25/10/2018 - 20:30

Vĩnh Thạnh sẵn sàng cho vụ lúa đông xuân 

So với những năm gần đây, mùa lũ 2018 mực nước lên cao, đe dọa đê bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đường giao thông, ao nuôi trồng thủy sản... ở huyện Vĩnh Thạnh. Chính quyền địa phương tập trung nhân lực, huy động sức dân nâng cấp, gia cố đê bao, bảo vệ an toàn ruộng lúa, hoa màu, đảm bảo sản xuất nông nghiệp trong mùa nước nổi. Nhiều cánh đồng lúa đã thu hoạch cũng “mở cửa” đón lũ, hứng lấy phù sa, chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân 2018-2019 với hy vọng gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp…

Nông dân huyện Vĩnh Thạnh gia cố đê bao, bảo vệ sản xuất trong mùa lũ và chuẩn bị cho vụ mùa đông xuân sắp tới.

Đón phù sa

 Vĩnh Thạnh là huyện đầu nguồn của TP Cần Thơ có mực nước lũ về cao nhất so với các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố. Hằng năm, khi mùa nước lũ về, nông dân mở đồng đón lũ, hứng lấy phù sa dội rửa mầm bệnh, tránh ngộ độc hữu cơ gây hại cho vụ lúa sau. Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Nước lũ về, ngoài nguồn lợi thủy sản còn mang theo một lượng phù sa bồi bổ cho ruộng đồng. Sau khi thu hoạch lúa thu đông, nông dân đều phải mở đồng đón lũ, hứng lấy phù sa tạo màu mỡ cho đất và là điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sản xuất lúa đông xuân tới, hứa hẹn thắng lợi...".

Theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, vụ lúa thu đông này, toàn huyện Vĩnh Thạnh xuống giống trên 21.000ha. Đến nay, đã thu hoạch trên 80% diện tích, với năng suất trung bình đạt 6,06 tấn/ha. Diện tích còn lại trên 3.000ha tập trung ở các xã phía Bắc Cái Sắn, như: Thạnh An, Thạnh Thắng, Thạnh Lợi và sẽ cho thu hoạch dứt điểm vào đầu tháng 11 tới. Hiện giá lúa dao động từ 5.100 - 5.200 đồng/kg lúa tươi hàng hóa. Với giá lúa này nông dân sẽ có thu nhập khá, vì vậy bà con nông dân ở huyện Vĩnh Thạnh vui mừng hơn khi năm nay nước lũ về nhiều. Anh Trần Văn Hải, ở xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Ngay sau khi máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa thu đông vừa rút thì tui cho nước vào đồng ngay. Năm nay, nước lũ về nhiều nên rất thuận lợi cho việc ngâm đất, vệ sinh đồng ruộng. Nếu nước ngập trong ruộng được khoảng 2 tháng thì đất đủ phù sa, lúa đông xuân sẽ phát triển tốt...".

Theo  nông dân ở huyện Vĩnh Thạnh, đến thời điểm này nước đã lên cao hơn từ 5 đến 7 tấc so với năm trước. Khi thu hoạch xong lúa thu đông, bà con đã tranh thủ mở cửa đê bao, đón lũ. Đồng thời, ruộng không sản xuất lúa thu đông cũng được nông dân mở đồng đón lũ, nuôi thủy sản, hứng lấy phù sa... Ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh cũng khuyến cáo nông dân sau khi thu hoạch lúa, cho nước vào ngập ruộng, tiến hành vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt các mầm bệnh gây hại; đồng thời hứng lấy phù sa, cung cấp dinh dưỡng, tái tạo lại đất để sản xuất vụ lúa đông xuân 2018 - 2019 đạt hiệu quả cao nhất.

Sẵn sàng cho vụ lúa đông xuân

Lũ đổ về kết hợp triều cường lên cao, huyện Vĩnh Thạnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, UBND các xã, thị trấn tiến hành họp dân thống nhất đóng góp kinh phí gia cố các đoạn đê bao xung yếu, đắp các đập xuống cấp... Đến nay, địa phương đã thực hiện gia cố các đoạn đê xung yếu với tổng chiều dài  70,745km, kinh phí thực hiện gần 2 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách 185 triệu đồng, nông dân đóng góp 1,804 tỉ đồng. Bên cạnh đó, năm 2018 huyện Vĩnh Thạnh cũng triển khai thực hiện 12 công trình thủy lợi, như: gia cố, bồi đắp đê bao; gia cố các điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở, vỡ đê do lũ… Tổng chiều dài các công trình trên 42,5km, kinh phí thực hiện hơn 11,6 tỉ đồng. Các công trình trên cũng góp phần bảo vệ cho vụ mùa sản xuất lúa đông xuân 2018-2019 và tiếp theo…

Theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, lịch xuống giống lúa đông xuân 2018-2019 tại huyện Vĩnh Thạnh được chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ khoảng ngày 20 đến 29-11-2018, chủ yếu các xã Nam Cái Sắn. Đợt 2 từ ngày 6 đến 15-12-2018, áp dụng cho các xã phía Bắc Cái Sắn và phần diện tích còn lại của các xã Nam Cái Sắn chưa xuống giống đợt 1. Lịch xuống giống từng đợt có thể sớm hoặc muộn hơn vài ngày tùy vào tình hình thực tế rầy di trú cũng như diễn biến thời tiết, thủy văn, nhưng phải xuống giống dứt điểm trước ngày 30-12-2018.

Ông Phan Văn Năm cho biết: "Ở từng khu vực đê bao, ngành nông nghiệp tổ chức hợp dân để thống nhất lịch xuống giống có những giải pháp cần thiết để liên kết nông dân thực hiện. Chính quyền địa phương, cán bộ khuyến nông phối hợp tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc thực hiện lịch thời vụ theo nguyên tắc tập trung, đồng loạt, né rầy cho từng cánh đồng, từng khu đê bao. Vì đây là giải pháp quan trọng góp phần giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh cho lúa, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, muỗi hành; đảm bảo thời gian cách ly giữa các vụ lúa ít nhất 2 đến 3 tuần...".

Mới đây, trong đợt kiểm tra đê bao bảo vệ ruộng lúa, ông Đỗ Sĩ Nhường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Đây là vụ lúa quan trọng và sản xuất có lãi cao nhất cho nông dân. Do đó, huyện Vĩnh Thạnh tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, với số lượng lớn, an toàn thực phẩm trên nền tảng tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, cánh đồng lớn, hợp tác xã gắn với thị trường thông qua doanh nghiệp. Đồng thời, thời gian xuống giống phải theo lịch thời vụ; áp dụng đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất, góp phần thắng lợi vụ lúa đông xuân 2018-2019 trên địa bàn".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
lúa đông xuân