14/09/2021 - 06:16

Vượt khó dạy và học bảo đảm chất lượng 

Thực hiện và chuẩn bị các điều kiện cho Chương trình Giáo dục phổ thông mới trong tình hình giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19, cho nên dù đã tập trung nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), nhưng nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ vẫn còn gặp khó khăn khi bắt đầu năm học mới. Tại hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học mới do Sở GD&ĐT thành phố tổ chức vừa qua, nhiều kiến nghị, đề xuất được đưa ra nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học trong năm học này.

Cùng vượt khó

Học sinh lớp 6 và 12 ở TP Cần Thơ đã bắt đầu học kỳ I năm học mới bằng hình thức trực tuyến từ ngày 6-9.

Học sinh lớp 6 và 12 ở TP Cần Thơ đã bắt đầu học kỳ I năm học mới bằng hình thức trực tuyến từ ngày 6-9.

Từ ngày 6-9, học sinh khối lớp 9 và lớp 12 của TP Cần Thơ đã bắt đầu vào chương trình học kỳ I bằng hình thức trực tuyến. Theo ghi nhận của phóng viên ở một số địa phương, thầy và trò các trường đang nỗ lực khắc phục khó khăn để có thể dạy - học đúng kế hoạch, đạt chất lượng. Tại Trường THPT Phan Văn Trị (huyện Phong Điền), song song với tổ chức dạy học trực tuyến, trường đã chuẩn bị các điều kiện an toàn phòng dịch để đón học sinh nhập học trở lại nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, như tổng vệ sinh, phun xịt khử khuẩn khuôn viên trường…; tu sửa các nền phòng học, phòng bộ môn, chỉnh trang bàn ghế. Trường chuẩn bị chu đáo đội ngũ nhà giáo, đảm bảo giảng dạy cho trên 1.500 học sinh/39 lớp.

Thầy Nguyễn Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Trị, cho biết tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phụ huynh học sinh hỗ trợ nhà trường và các em học sinh thích ứng với phương pháp học trực tuyến; thành lập nhóm hỗ trợ học online với hơn 80 giáo viên tham gia. Tuy nhiên, trường vẫn còn 16 học sinh 3 khối lớp (10, 11 và 12) chưa có thiết bị công nghệ để học trực tuyến và thiếu 3 giáo viên dạy môn Tin học, Ngữ văn, Anh văn. Để đảm bảo dạy và học, nhà trường đề xuất thành phố hỗ trợ đào tạo bổ sung giáo viên; cấp tài khoản cho thầy cô và hỗ trợ học sinh thiết bị công nghệ để việc dạy - học trực tuyến tốt hơn. “Đối với những học sinh khó khăn, chưa thể tham gia học trực tuyến, trường tổ chức giao và nhận sản phẩm học tập trực tiếp cho các em”, thầy Minh nói.

Tương tự, Trường THCS&THPT Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh đã chuẩn bị phòng lớp học (28 lớp/28 phòng học) và đội ngũ giáo viên nhằm đảm bảo nhiệm vụ năm học. Trường huy động các em học sinh lớp 9 và 12 học trực tuyến đúng thời gian quy định. Theo Ban Giám hiệu Trường THCS&THPT Thạnh Thắng, bước đầu triển khai dạy và học trực tuyến cũng gặp một số vấn đề, do học sinh vùng ngoại thành còn khó khăn về kinh tế cũng như thiết bị công nghệ. Đối với lớp 12, tất cả học sinh đều có thiết bị học, nhưng với học sinh lớp 9 vẫn còn 10% chưa có phương tiện. Trường đã lập danh sách học sinh khó khăn để kịp thời hỗ trợ cho các em. Trước mắt, thầy cô giáo ở trường giao và nhận sản phẩm học tập trực tiếp cho học sinh chưa tham gia được lớp học trực tuyến, nhằm giúp các em không bị gián đoạn việc học.

Chuẩn bị chu đáo đón học sinh trở lại trường

Đến nay, 9 quận, huyện trên địa bàn thành phố đã hoàn tất công tác chuẩn bị nguồn lực phục vụ cho năm học mới 2021-2022. Các địa phương đã sẵn sàng điều kiện đảm bảo an toàn để đón học sinh trở lại trường học. Đơn cử như UBND huyện Cờ Đỏ chỉ đạo truyền thanh huyện tuyên truyền khung kế hoạch năm học mới; chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, trường học quan tâm tạo điều kiện học tập cho học sinh khó khăn, kể cả học sinh bị kẹt lại địa bàn huyện vì dịch bệnh. Các trường học trên địa bàn huyện tổ chức phun xịt khử khuẩn, vệ sinh trường lớp. Tuy nhiên, huyện Cờ Đỏ còn một số khó khăn: vài trường còn thiếu giáo viên; việc triển khai dạy và học trực tuyến tuy đã dần vào nền nếp nhưng vẫn còn một số học sinh chưa đủ máy tính, điện thoại… Hiện UBND huyện chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp Phòng GD&ĐT huyện có kế hoạch tuyển dụng giáo viên; rà soát lại số học sinh chưa có thiết bị công nghệ để có phương án trợ giúp các em có đủ phương tiện học tập.

Các trường học ở quận Cái Răng cũng gặp một số khó khăn khi tổ chức dạy và học trực tuyến ở cấp THCS, do vẫn còn học sinh thiếu thiết bị. Hiện nay, Phòng GD&ĐT quận đang tham mưu UBND quận Cái Răng vận động các nhà tài trợ hỗ trợ thiết bị cho học sinh. Đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Cái Răng cho biết, với công tác tập huấn giáo viên, UBND quận đã cấp kinh phí hơn 263 triệu đồng, thực hiện cấp tài khoản cho giáo viên.

Theo ông Lê Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền, huyện có 4 điểm trường được trưng dụng làm khu cách ly y tế tập trung nhưng chỉ có 2 điểm trường được sử dụng (Tiểu học Mỹ Khánh 1 và THCS Mỹ Khánh) và 2 điểm này đã được tổng vệ sinh, phun xịt khử khuẩn để bàn giao lại cho ngành Giáo dục vào cuối tháng 8-2021. Ngoài ra, sau vài ngày thực hiện dạy và học trực tuyến, tỷ lệ học sinh lớp 9, 12 của huyện lên lớp đạt 93%. Học sinh chưa có thiết bị công nghệ, các trường đã hỗ trợ bằng cách gửi tài liệu và giúp đỡ mọi điều kiện cho các em. Ông Lê Hoàng Dũng nói thêm: Huyện cũng còn thiếu giáo viên dạy Tin học và Ngoại ngữ; đề xuất Sở GD&ĐT thành phố có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để có nguồn hỗ trợ cho huyện.  

***

Tại TP Cần Thơ, năm học 2021-2022 khai giảng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, khiến cho các địa phương gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là với giáo viên, học sinh - những người bị ảnh hưởng trực tiếp trong quá trình dạy và học. Với những giải pháp phù hợp của địa phương, sự hỗ trợ kịp thời của thành phố, cơ quan chủ quản, tin rằng các trường, thầy cô giáo và học sinh hoàn thành tốt mục tiêu năm học này.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết