Tin Mai có thai cuối cùng đến tai người mẹ mù lòa của cô. Bà đau khổ gào khóc, bỏ ăn bỏ ngủ cứ ngồi trân trân mở to hai mắt đã không nhìn thấy, hướng ra mảnh vườn sau nhà.
Mảnh vườn ngày xưa lúc mắt còn sáng bà vẫn trồng cả vườn rau xanh ngắt. Bà vẫn còn nhớ ở cuối góc vườn là một cây ổi, năm nào cũng sai quả đến nỗi ông bà chẳng kịp ăn, cứ thế để rụng mà vẫn thơm lựng. Cái giống ổi đào ấy, thơm chi mà thơm dai. Nhưng thời ấy qua lâu lắm rồi. Ông đi bốc hàng theo xe người ta, chết trong một vụ tai nạn. Rồi chẳng hiểu có phải bà khóc nhiều quá không mà mắt cứ dần dần mờ đi cho đến bây giờ thì không còn nhìn thấy gì nữa.
Cả nhà đành phải để Mai gánh vác. Hai mẹ con cứ thế sống bao năm nay, lúc nào bà cũng tin tưởng Mai là đứa con gái ngoan ngoãn, chỉ biết chăm lo cho gia đình, nào ngờ đâu đứa con gái quý báu của bà...
"Con không thương người mẹ mù lòa sao?".
Bà cứ kêu đi kêu lại câu ấy.
"Con làm thế để kiếm tiền nuôi mẹ thì mẹ thà chết còn hơn".
Bà kêu khóc, rồi ngồi lặng câm. Mai không biết mẹ đang nghĩ gì. Mai nhìn ra mảnh vườn trước mắt, giờ đây chỉ có cỏ dại. Bụng to rồi, không thể đi hát ở quán karaoke nữa, Mai sẽ làm gì để nuôi mẹ, nuôi con đây. Bao giờ Tín trở về?
***
Mai gặp Tín ở cái quán karaoke xập xệ ấy. Như bao nhiêu người khách khác, Tín cũng chết mê giọng hát buồn não của Mai. Tín bảo, cái giọng ấy như xa xưa, như mê vọng, đánh thức biết bao nhiêu cảm xúc mà những tài xế đường dài như Tín muốn trốn tránh. Chạy xe đường trường, lại xe chở hàng, chẳng thể trò chuyện được với ai, chỉ biết giữ cho cái đầu trống rỗng để tỉnh táo mà đi cho đến nơi.
Tín ghé quán ấy lần đầu tiên là tại xe hỏng giữa đường, đang đêm hôm không gọi được chỗ sửa xe nên đành phải nghỉ lại đợi trời sáng. Đáng lẽ Mai cũng chẳng để tâm. Ấy vậy mà hát mãi xong rồi, Tín uống say rồi cứ thế kéo Mai lại gần, đòi Mai hát nữa đi. Mai có phần bối rối, sợ hãi nhưng nghĩ đến lời bà chủ quán, Mai vẫn miễn cưỡng ngồi xuống cạnh Tín trong khi những người khác say, ngật ngưỡng đi ra ngoài. Nhạc buồn não nề vẫn đang vang lên. Trong khung cảnh u sầu ấy, Mai đã nhìn thấy những giọt nước mắt đang chảy từ từ trên má Tín.
"Anh sao vậy?". Mai bối rối đánh bạo hỏi Tín.
"Tôi thấy nhớ nhà, tôi đi xa nhà lâu quá rồi". Mai nghe Tín trả lời ấy, mà lại như không phải nói với Mai. Giọng Tín nghe như vọng lại từ một nơi rất xa xôi nào đấy.
"Nhớ nhà thì về nhà. Tại các anh cứ mải kiếm tiền". Mai thủng thẳng nói, nửa thật nửa đùa, cũng mong phá tan được cái không khí ủy mị này.
Tín ngẩng đầu lên nhìn Mai bằng đôi mắt còn đang đỏ hoe vì rượu và và vì nước mắt.
"Không về được".
"Tôi mồ côi". Tín đi, bỏ lại cái tiếng mồ côi ấy văng vẳng bên tai Mai suốt nhiều ngày sau nữa. Vì những tiếng ấy, Mai đi làm về sớm hơn, đứng lại lâu hơn bên chiếc giường có người mẹ mù lòa đang nằm ấy. Mai vẫn còn một người thân ở bên cạnh.
Không hiểu sao Mai cứ nhớ mãi người đàn ông mồ côi đêm hôm ấy.
Thế rồi, hơn một tuần sau, xe của Tín lại đi qua cái xóm nghèo này. Sau lần ấy, Tín có trở lại một vài lần nữa, nhưng cũng chẳng ai buồn quan tâm bởi con đường này ngày ngày có bao nhiêu người lái xe qua xe về. Xe ở đây chủ yếu đi về phía biên giới. Mai nghe người ta đồn rằng trên ấy hẻo lánh, buồn bã, bạc bẽo còn hơn ở xóm nghèo của Mai. Cánh lái xe trên đấy cứ thấy con gái là lao vào, rồi lên xe đi luôn. Ai ngu mới đi yêu tài xế đường trường ấy. Thế mà Mai yêu. Yêu rồi có thai. Khi Mai nói với Tín, vẻ mặt Tín sung sướng như trẻ thơ nhận được quà, Tín đã vạch ra kế hoạch tương lai thật đẹp đẽ.
