24/04/2009 - 07:44

Hội nghị Doanh nghiệp Châu Á lần thứ 19:

Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước châu Á cùng nhau vượt qua suy thoái kinh tế

* ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI VIỆT NAM SAU 2 NĂM GIA NHẬP WTO: Gia tăng niềm tin vào triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam

Ngày 23-4, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị Doanh nghiệp châu Á lần thứ 19 với tiêu đề “Nhận dạng các thách thức của châu Á và vai trò mới của Việt Nam” đã chính thức khai mạc, với sự tham dự của 1.100 đại biểu là các quan chức Chính phủ, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, các nhà báo trong nước và nước ngoài. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã đến dự hội nghị.

Phát biểu trong phiên họp đầu tiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cao Viết Sinh nêu rõ: Chính phủ Việt Nam đang tập trung mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, giữ vững ổn định vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, huy động tối đa cho nguồn lực phát triển mà trọng tâm là thực hiện tốt gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chú trọng đầu tư vào khu vực nông thôn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư, trong đó có vốn FDI...

Hội nghị Doanh nghiệp châu Á lần thứ 19 do tổ chức Asia Society (Hoa Kỳ) phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tạp chí Wall Street Journal Asia đồng tổ chức. Đây là một diễn đàn hàng đầu khu vực, tạo điều kiện cho các thành viên tham dự gặp gỡ các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp, cùng trao đổi, thảo luận, tìm hiểu về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với các nền kinh tế châu Á, đồng thời nghiên cứu các cơ hội và thách thức đặt ra trong quá trình phát triển và hội nhập toàn cầu của Việt Nam. Chương trình Hội nghị tập trung vào các vấn đề như hệ quả trong dài hạn của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lên khu vực châu Á; tác động của các chính sách kinh tế thương mại Hoa Kỳ đối với khu vực; quá trình cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị, đặc biệt tại các thành phố công nghiệp lớn đang đối mặt với quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng; giáo dục và nâng cao hiệu quả giáo dục...

Hội nghị tiếp tục làm việc đến ngày 24-4.

* Ngày 23-4, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ chủ trì phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Hội thảo “Đánh giá tác động đối với Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO”.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ qua hai năm Việt Nam gia nhập WTO đã mang lại những kết quả như sự gia tăng niềm tin vào triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam, xuất khẩu, hiệu quả phân bổ nguồn lực và tăng trưởng kinh tế... Tuy nhiên cùng với đó đã nẩy sinh những vấn đề thực tiễn, những thách thức đối với sự phát triển kinh tế khi nước ta gia nhập WTO. Hội thảo này là cơ hội để nhìn nhận những tác động nhiều mặt đối với Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO. Nội dung của Hội thảo sẽ được Ban tổ chức tiếp thu vào trình Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 4 này.

Ngài Sean Doyle, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Ủy ban Châu Âu tại Việt Nam cho rằng khi gia nhập WTO, Việt Nam đã có một khung pháp lý mới, minh bạch, có thể dự đoán được, giúp tăng sự tự tin của những nhà sản xuất Việt Nam để cạnh tranh trên trường quốc tế. Trong bối cảnh bất lợi của tình hình kinh tế thế giới, Việt Nam luôn kiên quyết và công khai phản đối chủ nghĩa bảo hộ và đã học hỏi việc áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại trong các vụ giải quyết tranh chấp để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong nước...

Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Đinh Văn Ân đã đánh giá tác động của việc gia nhập WTO với Việt Nam trên nhiều phương diện. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu đạt 48,6 tỉ USD tăng 21,9% so với năm 2006; năm 2008, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 62,9 tỉ USD, tăng 29,5% so với năm 2007. Tuy nhiên theo đánh giá của Viện trưởng Đinh Văn Ân thì tăng trưởng xuất khẩu năm 2007 chưa thể hiện mức độ bứt phá so với các năm trước và như kỳ vọng sau khi nước ta gia nhập WTO; kết quả xuất khẩu năm 2008 chủ yếu nhờ giá trên thị trường thế giới tăng cao trong hơn nửa đầu năm 2008. Việc gia nhập WTO chưa để lại dấu ấn đáng kể đối với tạo việc làm trong năm 2007 và 2008. Số lao động có việc làm tăng tương ứng 2,3% và 2,0% so với năm trước, trong khi đó con số này của năm 2006 là 2,7%; sự phân hóa xã hội về thu nhập tăng...

Viện trưởng Đinh Văn Ân nhận định về cơ bản, hội nhập và gia nhập WTO đã đem lại những kết quả như kỳ vọng như gia tăng niềm tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam, xuất khẩu, hiệu quả phân bổ nguồn lực và tăng trưởng kinh tế, thu nhập và bình đẳng xã hội và tính chặt chẽ trong quan hệ tương tác giữa cải cách trong nước với hội nhập. Tuy nhiên thực tế mức độ tác động đối với một số biến số có thể khác với dự báo do những ảnh hưởng khó lường; diễn biến một số chỉ số kinh tế vĩ mô vượt xa dự báo (như tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu; qui mô các luồng vốn trực tiếp và gián tiếp đổ vào Việt Nam... Qua đó có thể rút ra nhiều bài học quan trọng như sự kết hợp thực thi cam kết hội nhập và tận dụng hội nhập, việc gia nhập WTO để thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chính là nhân tố quan trọng nhất tạo niềm tin vào tiềm năng phát triển và tiến trình cải cách kinh tế của Việt Nam, góp phần phát huy nội lực và thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường nước ngoài kết hợp với khai thác tốt hơn thị trường trong nước... Từ những phân tích đó, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị vào 2 nhóm vấn đề: Những vấn đề cải cách, chính sách cần tập trung xử lý và vấn đề tổ chức thực thi chương trình hành động

Tại Hội nghị, nhiều tham luận đã tập trung đánh giá tác động của gia nhập WTO đến tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô tài chính và các giải pháp; tác động của gia nhập WTO đến thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài, thể chế kinh tế, hệ thống pháp luật, lao động, việc làm và thu nhập...

HÀ HUY HIỆP - QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết