Hệ thống pháp luật của nước ta đang ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, giữa một số văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn mâu thuẫn, chồng chéo hay những bất cập, dẫn đến vướng mắc trong thực thi pháp luật.

Biên bản xử phạt vi phạm hành chính được đóng thành tập theo quy định nên lực lượng chức năng gặp khó khăn khi ghi biên bản, do phần được để trống để ghi hành vi vi phạm quá ít. Trong ảnh: Cảnh sát giao thông Công an huyện Phong Điền lập biên bản vi phạm hành chính. Ảnh: K.Xuân
Quá trình áp dụng Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 được sửa đổi, bổ sung năm 2008 (Luật PCMT) và Luật Xử lý vi phạm hành chính, các ngành chức năng đã phát hiện sự chồng chéo về độ tuổi của đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tại khoản 1 và khoản 2, Điều 29 của Luật PCMT quy định người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, khoản 1, Điều 96 của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên.
Để các quy định pháp luật được thống nhất và các ngành chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đề nghị sửa đổi Luật PCMT phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng quy định đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên.
Bên cạnh những quy định chồng chéo, có một số quy định không còn phù hợp thực tiễn như một số biểu mẫu được ban hành kèm theo Thông tư số 07/2019/TT-BCA ngày 20-3-2019 của Bộ Công an quy định về các biểu mẫu sử dụng để xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Công an nhân dân.
Tại mẫu Biên bản vi phạm hành chính (Mẫu số 43/BB-VPHC), phần ghi “Nội dung vi phạm hành chính” và mẫu Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Mẫu số 02/QĐ-XPHC), phần ghi nội dung “Đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính” quá ngắn nên trong trường hợp tổ chức, cá nhân có nhiều hành vi vi phạm hành chính thì không đủ chỗ để ghi tất cả các hành vi vi phạm hành chính theo quy định. Trong khi theo quy định tại Điều 4 của Thông tư, biểu mẫu phải in thống nhất trên khổ giấy A4, không được thay đổi nội dung của mẫu, đối với mẫu Biên bản vi phạm hành chính và mẫu Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải được đóng thành quyển 100 trang, có bìa và đánh số thứ tự, nên các cơ quan áp dụng pháp luật không thể kéo dài phần ghi hành vi vi phạm hành chính ra được.
Hay như tại mẫu Biên bản tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (Mẫu số 54/BB-TTTVPT), phần căn cứ của biên bản có nội dung “Căn cứ Quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính...” nhưng không có nội dung “Căn cứ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính” là chưa phù hợp đối với trường hợp lập biên bản tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính mà hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Do đó, đề nghị ngành chức năng có văn bản hướng dẫn kịp thời hoặc sửa đổi, bổ sung các biểu mẫu trên cho phù hợp với thực tiễn.
Thời gian qua, các cơ quan thực thi pháp luật còn gặp lúng túng trong áp dụng miễn trách nhiệm hình sự đối với người mắc bệnh hiểm nghèo. Tại điểm b, khoản 2, Điều 29 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa thì được miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, chưa có văn bản pháp luật quy định thế nào là bệnh hiểm nghèo mà người phạm tội mắc phải dẫn đến không còn khả năng nguy hiểm cho xã hội để làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự.
Với vướng mắc trên, các ngành chức năng cần có văn bản hướng dẫn những loại bệnh hiểm nghèo nào mà người phạm tội mắc phải dẫn đến không còn khả năng nguy hiểm cho xã hội để việc áp dụng luật được thống nhất và đúng quy định của pháp luật.
Hoài Phương