Tín sẽ chỉ đi vài chuyến xe nữa thôi, rồi sẽ về sống với Mai. Hai vợ chồng sẽ cùng sống với mẹ trong ngôi nhà cấp bốn nhỏ ấy. Mai có biết chút ít về nghề may nên Tín định sẽ mở cho Mai một tiệm may. Tín biết lái xe nên sẽ đi theo xe người ta chở hàng, mà đi gần nhà thôi. Nhưng Mai muốn Tín nghỉ lái xe hẳn, Mai muốn Tín ở nhà trồng rau, nuôi gà. Nếu có phải đi làm, cũng không làm việc phải đi xa nữa. Mai muốn Tín có nhà. Mai muốn con của hai người sau này sinh ra sẽ có một ngôi nhà ấm cúng.
Tín đi. Biên giới càng lúc càng xa vời vợi. Mai đợi mòn mỏi nhưng Tín không thấy về qua.
Mai mang thai được năm tháng. Đêm nào cũng đứng trên con đường xe qua lại ấy để đợi Tín. Mai dù có cố nhìn mãi cũng không gặp được khuôn mặt thân quen. Rồi đêm ấy, Mai đã ngược theo một chiếc xe lên biên giới. Mai không chỉ muốn tìm Tín mà còn mong mỏi được biết đến nơi Tín đã ở. Nằm trong thùng xe kín, Mai không thể nào chợp mắt được. Xe đi suốt đêm. Nhắm mắt lại Mai vẫn cảm thấy chiếc xe chênh vênh giữa những triền dốc. Cơn mệt mỏi khiến Mai nôn thốc nôn tháo khi vừa bước xuống xe. Vùng biên đang nhộn nhịp ì xèo tiếng người mua, người bán. Những gương mặt nhớp nháp mồ hôi, oằn lưng cõng từng tải hàng nặng trịch trên vai. Vài người đứng chỉ tay, quát tháo ầm ĩ.
Bao nhiêu tiếng nói cứ văng vẳng bên tai Mai, nhưng không có tiếng nói nào của Tín, không ai biết Tín ở đâu.
Mai phải rời khỏi đây thôi. Mai biết Tín sẽ không bao giờ quay trở về đây nữa. Nơi này đâu phải nhà của Tín. Ở đây chỉ có những con người cộc cằn, thô lỗ vì quanh năm khắc khổ bon chen mà thôi. Nơi này có gì đâu để Tín quay về?
***
Bây giờ mẹ Mai không gào khóc nữa. Đứa trẻ đã biết bi bô gọi "pà... pà...". Mỗi lần nghe tiếng trẻ thơ ấy, bà chẳng còn giận, chẳng còn buồn. Bà già rồi, không nghĩ được nhiều nữa. Đứa trẻ ngoan thế này, bà chỉ biết yêu nó.
Khu vườn Mai đã làm lại hai năm nay. Đúng như ngày xưa mẹ Mai vẫn nhớ. Có những mảnh rau được chăm sóc ngày một, xanh mơn mởn. Mai chỉ trồng thêm cây na ở góc vườn. Người ta vẫn bảo "trẻ trồng na, già trồng chuối". Mai còn trẻ và nỗi chờ đợi Mai biết còn rất dài. Có cây na này, Mai sẽ không thấy khổ sở trong những ngày chờ đợi Tín. Thỉnh thoảng Mai có hát lại dăm bài hát ngày xưa đã từng hát cho Tín, để cố gắng ghi nhớ lại giọng nói, ánh mắt, khuôn mặt Tín.
Nhiều người đàn ông đã đến, bày tỏ muốn được chăm sóc Mai, nhưng Mai gạt đi hết. Nhiều đêm, cô cũng muốn lao đi, muốn tìm vòng tay che chở của một người đàn ông nào đó. Nhưng rồi tiếng con khóc, khiến cô nhớ đến giọng nói nghẹn ngào của Tín, nhớ đến những ái ân gần gụi mà anh và cô đã có. Cô nghĩ mãi về nó, tự ru mình bằng những ấm áp từ một thời quá vãng xa xăm, rồi thiếp đi cho tới lúc gà gáy. Cuộc sống của cô lại diễn ra bình thường trong một nỗi chờ đợi dai dẳng.
***
Khu vườn giờ chẳng còn lấy một cây cỏ dại. Chỉ còn ánh nắng tràn ngập. Ánh nắng xen qua những khe lá, trông mê hoặc đến lạ lùng.
Trí nghĩ mẹ đã đi theo thứ ánh nắng ấy về trời. Ngày mẹ mất, cây na đang xanh tốt tự nhiên héo rũ rồi cứ thế mà chết khô trong vài ngày sau đưa tang mẹ. Suốt cuộc đời chờ đợi đến mỏi mòn của mẹ không đơn độc và giờ mẹ ra đi cũng có một kẻ bầu bạn. Biết đâu họ sẽ tiếp tục cùng nhau đợi chờ ở thế giới bên kia.
Mẹ đã kể cho Trí nghe về cha. Trí không có ký ức như mẹ để tin rằng, tình yêu với mẹ sẽ khiến cha trở về. Trí cũng không phải là một người phụ nữ, để có thể tự huyễn hoặc bản thân mình về một điều viển vông, để lấy cớ mà sống tiếp. Nhưng Trí là một người con chưa từng được gặp mặt cha, nên Trí tha thiết giữ cho mình một niềm hy vọng để chờ đợi. Đó cũng là cách để khiến Trí cảm thấy mình được gần gũi hơn với cha.
Trí chuyển về thành phố làm việc, nhưng ngôi nhà này, khu vườn này, Trí vẫn giữ lại nguyên vẹn. Trí vẫn thuê người chăm sóc thường xuyên, để khu vườn luôn có nắng tràn vào. Và để đợi một ngày cha Trí trở về.