16/07/2020 - 09:16

Video giả mạo trên Facebook vẫn là mối nguy chưa được giải quyết 

Facebook vừa công bố kết quả “Thử thách phát hiện Deepfake” đầu tiên của mình, cuộc thi nhằm tìm các thuật toán có thể phát hiện video giả mạo được làm từ trí tuệ nhân tạo (AI). Mặc dù Facebook cho biết cuộc thi mang lại kết quả khả quan, nhưng theo các chuyên gia, vấn đề Deepfake trên mạng xã hội có người dùng phổ biến này vẫn còn rất nan giải.

Ông chủ Facebook - Mark Zuckerberg cũng bị một video giả mạo, đăng trên nền tảng của chính mình.

Facebook cho biết thuật toán chiến thắng đã có thể phát hiện ra các video giả mạo với độ chính xác trung bình là 65,18%. Ðiều đó không hề tệ đối với các hệ thống tự động nhận diện.

Deepfake được biết là các sản phẩm giả mạo bao gồm video và giọng nói, là mối đe dọa lớn với phương tiện truyền thông xã hội. Công nghệ này đã làm xói mòn về niềm tin đối với các video thật và tác hại của nó theo các nhà phân tích là nguy hiểm hơn nội dung khiêu dâm - một loại hình có thể dễ dàng xác định và xóa bỏ.

Mối nguy hại của Deepfake 

Các phần mềm hỗ trợ AI mới hiện nay có thể giúp mọi người dễ dàng tạo ra hình ảnh khỏa thân, giọng nói của một người nào đó chỉ trong vài giây, bằng cách cung cấp cho chương trình một số hình ảnh. 

Các ứng dụng “thỏa hiệp” hình ảnh, giọng nói loại này hiện có khá nhiều trên các cửa hàng ứng dụng và dường như không ai quản lý.

Mặc dù các cuộc thảo luận xung quanh tác hại của Deepfake có khá nhiều và thường tập trung vào mối nguy hại ở góc độ chính trị. Tuy nhiên, công nghệ này đang làm tổn hại đến nhiều phụ nữ thông qua việc truyền bá ảnh khỏa thân và khiêu dâm. Các chuyên gia cho biết, rất nhiều nội dung giả mạo đã được tạo ra, đặc biệt từ những người nổi tiếng, để gây ảnh hưởng chính trị, bôi nhọ nhân phẩm, làm mất uy tín cá nhân, tổ chức...

Các thuật toán phát hiện Deepfake 

Phó Giáo sư Hao Li tại Ðại học Nam California, nói với The Verge rằng bất kỳ phần mềm dò Deepfake nào cũng chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn. Trên thực tế, theo ông, tại một số chỗ (trong video), có khả năng phần mềm sẽ không thể phát hiện “hàng giả”. Vì vậy, các kiểu tiếp cận khác sẽ cần được nghiên cứu để giải quyết vấn đề này.

Li cho biết, ông và các đồng nghiệp đã giúp thiết kế một trong những máy dò Deepfake gần đây và hiểu rõ vấn đề. Nhóm đã xây dựng một thuật toán có khả năng phát hiện các chỉnh sửa video về các chính trị gia nổi tiếng như Donald Trump và Elizabeth Warren, bằng cách theo dõi các cử động khuôn mặt của họ.

Nhưng những gì xảy ra tiếp theo là phần nào có thể dự đoán được. Ngay sau khi máy dò của nhóm được công bố, thế hệ tiếp theo của hàng giả với công nghệ tiên tiến hơn lại xuất hiện, khiến Li và các đồng nghiệp phải bắt tay nghiên cứu thuật toán mới. Theo Li, công việc cứ như một cuộc rượt đuổi. 

Delip Rao, Phó Chủ tịch Nghiên cứu tại Quỹ AI, đồng ý rằng thách thức về Deepfake lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta đang biết về nó. Ông kêu gọi cộng đồng chung tay ngăn chặn mối nguy này trước khi nó trở thành hiểm họa, không thể kiểm soát.

Hiện tại, Facebook cho biết đã triển khai thuật toán để đọc khoảng 350 triệu hình ảnh mỗi ngày và xác định rất nhiều hình ảnh giả mạo. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa xác định rõ ràng chính sách của mình đối với các tác phẩm giả tạo khi từ chối xóa các video bị bóp méo được lan truyền. Ðiều đó khiến niềm tin của người dùng vào các nền tảng xã hội nói chung đang dần mất đi.

HOÀNG THY (Theo The Verge)

Chia sẻ bài viết