Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng theo Nghị quyết số 49- NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện, trong đó có Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29-12-2012 (QĐ 2104) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) đến năm 2020" trên địa bàn TP Cần Thơ.
Qua 3 năm thực hiện QĐ 2104, hoạt động công chứng trên địa bàn thành phố có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho Nhà nước, tổ chức và công dân. Thành phố ban hành và thực hiện tiêu chí xét duyệt hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng, đảm bảo việc cho phép thành lập văn phòng công theo theo quy hoạch công khai, minh bạch. Đến nay, thành phố thành lập 22/32 TCHNCC so với quy hoạch. Đội ngũ Công chứng viên (CCV) phát triển nhanh chóng về số lượng (43 CCV), tuy nhiên chưa đảm bảo chất lượng. Bởi, có 11/43 CCV hành nghề công chứng ở Phòng Công chứng (Sở Tư pháp); trong số 32 CCV còn lại, chỉ có 3 CCV từng hoạt động lĩnh vực công chứng; số còn lại được bổ nhiệm từ Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên. Trong đó, không ít CCV chưa được đào tạo nghiệp vụ công chứng. Vì thế, khi hoạt động còn nhiều sai sót (năm 2015, Sở Tư pháp tổ chức 5 đợt thanh, kiểm tra 22 TCHNCC và ban hành 22 quyết định xử phạt hành chính, với số tiền 115 triệu đồng).
Theo quy hoạch, thành phố phát triển 32 TCHNCC, trong đó, giai đoạn 1 có 19 tổ chức; giai đoạn 2 có 13 tổ chức. Hiện nay, giai đoạn 1, thành phố có 22 tổ chức (vượt 3 tổ chức so với quy hoạch gồm: Ninh Kiều, Bình Thủy và Ô Môn). Từ năm 2012 đến nay, 21 TCHNCC trên địa bàn công chứng 77.643 hợp đồng, giao dịch, thu hơn 19,1 tỉ đồng
Bên cạnh đó, hoạt động xã hội hóa công chứng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Theo quy hoạch, tại TP Cần Thơ giai đoạn 2011-2015, có 4 địa phương chỉ có 1 TCHNCC như: Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai và Vĩnh Thạnh. Điều này gây khó khăn trong trường hợp địa phương thực hiện việc chuyển giao các hợp đồng, giao dịch liên quan bất động sản cho các TCHNCC. Theo Sở Tư pháp thành phố, nếu TCHNCC này vi phạm tới mức bị tước quyền sử dụng thẻ CCV (đối với trường hợp TCHNCC hoạt động dưới hình thức DNTN, có 1 CCV) thì các giao dịch, hợp đồng liên quan bất động sản tại địa phương được chuyển giao sẽ do ai thực hiện? Trong khi thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã không còn (do có quyết định chuyển giao). Để đảm bảo quyền lợi cho người dân thực hiện hợp đồng, giao dịch, cơ quan chức năng không tước quyền sử dụng thẻ của CCV vi phạm mà chỉ xử phạt tiền. Do đó, việc xử phạt này chỉ mang tính răn đe nhưng chưa đảm bảo đúng quy định pháp luật. Trước thực tế đó, Sở Tư pháp thành phố kiến nghị cần mở rộng quy hoạch theo hướng cho phép bổ sung thêm một số TCHNCC tại các địa bàn chuyển giao hợp đồng, giao dịch liên quan bất động sản cho TCHNCC để đảm bảo hợp đồng, giao dịch của người dân được thực hiện trong mọi trường hợp, kể cả khi CCV bị tước quyền sử dụng thẻ CCV.
Một khó khăn khác, hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân đủ điều kiện, năng lực để thành lập và hoạt động công chứng, nhưng họ không thể thực hiện được do số lượng quy hoạch còn hạn chế
Với những hạn chế nêu trên, UBND thành phố đề nghị Bộ Tư pháp cho điều chỉnh quy hoạch, trong đó, tăng 11 TCHNCC so với quy hoạch được phê duyệt hiện tại. Bởi hiện nay, thực hiện chủ trương chuyển giao hợp đồng, giao dịch liên quan bất động sản cho TCHNCC, thành phố chuyển giao 35/45 xã, phường, thị trấn. Do đó, để đảm bảo đủ khả năng công chứng cho cá nhân, tổ chức mọi trường hợp, UBND thành phố đề xuất cho phép thành lập tại mỗi quận, huyện từ 4-5 TCHNCC
H.D