Mùa xuân đang về trên khắp dãy đất hình chữ S và là thời khắc mọi người sum họp bên gia đình. Vậy mà giữa trùng khơi, các anh- những người lính đóng quân ngoài biển đảo Tây Nam vẫn ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển trời. Với những người lính đảo, hương Tết như một cơn gió đến bất chợt. Xuân quê nhà đến với anh qua những cuộc điện thoại, những tâm sự của người mẹ, người cha, người vợ và những cánh thư đầy cảm xúc của bạn bè. Tết của người lính thật đặc biệt.
Khúc tình ca trên biển
Sinh hoạt văn nghệ của cán bộ, chiến sĩ trên Tàu 251, Hải đội 511, Lữ đoàn 127.
Vùng biển Tây Nam những ngày cuối năm thật ấm áp. Cùng những người lính ở Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đón Tết sớm, tôi mới cảm nhận được vị Tết của biển. Câu chuyện Tết trên biển tôi được nghe từ Đại úy Nguyễn Văn Hùng (quê ở tỉnh Thái Bình), nhân viên tàu HQ954, Hải đội 511, Lữ đoàn 127. “Lính biển đón Tết vui và khác đất liền. Chúng tôi được ở bên đồng đội, được canh biển, đảo Tổ quốc để nhân dân đón Tết yên bình, nỗi nhớ đất liền cũng vơi đi một nửa”- anh Hùng nói.
- Bao lâu rồi anh chưa về quê đón Tết?- Tôi hỏi.
- 10 năm rồi. Không chỉ riêng tôi, đa số lính trên tàu này đều như thế- anh Hùng đáp.
Tết xa nhà, cùng đồng đội bám tàu, bám biển, ấy vậy mà trong câu chuyện với tôi, nụ cười của anh thật ấm áp. Anh Hùng kể, Tết của lính biển nơi đây không có cái lạnh giao mùa, không có mưa xuân rơi trên luống mạ non như quê nhà. Nhưng được đón luồng gió ấm đầu năm trên biển, nên tâm hồn ai cũng tươi mới hơn.
Cũng trong cảm xúc ấy, tôi gặp người lính trẻ Nguyễn Tiến Anh, quê ở Hưng Yên. Đây là cái Tết đầu tiên trên tàu. Sóng vẫn rì rào từng đợt, phía mũi con tàu, Tiến Anh ngồi trầm tư, mắt dõi ra biển. Đêm tĩnh lặng nhưng đêm không ngủ, người lính trẻ đã thức trắng đêm cùng biển. Bên chiếc đàn ghi ta, người lính trẻ dạo nhạc và ngâm thơ để gửi tình cảm của mình với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc:
“Tàu là nhà, biển đảo là quê hương
Ta đón xuân cùng tàu, cùng biển
Có bạn bè như anh em, như ruột thịt
Những chuyến tuần tra nghe sóng biển rì rào
Viết tên mình trên sóng biển quê hương”…
Tết của những lính giữa trùng khơi tuy không thật đủ đầy, nhưng tiếng nói, tiếng cười hòa cùng những bản nhạc xuân rộn ràng từ chiếc Radio nhỏ vui chẳng thua trên đất liền. Họ hát cho nhau nghe những bài tình ca mùa xuân. “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta…”. Tiếng hát hòa chung tiếng sóng, đó là khúc tình ca giữa biển khơi.
Tết của anh lính công binh
Mang âm vang hào hùng mà người lính Hải quân đã hát, tôi về đảo đón Tết cùng Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9. Tết của lính công binh là các hạng mục công trình cần phải hoàn thành, tiếng máy trộn bê tông, tiếng máy khoan thay cho khúc nhạc ngày xuân.
Thiếu tá Trần Tuấn Anh, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cầu đường 2, Lữ đoàn Công binh 25, nói vui: “Nhà báo thưởng thức rau trên đá, cá trên núi bao giờ chưa? Đây là những món ăn ngày Tết của anh em đơn vị”. Tôi chưa kịp hiểu, Thiếu tá Trần Tuấn Anh đã giải thích: “Do đóng quân biệt lập với bên ngoài, điều kiện đi lại rất gian nan. Nơi đơn vị đóng quân phần lớn là đá núi, rừng sâu, để có cái Tết đủ đầy, anh em phải tích cực cải tạo đất đá để trồng rau xanh, đào ao nuôi cá kết hợp nuôi thêm gà, heo...”.
Mô hình “Rau trên đá, cá trên núi” đã chứng tỏ sự sáng tạo của người lính trước thiếu thốn vật chất, khắc nghiệt của địa hình và thời tiết. Không có khó khăn nào có thể làm các anh chùn bước. Trong câu chuyện ngày xuân giữa những công trình dang dở, các anh vẫn hay đùa nhau: “Không ai sướng bằng bộ đội công binh, vừa được đi du lịch tham quan danh lam, thắng cảnh còn được lãnh lương”. Nhưng thời gian các anh đi “du lịch” có khi mấy năm trời. Bởi vừa hoàn thành công trình này, lại tiếp tục công trình khác, ở đảo này xong lại sang đảo khác.
Ở Lữ đoàn Công binh 25, có anh thâm niên hơn chục năm, hai chục năm “nằm công trình”. Như Thiếu tá Lê Văn Xuyên (quê Tây Ninh) ở Tiểu đoàn 3 gần 30 năm theo công trình và hơn 10 năm trên các đảo Tây Nam. Anh Xuyên tâm sự: “Năm 1998, tôi đóng quân ở Phú Quốc, mỗi lần về nhà phải 2 ngày. Hồi đó đâu có tàu cao tốc như bây giờ. Muốn vào đất liền phải ngồi tàu cá hơn 9 tiếng đồng hồ. Đón thêm chặng xe đò nữa để về quê. Có những lần về đến nhà, đứa con nhỏ không cho cha bế. Cái nắng gió công trình làm da tôi đen nhẻm, cháu không nhận ra”...
Chuyện đón Tết xa nhà đã rất quen với họ dù rất vất vả. Có lẽ vậy mà khi ở công trình các anh lại nhớ nhà, khi về nhà lại nhớ công trình, nhớ lán trại da diết. Tất cả đều gắn bó như máu thịt nên đón Tết ở đâu cũng ấm áp.
San sẻ yêu thương
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 950, Quân khu 9 gói bánh chưng đón Tết.
Còn với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp ở Tiểu đoàn xe Tăng 557, Lữ đoàn 950 (đóng quân ở Phú Quốc), Quân khu 9, họ từ nhiều miền quê khác nhau, nhưng họ đã là người một nhà. Thiếu tá Lê Đình Cường (quê Thanh Hóa), lính thợ điện thuộc Đại đội 32 kể: “Cuối năm ngoái, công việc bộn bề, vợ tôi lại đi công tác xa, mẹ ruột tôi ở quê đang hấp hối. Biết tin, Đại úy Trần Đình Mạo, chung tổ công tác, cũng là đồng hương với tôi đã chủ động đề nghị đơn vị gánh vác luôn phần việc của tôi và chăm nom hai đứa con nhỏ để tôi yên tâm về phép lo việc gia đình. Cái tình của người lính là vậy”. Đóng quân ngoài đảo xa, ít được về nhà, ngày thường nỗi nhớ quê đã canh cánh bên lòng, Tết đến nỗi nhớ đó càng da diết hơn. Song, cái tình của người lính nơi đảo xa đã giúp đồng đội, đồng chí mình ấm lòng và an tâm công tác.
Đại úy Lê Thanh Nhã, Phó Đại đội trưởng Đại đội 33 (quê ở Hậu Giang), nói: “Tết ở đâu cũng vậy. Vui nhất là những ngày cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét; người cắt nhánh mai rừng trên núi về trang trí bàn thờ Tổ quốc, người quét dọn khuôn viên, cắt tỉa cây kiểng… Đêm giao thừa, anh em bên nhau thi hái hoa dân chủ, chúc Tết nhau. Bà con trên đảo cũng đến tặng quà, cùng giao lưu văn hóa, văn nghệ. Lúc đó, ai cũng cảm thấy ấm áp, đất liền với biển đảo xích lại gần nhau hơn”.
Với những người lính chọn “núi là nhà, biển đảo là quê hương”, vui Tết vẫn không quên nhiệm vụ. Theo Đại úy Lê Thanh Nhã, Tết năm 2016, đơn vị tổ chức đón giao thừa thì nhận thông báo cháy rừng ở khu vực núi Bãi Khem. Anh em dừng mọi hoạt động, nhanh chóng ra đám cháy. Khi ngọn lửa được dập tắt cũng là thời khắc bước sang năm mới.
* * *
Giữa biển đảo bao la, người lính hải quân, lính công binh, xe tăng… ở đồng bằng hay miền núi, họ đến với biển, đảo và nguyện một lòng bám trụ. Với các anh, vinh quang nhất là giữ vững sự bình yên vùng biển trời Tổ quốc.
BẢO AN