22/05/2010 - 08:42

Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài giúp tăng thanh khoản cho thị trường chứng khoán

* Cần cơ chế tài chính để phát triển thị trường bất động sản

Ngày 21-5, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế”.

Theo Tiến sĩ Lê Văn Châu, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, chúng ta đang thiếu một định hướng rõ ràng về dòng vốn đầu tư gián tiếp, những chính sách nhằm tăng cường khả năng thu hút của nhà nước; thị trường tài chính chưa phát triển, thiếu gắn kết, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiện tại cơ quan chức năng chỉ kiểm soát được dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tại thị trường chứng khoán tập trung trên cơ sở cấp mã số giao dịch, còn đối với việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường tự do thì không kiểm soát được. Đối với ngân hàng Nhà nước, việc theo dõi hoạt động lưu chuyển của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài liên quan đến hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng như hoạt động góp vốn, mua cổ phần, đầu tư nói chung chưa được bóc tách từ hoạt động lưu chuyển ngoại hối nói chung.

Theo nhiều chuyên gia tại hội thảo, để khắc phục những điểm yếu trên, Việt Nam cần có chính sách thông thoáng, thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, mặt khác cần chủ động có những biện pháp phòng ngừa trước sự vận động liên tục của dòng vốn này, cũng như giảm bớt những tiềm ẩn rủi ro của nó.

* Cần sớm xây dựng cơ chế tài chính để phát triển thị trường bất động sản (BĐS), đặc biệt là cơ chế tài chính phát triển nhà ở là một trong những đề xuất của Tổ chuyên gia liên ngành của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.

Trong năm 2010, sự phát triển của thị trường BĐS vẫn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Vì vậy, các chính sách tài chính tiền tệ cần phải rất linh hoạt để vừa đảm bảo không tạo ra “bong bóng” trên thị trường BĐS, nhưng cũng không thắt chặt đột ngột gây “đổ vỡ” thị trường trên diện rộng. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách về xây dựng, tài chính tiền tệ liên quan tới thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển. Một số cơ chế, chính sách được đề xuất áp dụng trước mắt là: tạm thời giãn, hoãn thu thuế thu nhập cá nhân đối với mua bán BĐS; qui định về huy động vốn trong quá trình triển khai dự án BĐS; qui định về cho vay kinh doanh BĐS dựa trên thế chấp; quy định về khuyến khích phát triển nhà ở cho thuê. Về lâu dài, các chuyên gia đề xuất nghiên cứu thí điểm thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ người lao động có điều kiện mua nhà. Cùng đó là thí điểm thành lập mô hình Quỹ đầu tư tín thác BĐS. Đây là hình thức đầu tư theo ủy quyền của các nhà đầu tư nhỏ và quỹ này được phép đầu tư 100% vốn vào BĐS.

THÙY DƯƠNG- THU HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết