công quốc gia… Việc phát triển CPÐT gắn chặt với ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân là thước đo hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước và của Chính phủ.

Việc đưa các nền tảng trực tuyến vào vận hành đã góp phần tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng cho ngân sách, đơn giản hóa và giảm các tầng nấc trung gian trong giải quyết TTHC cho người dân. Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, hệ thống eCabinet vận hành từ tháng 6-2019 đến nay đã góp phần chuyển phương thức làm việc từ văn bản giấy sang môi trường điện tử, sử dụng văn bản điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả. Qua đó, giảm thời gian, tăng tính kịp thời, hiệu quả trong việc xử lý công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng tới chính phủ không giấy tờ. Tính đến ngày 25-12-2020, hệ thống đã phục vụ 24 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 610 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế việc phát hành, in ấn, sao chụp hơn 222.000 bộ hồ sơ, tài liệu giấy, giúp tiết kiệm gần 169 tỉ đồng/năm.

Hay như Cổng dịch vụ công quốc gia được thành lập từ tháng 12-2019, đến ngày 25-12-2020, đã có khoảng 100 triệu lượt truy cập; tích hợp, cung cấp trên 2.600 dịch vụ công trực tuyến. Hơn 27 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 726.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến qua cổng. Ðặc biệt, cổng đã tiếp nhận, hỗ trợ trên 44.000 cuộc gọi, 9.600 phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân. Ðồng thời, kết nối với 11 ngân hàng và tổ chức trung gian cho phép thanh toán qua tài khoản của 40/46 ngân hàng đối với việc nộp thuế; phí, lệ phí TTHC; nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo hiểm xã hội; nộp tiền điện tại 12 bộ, cơ quan và 51/63 tỉnh, thành, giúp tiết kiệm gần 6.700 tỉ đồng/năm. Những con số trên cho thấy, mức độ quan tâm và phản hồi tích cực của người dân và doanh nghiệp, đồng thời việc công khai, minh bạch tiến độ giải quyết hồ sơ giúp cơ quan liên quan và người dân có thể giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước.    

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Theo các chuyên gia tham dự hội thảo, muốn chuyển đổi số thành công, trước hết trong nội bộ khối các cơ quan hành chính phải tăng cường xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử, số hóa các báo cáo để có thể điều hành dựa trên dữ liệu dùng chung, cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, quốc gia, tăng tính tương tác kết nối, chia sẻ. Ðiểm sáng là nhiều bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai nhiều nền tảng dùng chung góp phần hiện đại hóa nền hành chính, tiến tới xây dựng CPÐT.

Tại TP Cần Thơ, Trục liên thông văn bản của thành phố đã liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia, đảm bảo việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp (từ Trung ương đến cấp xã). Ðồng thời, hệ thống quản lý văn bản và điều hành được tích hợp chữ ký số. Ðến cuối năm 2020, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính dưới dạng điện tử (bao gồm văn bản gửi song song văn bản giấy) đạt 95%. Hiện các sở, ban, ngành thành phố đã và đang triển khai sử dụng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Tiêu biểu như: hệ thống thông tin quản lý cán bộ, công chức, viên chức (Sở Nội vụ), hệ thống quản lý dự án đầu tư (Sở Kế hoạch và Ðầu tư), hệ thống quản lý dữ liệu thống kê báo cáo ngành Y tế (Sở Y tế). Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố và Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ tất cả các cơ quan quản lý hành chính (111 cơ quan, đơn vị) từ thành phố đến cấp xã.

Ở bình diện quốc gia, tín hiệu đáng mừng là tất cả bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Bộ phận một cửa, 59/63 địa phương tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính cấp tỉnh. Qua đó, chất lượng giải quyết TTHC được nâng cao, có phản hồi tích cực, đạt tỷ lệ 97,37% đúng hẹn. Tuy nhiên, một điểm nghẽn trong chuyển đổi số là qua khảo sát của VPCP, cũng như báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, tại bộ phận một cửa các cấp, 93,7% hồ sơ vẫn là hồ sơ giấy, chỉ có 6,3% là hồ sơ điện tử. Do đó, VPCP đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để xây dựng Ðề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa, cắt giảm chi phí cho các tổ chức, cá nhân.

Ðể xây dựng CPÐT, hướng tới chính phủ số và các mục tiêu mà Nghị quyết số 17/NQ-CP đã đề ra, nhiều chuyên gia cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và các nền tảng thúc đẩy phát triển CPÐT, chính phủ số, nền kinh tế số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước để phục vụ người dân tốt hơn, đồng thời quan tâm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.

Bài, ảnh: TÚ ANH

Chia sẻ bài viết