10/12/2009 - 09:21

WHO thông báo về lô vắc-xin cúm A(H1N1) gây biến chứng tại Canada

* Từ nay đến tháng 2-2010, WHO chuyển 1,2 triệu liều vắc-xin cho Việt Nam
* Nguy cơ xảy ra tương tác cúm A(H1N1) và cúm A(H5N1) trong cộng đồng

Ngày 9-12, Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã có những thông tin chính thức đầu tiên về vắc- xin phòng chống cúm A(H1N1) cung cấp cho Việt Nam cho biết: Từ nay đến tháng 2-2010, WHO sẽ chuyển 1,2 triệu liều vắc-xin ArepanrixTM tới Việt Nam như đã cam kết. Đây là loại vắc-xin có tá dược được sản xuất tại Canada của hãng GlaxoSmithKline (GSK) đã được WHO kiểm định chất lượng dựa trên quy trình chuẩn, thông tin về chất lượng, độ an toàn được cung cấp trong hồ sơ.

* Ngày 9-12, đại diện WHO tại Việt Nam trả lời về vấn đề vắc- xin phòng chống cúm A(H1N1) của GSK gây biến chứng tại Canada như sau: GSK đã chủ động giữ lô Arepanrix A80CA007A sau khi theo dõi thấy một tỷ lệ lớn các ca bị sốc phản vệ có liên quan đến lô vắc-xin này. Tổng cộng có 172.000 liều được phân phối, sau khi công bố thu giữ còn hơn 14.700 liều chưa sử dụng. Tính toán dựa trên số lượng liều chưa sử dụng, tần suất sốc phản vệ sau khi tiêm vắc-xin từ Lô A80CA007A là 4 trường hợp trên 100.000 liều được phân phối. Tần suất này cao hơn khi so sánh với tỷ lệ thông thường là 0.1-1 trên 100.000 liều.

WHO cũng khẳng định rằng: Tất cả các thông tin về việc tiêm vắc-xin cũng như các phản ứng bất lợi xảy ra sau khi tiêm tại các nước khác đều được WHO thông báo tới các quốc gia thành viên. Quyết định về việc chia sẻ vắc- xin giữa 95 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong đó có Việt Nam được tiến hành dựa trên các đánh giá do WHO tiến hành vào tháng 10-2009, trước khi thu hồi lô vắc-xin tại Canada...WHO cũng khuyến cáo: Việc tiêm vắc-xin phòng chống cúm A (H1N1) cho người dân là hết sức cần thiết. Nguy cơ về phản ứng vắc-xin vẫn có thể xảy ra nhưng nhỏ hơn nhiều lần so với nguy cơ mắc cúm A(H1N1) mà nhóm nguy cơ cao phải chịu.

* Tại cuộc họp thường kỳ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, chiều 9-12, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định: Dịch cúm A(H1N1) tiếp tục diễn biến phức tạp vì có nguy cơ xảy ra sự tương tác giữa cúm A(H1N1) và cúm A(H5N1) trong cộng đồng.

Theo điều tra nghiên cứu của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại Điện Biên vừa qua đã phát hiện thêm một người nhà của bệnh nhân có kết quả dương tính với cúm A(H1N1). Trong khi đó, gia cầm được nuôi trong nhà bệnh nhân này đều mắc cúm gia cầm (H5N1). TS Hiển cho rằng: Khi hai loại vi rút này cùng chung sống trong một khu vực có thể dẫn đến nguy cơ hình thành chủng vi rút mới với độc lực mạnh hơn. Do vậy, Viện đang tiến hành giám sát chặt chẽ diễn biến của ổ dịch để kịp thời ứng phó với tình huống xấu có thể xảy ra.

TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường cũng cho biết: Tại Việt Nam, các chùm ca nhiễm cúm A(H1N1) đã giảm song cần đề phòng những bệnh nhân bị viêm phổi vì đa số các trường hợp này khi nhập viện đều có kết quả dương tính với cúm A(H1N1). Bộ Y tế khuyến cáo: Tất cả các bệnh nhân viêm phổi khi nhập viện phải được xét nghiệm PCR để chẩn đoán và điều trị cúm A(H1N1) kịp thời nhằm hạn chế tối đa tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn khuyến cáo vắc-xin cúm A(H1N1) đang sử dụng là an toàn, trong số 65 triệu người trên thế giới đã tiêm phòng vắc-xin cúm A(H1N1) nhưng đến nay chưa phát hiện trường hợp nào tử vong. Với trường hợp lô vắc-xin ở Canada gây phản ứng, WHO đang tiếp tục điều tra để làm rõ nguyên nhân.

Bộ Y tế cũng đã ban hành “Hướng dẫn giám sát và phòng chống dịch cúm A(H1N1)” thay thế Quyết định số 1846/QĐ-BYT ngày 27-5-2009 để kịp thời đối phó với đại dịch trong tình hình mới.

NHẬT MINH-VIỆT HÀ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết