31/05/2019 - 17:49

Vun đắp tình làng nghĩa xóm 

Nhiệt tình, cần mẫn, trách nhiệm với công việc, ông Nguyễn Văn Nân, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Tân Hưng, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, đã cùng với các thành viên tổ chức hòa giải thành nhiều vụ việc mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng dân cư, góp phần vun đắp tình làng nghĩa xóm.

Ông Nguyễn Văn Nân luôn dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu các quy định của pháp luật.

Chúng tôi tìm đến ông Nguyễn Văn Nân đúng lúc ông vừa hoàn thành hồ sơ một vụ hòa giải thành để báo cáo về UBND xã. Chia sẻ về vụ việc này, ông Nân cho biết, lúc đầu, tưởng hòa giải không thành, phải chuyển về trên nhưng nhờ kiên trì động viên, thuyết phục cuối cùng 2 bên đã đạt được thỏa thuận.

Đó là vụ việc giữa ông Lê Văn Đãi và ông Ngô Hữu Đức- hai gia đình có diện tích đất sản xuất nông nghiệp liền kề nhau. Quá trình canh tác, do tác động của khâu làm đất, be bờ… nên bờ ven giữa 2 thửa đất bị xê dịch, ông Đãi làm đơn nhờ Tổ hòa giải ấp xác định lại ranh đất. Khi tiến hành hòa giải, cả 2 bên đều muốn giành phần thắng về mình, lời qua tiếng lại khiến không khí buổi hòa giải trở nên căng thẳng. Ông Nân cùng các thành viên trong Tổ hòa giải kiên trì phân tích lẽ thiệt hơn, động viên 2 bên giữ gìn tình nghĩa chòm xóm. Cuối cùng, ông Đãi và ông Đức vui vẻ chấp nhận phương án giải quyết mà Tổ hòa giải đưa ra. Ông Nân nói: “Khi tiếp nhận các vụ việc có liên quan đến đất đai, tôi và các thành viên trong Tổ xác định phải giải quyết ngay và quyết tâm phải hòa giải thành, vì nếu kéo dài thời gian, mâu thuẫn trở nên gay gắt, ắt sẽ nảy sinh thêm những chuyện phức tạp hơn”.

Do là vùng ngoại thành nên những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư chủ yếu thuộc lĩnh vực tranh chấp ranh đất, vay mượn nợ, hôn nhân và gia đình,… Hơn 5 năm làm Tổ trưởng hòa giải, ông Nân tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong công việc. Theo ông Nân người làm công tác hòa giải cần có nghệ thuật, phải nắm vững và vận dụng tốt các quy định của pháp luật gắn với vận động, thuyết phục vừa hợp tình vừa hợp lý thì cuộc hòa giải mới thành. Sau mỗi vụ việc, chứng kiến 2 bên bắt tay nhau thuận hòa, hàn gắn tình làng nghĩa xóm, ông cảm thấy rất vui. Đó cũng chính là động lực giúp ông gắn bó với công việc. Bao giờ cũng vậy, ngay khi nhận được đơn thư, ông Nân nghiên cứu cặn kẽ, rồi tiến hành xác minh, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng các bên, sau đó hội ý các thành viên trong Tổ tìm hướng giải quyết.

Ông Nân cho biết: “Trong buổi hòa giải, tùy vào vụ việc cụ thể, tôi vận dụng phương pháp thuyết phục theo phương châm “đúng sai phân minh” giúp đương sự thấy rõ cái sai và tự nguyện sửa chữa”. Để minh chứng, ông kể về vụ hòa giải giữa ông Ngô Hữu Phát và ông Cao Văn Minh. Quá trình hùn hạp làm ăn chung, ông Minh nợ ông Phát 150 triệu đồng. Do làm ăn thua lỗ nên ông Minh lánh mặt, ông Phát làm đơn nhờ Tổ hòa giải giải quyết. Khi tổ chức hòa giải, ông Minh nhận thiếu sót nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên đành thất hứa và hẹn trả nợ trong 2 lần. Tổ hòa giải động viên và ông Phát đã tạo điều kiện thuận lợi cho ông Minh trả nợ.

Nhờ vận dụng tốt các quy định của pháp luật gắn với động viên, thuyết phục bà con giữ gìn tình nghĩa xóm làng nên nhiều năm liền ông Nguyễn Văn Nân cùng các cộng sự tổ chức hòa giải thành nhiều vụ việc. Nhiều năm liền tỷ lệ hòa giải thành của Tổ hòa giải ấp Tân Hưng đạt hơn 85%, riêng đầu năm 2019 đến nay, đã tổ chức hòa giải thành tất cả 2 vụ. Ông Lê Thanh Tứ Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc nhận xét: “Ông Nguyễn Văn Nân là một trong những Tổ trưởng hòa giải tiêu biểu, có tinh thần trách nhiệm, tích cực trong công tác hòa giải. Bên cạnh đó, ông Nân còn có sự quyết tâm hàn gắn mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng dân cư, đưa người dân đến gần nhau hơn, góp phần giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội ở địa phương".

Bài, ảnh: MINH HẢI

Chia sẻ bài viết