29/07/2019 - 08:17

Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn 

Hơn 3 tháng nay, Chi hội Phụ nữ khu vực Yên Trung, phường Lê Bình, quận Cái Răng ra mắt mô hình “Điểm cho và nhận quần áo cũ”. Với phương châm “ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến lấy”, mô hình trở thành địa chỉ tin cậy của phụ nữ nghèo. Đây là một trong rất nhiều việc làm cụ thể, thiết thực của các cấp Hội LHPN trong thành phố, góp phần đổi mới nội dung, cụ thể hóa công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ học tập và làm theo gương Bác.

Điểm cho và nhận quần áo cũ của Chi hội Phụ nữ khu vực Yên Trung từng bước phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến tin cậy của phụ nữ nghèo.

Cô Nguyễn Kim Loan, Chi hội trưởng Phụ nữ khu vực Yên Trung, chia sẻ: "Xuất phát từ việc một số cán bộ, hội viên phụ nữ trong khu vực có nhiều quần áo không sử dụng, trong khi nhiều chị em khác lại thiếu thốn, điểm cho - nhận ra đời chính là "cầu nối" tạo điều kiện cho chị em chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau". Cũng theo cô Loan, từ dạo có "shop quần áo" công việc hằng ngày của cô bận rộn hơn. Sáng phải thức sớm để mở cửa, sắp xếp; đi đâu cũng nhanh chóng về để tiếp nhận, phân phối lại quần áo cũ cho chị em. Vừa qua, cô Loan còn vận động tiền để cơi nới địa điểm cho cao ráo, thoáng mát; phục vụ mì gói, nước uống cho chị em có nhu cầu…  Chị Sơn Thị Cầm, ở khu vực Thạnh Mỹ, bộc bạch: "Đây là lần thứ 2 tôi đến đây nhận quần áo. Lúc đầu, tôi cũng ngại vì không biết mình có được vô lấy không. Sau đó, thấy mấy chị em khác ghé lựa, tôi mới mạnh dạn ghé. Tôi thấy việc làm này rất hay và có ích, giúp nhiều chị em nghèo tiết kiệm được khoản tiền mua quần áo cho các thành viên trong gia đình…".

Chị Lê Thị Cẩm Châu, Chủ tịch Hội LHPN phường Lê Bình, cho biết: "Bên cạnh mô hình điểm cho nhận quần áo cũ, Chi hội Phụ nữ khu vực Yên Trung còn là điểm sáng trong việc duy trì thực hiện nhiều mô hình làm theo gương Bác thiết thực. Nổi bật như duy trì hỗ trợ nhu yếu phẩm hằng tháng cho bệnh nhân nghèo điều trị ở bệnh viện quận, vận động gạo tặng người nghèo, tặng tập cho học sinh nghèo trong khu vực". Đối với mô hình điểm cho và nhận quần áo cũ, Hội LHPN phường sẽ  tuyên truyền, mở rộng, nâng chất thành hoạt động của Hội LHPN phường, để nhiều người biết ủng hộ, đóng góp để trở thành điểm đến tin cậy cho chị em phụ nữ nghèo.

Tùy đặc điểm, tình hình, các cơ sở Hội LHPN trong thành phố đã tuyên truyền, xây dựng nhiều mô hình, thiết thực. Tại quận Bình Thủy, những năm qua phát huy mô hình trồng cây chuối, thu gom phế liệu,… gây học bổng Nguyễn Thị Định tặng học sinh nghèo. Ở huyện Thới Lai, các cấp Hội LHPN vận động cán bộ, hội viên tận dụng đất trống xung quanh nhà để trồng trọt, chăn nuôi, tăng thu nhập và cải thiện bữa ăn cho gia đình. Hội LHPN quận Ô Môn duy trì mô hình tiết kiệm nuôi heo đất tại hầu hết các chi, tổ Hội vừa giúp chị em hình thành thói quen tiết kiệm, vừa giúp vốn cho những chị gặp khó khăn...

Theo Hội LHPN thành phố, thực hiện phong trào thực hành tiết kiệm theo gương Bác, nhiều cơ sở Hội đã lồng ghép việc thực hành tiết kiệm và các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn, phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong các tầng lớp phụ nữ. Thông qua hoạt động học tập gương Bác, phong trào "tự học, tự rèn" và các mô hình "thực hành tiết kiệm" lan tỏa trong hệ thống Hội, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Tiêu biểu như mô hình chăm sóc phụ nữ nghèo neo đơn, chăm sóc trẻ em mồ côi, nghèo, hiếu học, tổ phụ nữ tôn giáo hoạt động từ thiện, câu lạc bộ một tấm áo một chân tình, hũ gạo tình thương,... Trong nửa nhiệm kỳ, thông qua các mô hình tiết kiệm, tương trợ đã huy động trên 24 tỉ đồng, cho 8.245 phụ nữ nghèo vay mượn phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: QUỲNH LAM

Chia sẻ bài viết