03/01/2011 - 08:58

Doanh nghiệp không chấp hành nghiêm bộ luật lao động

Xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của công nhân

Bài cuối: LÀM GÌ ĐỂ BẢO VỆ QUYỀN LỢI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Điều tra * PHƯƠNG NAM

Theo các ngành chức năng thành phố, tình trạng nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước (DNNNN) ở TP Cần Thơ vi phạm quy định của Bộ luật Lao động trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân. Trong đó, bên cạnh nguyên nhân chủ yếu là do các chủ doanh nghiệp thiếu ý thức chấp hành, thậm chí coi thường pháp luật lao động, thì một phần còn do thời gian qua công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của các ngành chức năng thành phố còn hạn chế, thiếu kiên quyết… đòi hỏi cần phải có những biện pháp quyết liệt hơn…

Kiểm tra và xử phạt chưa nghiêm?

Hiện nay, ở TP Cần Thơ có trên 6.000 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh ở khu vực ngoài nhà nước. Ông Trần Vinh Quang, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng thành phố và quận huyện tiến hành kiểm tra việc chấp hành Bộ luật Lao động từ 30-35 doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức phát phiếu kiểm tra chủ doanh nghiệp tự khai việc chấp hành Bộ luật Lao động trong doanh nghiệp của mình. Qua đó, chúng tôi nhận thấy, tình trạng các doanh nghiệp vi phạm Bộ luật Lao động khá nhiều. Phổ biến là ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với công nhân lao động (CNLĐ) không đúng loại; nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi tắt là các loại bảo hiểm) của CNLĐ, tổ chức cho CNLĐ làm việc quá thời gian quy định; không thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, không thành lập công đoàn và không tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn hoạt động, không xây dựng nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể...”.

 CNLĐ TP Cần Thơ rất mong muốn các DNNNN thực hiện tốt Bộ luật Lao động giúp họ được hưởng quyền lợi hợp pháp. Ảnh: A.D.

Theo ông Phan Thông Huấn, Trưởng ban Chính sách Pháp Luật Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ, với số lượng trên 6.000 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất như hiện nay, nhưng mỗi năm đoàn kiểm tra liên ngành thành phố chỉ kiểm tra được 30-35 doanh nghiệp thì phải mất hàng chục năm mới kiểm tra được khắp lượt. Vì thế, việc chấp hành Bộ luật Lao động trong các doanh nghiệp hiện nay rất hạn chế là điều dễ hiểu!

Cũng theo các thành viên trong Đoàn kiểm tra Bộ luật Lao động của thành phố, thời gian qua, đoàn kiểm tra khi phát hiện vi phạm, chủ yếu vẫn là nhắc nhở, kiến nghị doanh nghiệp khắc phục, chưa đặt nặng vấn đề xử lý vi phạm – đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp không chấp hành tốt Bộ luật Lao động. Theo ông Trần Vinh Quang, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mặc dù số doanh nghiệp vi phạm bị phát hiện rất nhiều, nhưng từ năm 2006 đến nay thành phố chỉ ra quyết định xử phạt 1 doanh nghiệp vi phạm trong việc chấp hành Bộ luật Lao động, đó là Công ty TNHH sản xuất kinh doanh đá Granite Tài Phong, ở quận Cái Răng, nhưng công ty này cũng không chấp hành nộp phạt (!?). Ông Trần Vinh Quang, kể: “Năm 2007, qua 3 lần kiểm tra, phúc tra việc chấp hành Bộ luật Lao động, đoàn kiểm tra liên ngành đã hướng dẫn và kiến nghị công ty này khắc phục những vi phạm trong thực hiện Bộ luật Lao động, nhưng công ty đã không chấp hành, nên đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đã kiến nghị các cơ quan chức năng ra 8 quyết định xử phạt, với số tiền trên 54,5 triệu đồng. Đáng nói là, dù công ty này không chấp hành nộp phạt, nhưng nay vẫn đang hoạt động bình thường (!?).

Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý thu, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP Cần Thơ thì cho rằng: “Do thành phố chưa kiên quyết trong xử lý các doanh nghiệp vi phạm, hiện nay, mức xử phạt hành chính trong vi phạm Bộ luật Lao động thấp, chưa đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp. Bởi vậy, thời gian qua, xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp chấp nhận bị xử phạt hơn là phải khắc phục những vi phạm Bộ luật Lao động”. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm của nhiều doanh nghiệp cũng có một phần do CNLĐ. Ông Trần Vinh Quang, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, phân tích: “Nhiều CNLĐ cũng thường “nhảy rào”, thấy doanh nghiệp nào trả lương cao hơn thì “nhảy” sang làm, vì thế, nhiều CNLĐ chỉ muốn doanh nghiệp trả các khoản bảo hiểm vào thu nhập hàng tháng. Mặt khác, do đời sống khó khăn, nhiều CNLĐ đã chấp nhận làm việc quá thời gian quy định”...

Giải pháp kiên quyết hơn:

Bàn về giải pháp để bảo vệ quyền lợi cho CNLĐ, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng BHXH TP Cần Thơ, cho biết: “Đối với những DNNNN không chấp hành nghiêm việc đóng các loại bảo hiểm, hiện nay, cơ quan BHXH chủ yếu kiểm tra, nhắc nhở để các chủ doanh nghiệp chấp hành, chứ cơ quan Bảo hiểm Xã hội không có quyền xử phạt. Do vậy, việc bảo vệ quyền lợi về các loại bảo hiểm cho CNLĐ rất khó khăn. Theo tôi, sắp tới thành phố cần phải xử phạt nghiêm, thậm chí rút giấy phép kinh doanh đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm Bộ luật Lao động nhiều năm, nhằm bảo vệ quyền lợi cho CNLĐ và tạo sự công bằng trong xã hội”. Ông Phan Thông Huấn, Trưởng ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ, nói: “Công đoàn cơ sở là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chăm lo đời sống cho CNLĐ trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, cán bộ công đoàn trong các doanh nghiệp lại là người làm thuê ăn lương cho chủ doanh nghiệp nên không dám mạnh dạn đấu tranh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho CNLĐ”. Ông Trần Vinh Quang, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, cho rằng: “Đúng ra khi kiểm tra, những doanh nghiệp nào vi phạm Bộ luật Lao động thì phải ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm theo quy định. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn, không đặt nặng vấn đề xử phạt, vì nếu xử phạt hoặc đề nghị rút giấy phép thì CNLĐ không có việc làm. Theo tôi, thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành Bộ luật Lao động cho các chủ doanh nghiệp và nâng cao nhận thức về Bộ luật Lao động cho CNLĐ để họ có ý thức hơn trong việc thỏa thuận và đấu tranh đòi quyền lợi cho mình. Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường công tác kiểm tra Bộ luật Lao động trong các doanh nghiệp để nhắc nhở, kiến nghị chủ doanh nghiệp khắc phục, đồng thời cung cấp thông tin về những doanh nghiệp vi phạm Bộ luật Lao động cho các cơ quan thông tin đại chúng đăng tải”.

Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Giám đốc BHXH TP Cần Thơ, cho biết giải pháp kiên quyết hơn: “Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 86/2010/NĐ-CP “Quy định về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm pháp luật BHXH”, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-10-2010. Dựa vào những nội dung quy định của Nghị định này, năm 2011, BHXH thành phố sẽ tham mưu cho UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc đóng các loại bảo hiểm cho CNLĐ, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố tăng cường công tác thanh tra việc đóng bảo hiểm của các doanh nghiệp. Qua thanh tra, những doanh nghiệp nào vi phạm sẽ kiến nghị khắc phục trong thời gian 30 ngày, nếu sau 30 ngày doanh nghiệp không khắc phục, BHXH sẽ đề nghị UBND thành phố ra quyết định xử phạt hành chính theo quy định. Nếu doanh nghiệp nào không chấp hành nộp phạt hoặc tái vi phạm, BHXH thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng khởi kiện doanh nghiệp ra tòa, nhằm hạn chế tình trạng các DNNNN vi phạm đóng các loại bảo hiểm tràn lan như hiện nay”.

* * *

Thiết nghĩ, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn nhằm giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và thúc đẩy sự phát triển của thành phố là cần thiết, song cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng của thành phố cần có biện pháp quyết liệt hơn để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho CNLĐ, hạn chế tình trạng DNNNN vi phạm Bộ luật Lao động diễn ra tràn lan như hiện nay.

Chia sẻ bài viết