05/05/2009 - 09:03

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn:

Việc trực dịch cúm A (H1N1) tại các cửa khẩu trên toàn quốc phải được thực hiện 24/24 giờ

* Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia thành lập hai đội cấp cứu sẵn sàng ứng phó với dịch cúm A (H1N1) *

 * 8 ca phát hiện có thân nhiệt cao đều có kết quả xét nghiệm âm tính với vi-rút cúm A (H1N1)

* TP Cần Thơ: Thực hiện nhiều biện pháp phòng chống bệnh cúm A (H1N1) ở người

Ngày 4-5-2009, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến chỉ đạo khẩn cấp công tác phòng dịch cúm A (H1N1) với 63 tỉnh, thành phố, chia thành các đầu cầu: Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Đắk Lắk.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn khẳng định: dịch cúm A (H1N1) là vấn đề cấp bách toàn cầu cần được phòng chống và ngăn chặn kịp thời. Hiện nay, bệnh cúm A (H1N1) đã xuất hiện ở 19 nước và tiếp tục lan rộng. Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh từ trẻ em đến người già. Việt Nam hiện chưa có trường hợp mắc cúm A (H1N1), hàng nghìn trường hợp nhập cảnh có biểu hiện bệnh cúm song đều được xác định âm tính với cúm A (H1N1). Tuy nhiên quá trình lây lan bệnh diễn ra ở những người chưa có triệu chứng. Thứ trưởng đề nghị tất cả các Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng, các Viện triển khai nhanh chóng công điện của Chính phủ; đưa thông tin nhanh, chính xác đến người dân. Đồng thời, làm tốt công tác sàng lọc, phát hiện sớm, cấp cứu kịp thời khi có người mắc bệnh; tại các cửa khẩu, việc trực dịch phải được thực hiện 24/24 giờ.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường Nguyễn Huy Nga cho biết: đến ngày 4-5, trên thế giới đã có gần 1.000 trường hợp đã được xét nghiệm và có kết quả dương tính với cúm A (H1N1) và có 20 trường hợp đã tử vong tại 20 nước. Dự báo trong thời gian tới, các nước ghi nhận bệnh này sẽ tiếp tục tăng lên. Chính vì thế, tại các cửa khẩu hiện nay, người nhập cảnh phải có tờ khai y tế bắt buộc; đồng thời Bộ Y tế tiếp tục tăng cường máy đo thân nhiệt cho các cửa khẩu, tổ chức diễn tập phòng chống đại dịch... Đặc biệt, người ở nước ngoài về nếu có các biểu hiện của bệnh cúm cần phải báo ngay cho các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời.

Ts. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nêu rõ: Cúm A (H1N1) là bệnh gây ra do vi rút mới và hiện chưa có vắc-xin điều trị. Bệnh diễn biến nặng tùy thuộc vào từng quốc gia với tỷ lệ tử vong từ 0% đến 4% và mức độ lây truyền chưa rõ ràng. Hiện bệnh được chia ra làm 3 mức độ: ca dịch nghi ngờ, ca bệnh có thể và ca bệnh xác định. Chính vì thế, người dân hãy chủ động phòng chống bệnh bằng cách rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang và không đi đến những nơi đang có dịch lưu hành.

Tại cuộc họp, đại diện các tỉnh tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh cho biết: các tỉnh, thành phố thuộc khu vực này đã triển khai nhiều giải pháp khẩn cấp như: củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo, thành lập các tiểu ban, viết phần mềm kiểm dịch cho tất cả các hành khách..., đặc biệt đã xét nghiệm kịp thời các hành khách có thân nhiệt cao và đều có kết quả âm tính với cúm A (H1N1). Đại diện các tỉnh đề nghị: tăng cường công tác giám sát cộng đồng; chọn một số trường học, bệnh viện để chuẩn bị cho khâu kiểm dịch tập trung khi cần thiết; thành lập ban chỉ đạo liên vùng để kiểm soát tốt đường bộ, đường biển, đường không tại các tỉnh, thành phố; nếu dịch bùng phát cần thành lập vùng điểm để ngăn chặn sự xâm nhập dịch bệnh giữa các địa phương...

Đại diện đầu cầu Đà Nẵng nêu rõ: khu vực này có 5 đơn vị đều có cửa khẩu nhưng hiện nay chỉ có 1 máy đo thân nhiệt tại Đà Nẵng và hầu như không còn thuốc Tamiflu. Chính vì vậy để công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, Bộ Y tế cần nhanh chóng cấp thuốc và trang thiết bị cho các tỉnh, đặc biệt là Tamiflu, khẩu trang, máy đo thân nhiệt, máy thở...

Đại diện đầu cầu Nghệ An kiến nghị Bộ Y tế cần xác định lại thời điểm trực dịch 24/24 giờ sao cho phù hợp vì hiện nay chưa có dịch nếu không biết lấy kinh phí cho hoạt động này từ đâu...

* Chiều 4-5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã đến kiểm tra Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia về khả năng phát hiện, điều trị và ứng phó với đại dịch cúm nói chung, trong đó có cúm A (H1N1) nói riêng; thăm Phòng xét nghiệm cúm và Khoa điều trị tích cực tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia.

Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia thời gian qua tuy gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hóa chất, giường bệnh và đặc biệt vẫn chưa có xe cấp cứu để vận chuyển bệnh nhân, nhưng Viện đã chủ động sẵn sàng ứng phó với đại dịch cúm. Tại đây, Thứ trưởng đã biểu dương các chuyên gia tại Viện đã kịp thời đưa ra dự thảo “Hướng dẫn chẩn đoán điều trị và phòng lây nhiễm cúm A (H1N1) ở người” đã được Bộ Y tế phê duyệt và đề nghị Viện báo cáo lên Bộ Y tế cơ sở vật chất, trang thiết bị cần bổ sung như máy thở, khẩu trang cho nhân viên y tế và bệnh nhân, xe cứu thương... Đặc biệt coi trọng công tác phòng bệnh cho nhân viên y tế khi tham gia khám bệnh cho bệnh nhân nghi mắc cúm; tập huấn cho cán bộ, nhân viên về biện pháp phòng chống dịch bệnh khi có dịch trên diện rộng ngay tại chỗ và các địa phương. Trước đó, từ ngày 28-4 Viện đã thành lập được 2 đội cấp cứu sẵn sàng ứng phó khi dịch xảy ra trên diện rộng.

* Báo cáo tại buổi giao ban trực tuyến, bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết: 8 hành khách bị máy đo thân nhiệt đặt tại sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện có thân nhiệt cao trên 37 độ C đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virút cúm A (H1N1). Hiện tại thành phố dự trữ khoảng 10.000 viên Tamiflu để phòng khi có dịch xảy ra. Nếu có ca bị nhiễm virút cúm A (H1N1) thì phải dùng khoảng 14 viên Tamiflu trong vòng một tuần để điều trị bệnh. Các ca bị nhiễm hoặc nghi ngờ đều sẽ được điều trị miễn phí. Từ ngày 26-4 đến ngày 3-5, số hành khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất là 51.095 người trong đó có 3.630 người đến từ vùng có dịch, tất cả các hành khách đều được kiểm tra thân nhiệt khi đến sân bay.

* Sáng 4-5-2009, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ làm việc với các sở, ban ngành về phòng chống bệnh cúm A (H1N1) ở người. Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành đề nghị huy động mọi phương tiện để tuyên truyền rõ, sâu rộng trong cộng đồng về bệnh cúm A (H1N1), tránh tình trạng hiểu lầm là bệnh do heo gây ra; trang bị máy đo thân nhiệt đặt tại cửa khẩu... Ngành y tế cũng đề nghị cấp thêm 6 máy thở, 2 xe chuyên dụng để phục vụ khi có bệnh nhân cúm A (H1N1) xảy ra; đồng thời, ngành sẽ thành lập bệnh viện dã chiến khi cần thiết.

Chủ trì cuộc họp, đồng chí Tô Minh Giới, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chỉ đạo: Ngành y tế có trách nhiệm tập huấn nghiệp vụ cho nhân viên y tế từ tuyến thành phố đến cơ sở; lập kế hoạch giám sát có phân công cụ thể trách nhiệm của từng ngành để tham mưu với UBND TP về phòng chống cúm A (H1N1); đẩy mạnh công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường sống... Các ngành có liên quan cùng phối hợp với ngành y tế để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống bệnh cúm A (H1N1); tăng cường giám sát dịch bệnh ở các nơi nhạy cảm như cửa khẩu, khu vực giáp biên với các tỉnh… Đồng chí Phó Chủ tịch còn lưu ý, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện thuận lợi để ngành y tế sớm được trang bị thêm máy móc, thiết bị phục vụ cho phòng chống, điều trị cúm A(H1N1).

* Sáng cùng ngày, Sở Y tế TP Cần Thơ làm việc với các cơ sở y tế tuyến thành phố và quận, huyện về phòng chống bệnh cúm A (H1N1) trên người. Tại cuộc họp, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã triển khai kế hoạch giám sát và phòng chống dịch cúm A (H1N1) trên người ở các giai đoạn: khi chưa có ca bệnh, khi có ca bệnh nghi ngờ, khi có ca bệnh có thể là cúm A (H1N1) xảy ra và khi có ca bệnh nhập viện. Ngành y tế cũng dự trù khoản kinh phí 200 triệu đồng cho công tác giám sát, chống dịch, truyền thông, mua thuốc, hóa chất, vật tư...

Bác sĩ Lê Hùng Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ nhấn mạnh: Các đơn vị cần củng cố ban chỉ đạo phòng chống dịch. Khi triển khai kế hoạch phòng chống cúm A (H1N1) mời tất cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập tham gia. Phòng Nghiệp vụ Y (trực thuộc sở) nhanh chóng lập tạm danh mục dự trù thuốc tamiflu, thuốc cấp cứu, máy thở, máy X-quang, xe cứu thương, máy đo thân nhiệt gởi Bộ Y tế.

NHÓM PV TTXVN - S. KIM – HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết