11/10/2009 - 19:57

Đắp đê ngăn Rạch Chanh để phục vụ thi công đường Mậu Thân – Sân bay Trà Nóc:

Vì sao Công ty Vạn Cương không thực hiện đúng cam kết?

Dự án đường Mậu Thân – sân bay Trà Nóc là một trong những dự án trọng điểm, có tác động lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, phục vụ khai thác sân bay Quốc tế Cần Thơ. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện nhanh dự án, UBND quận Bình Thủy đã chấp thuận cho Công ty TNHH Liên hợp xây dựng Vạn Cường tại Cần Thơ (gọi tắt là Công ty Vạn Cường), đơn vị thi công gói thầu số 7 công trình đường Mậu Thân – sân bay Trà Nóc, đắp đê ngăn rạch Chanh trong thời hạn 30 ngày phải nhanh chóng tháo dỡ đê, trả lại con rạch như hiện trạng ban đầu. Nhưng đã hơn 2 tháng qua, đơn vị thi công không thực hiện đúng cam kết, để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân trong khu vực. Quá bức xúc, 89 hộ dân đã làm đơn khiếu nại…

Nhiều bà con sống dọc con rạch Chanh bức xúc cho biết, từ ngày đắp đê ngăn rạch thì dòng nước trở nên đen ngòm, bốc mùi hôi rất khó chịu, nhất là những ngày nắng, nước cạn. Ông Dương Văn Tập, người dân ở khu vực Bình Yên A, phường Long Hòa, nói: “Trước đây, con rạch này nước vô ra mỗi ngày nên bà con sử dụng nước để nấu ăn, tắm, giặt... Nhưng từ ngày đơn vị thi công dự án đường Mậu Thân – sân bay Trà Nóc thi công gói thầu số 7 đã đắp đê chắn ngang thì dòng nước bị ô nhiễm, gây hôi thối, rửa tay còn bị ngứa nói gì đến tắm giặt”.

Lãnh đạo các cấp khảo sát việc đắp đê ngăn rạch Chanh.

Không chỉ bị ô nhiễm môi trường mà diện tích đất sản xuất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân ở phường Long Hòa, Bình Thủy, Trà An, Thới An Đông cũng bị ảnh hưởng. Trước khi thi công dự án, nước ở rạch Chanh và rạch Xẻo Cao chảy qua cầu chữ Y. Nhưng khi thi công gói thầu số 8 đã lấp rạch Xẻo Cao nên đường thoát nước chính chỉ còn ở rạch Chanh. Nay đắp đê ngăn rạch Chanh nên lượng nước chỉ ra vào từ các cống của con đê. Nhưng các cống thường xuyên bị đơn vị thi công đậy nắp nên nước không vào được làm cho con rạch bị cạn, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Nhìn cánh đồng cỏ mọc um tùm, ông Dương Văn Tập, người dân khu vực Bình Yên A, xót xa nói: “Những năm trước, vào khoảng tháng 7 âm lịch là bà con đã xới đất xong, đón lượng phù sa từ con nước bạc vào để cho đất thêm màu mỡ, sản xuất lúa sẽ trúng. Năm nay, do ngăn rạch Chanh nên nước không lên được ruộng, bà con không xới được, bỏ đất cỏ mọc um tùm. Mấy ngày nay, mưa lớn nước ứ ngập đồng, nếu không xả được nước để rỏ phèn thì không ai dám xuống giống cả. Vụ lúa đông xuân năm nay thất mùa là chắc”. Từ khi con rạch bị đắp đê ngăn ngang, việc lưu thông trao đổi hàng hóa bằng đường thủy bị hạn chế và một số hộ xây dựng nhà chuyên chở vật liệu xây dựng rất khó khăn. Vừa qua, có một chiếc ghe chở các thiết bị để khoan cây nước khi qua đập phải trả 200 ngàn đồng cho chi phí cần cẩu của đơn vị thi công đưa qua. Bà con cho rằng, đáng lẽ đơn vị thi công phải tạo điều kiện thuận lợi cho dân qua lại là điều cần phải làm, nhưng lại lấy tiền của dân là vô lý.

Ngày 12-7-2009, Công ty TNHH Liên hợp xây dựng Vạn Cường tại Cần Thơ, đơn vị thi công gói thầu số 7 công trình đường Mậu Thân – sân bay Trà Nóc, làm tờ trình gởi các cơ quan chức năng của thành phố, quận Bình Thủy và phường Long Hòa, Bình Thủy xin đắp đê ngăn rạch Chanh để phục vụ thi công. Khi chưa được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng thì đơn vị thi công đã tiến hành đắp đê. Ông Nguyễn Văn Khâm, Tổ Trưởng Tổ nhân dân tự quản số 11, khu vực Bình Yên A, cho biết: Bà con không được mời họp về việc đắp đê ngăn rạch Chanh, không được có ý kiến bàn bạc đắp đê như thế nào để không ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, nên rất bức xúc. Trước tình hình đó, lãnh đạo phường Long Hòa đã gởi tờ trình đến Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng giao thông (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ), UBND và Phòng Kinh tế quận Bình Thủy trình bày những bức xúc của nhân dân.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công thực hiện công trình trọng điểm của thành phố đúng tiến độ, UBND quận Bình Thủy đã có Công văn số 1455 chấp nhận cho đơn vị thi công đắp đê. Trong công văn, UBND quận Bình Thủy yêu cầu đơn vị thi công phải khẩn trương đưa các phương tiện, thiết bị phục vụ thi công qua đê ngăn rạch Chanh trong thời hạn 30 ngày (đến ngày 31-8-2009 phải hoàn thành). Sau thời gian này phải nhanh chóng tháo dỡ đê và trả lại con rạch như hiện trạng ban đầu, vì thời điểm này mưa kết hợp với lũ dâng cao nên cần thoát nước, tránh ngập úng trong đê. Trong quá trình thi công, đắp đê phải đảm bảo và tạo điều kiện giao thông cho người dân, nếu làm ảnh hưởng đến giao thông và thiệt hại sản xuất của người dân thì đơn vị chịu trách nhiệm bồi hoàn theo quy định... Theo bà Lê Minh Xuyến, Chủ tịch UBND phường Long Hòa, sau khi quận chấp nhận cho đắp đê thì UBND phường có triển khai đến cán bộ khu vực để tuyên truyền, vận động dân tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công và bà con cũng đồng thuận. Thế nhưng, qua ngày 31-8- 2009, con đê vẫn chưa được tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu như quy định, mà đơn vị thi công thường xuyên ngăn dòng chảy không cho nước vào, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, khiến bà con bức xúc làm đơn kiến nghị tập thể.

Trước những bức xúc của người dân và kiến nghị của UBND phường Long Hòa, ngày 28-9-2009, đồng chí Nguyễn Quốc Chính, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, tiếp tục ký Công văn số 1923 yêu cầu đơn vị thi công phải tháo dỡ đê và trả lại con rạch như hiện trạng ban đầu trong thời hạn 5 ngày (hạn chót phải hoàn thành là ngày 4-10-2009). Nếu đơn vị thi công không thực hiện, UBND quận sẽ cử lực lượng thực hiện tháo dỡ, mọi chi phí thực hiện tháo dỡ Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ (chủ đầu tư) và đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật. Một lần nữa, đã qua ngày 4-10-2009, nhưng công văn của UBND quận Bình Thủy vẫn chưa được đơn vị thi công thực hiện đúng theo yêu cầu. Con đê vẫn hiện hữu và người dân vẫn bức xúc.

Ngày 7-10-2009, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ tổ chức cuộc họp giải quyết vướng mắc tháo dỡ đê ngăn rạch Chanh. Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Chỉ huy trưởng công trình, nhận thiếu sót là chưa đảm bảo lưu lượng nước ra vào làm ảnh hưởng đến môi trường nước và đời sống nhân dân. Do con rạch nhỏ không thể đưa sà lan lớn vào để vận chuyển máy móc từ bờ này sang bờ kia để thi công cùng lúc hai bên đầu cầu nên đơn vị thi công không thực hiện tháo dỡ đê. Ông Tuyến hứa sẽ khắc phục là không đậy nắp cống để đảm bảo thoát nước và khai thông dòng chảy. Ông Nguyễn Hoàng Đạo, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng giao thông, khẳng định: “Địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi nhưng chính đơn vị lại chưa thực hiện tốt theo quy định dẫn đến gây bức xúc trong nhân dân”. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Đạo yêu cầu đơn vị thi công phải mở cống để thoát nước và khai thông dòng chảy đảm bảo mặt cắt ngang rộng tối thiểu 3m. Trong thời gian 15 ngày sau cuộc họp, lãnh đạo các ngành hữu quan và địa phương sẽ kiểm tra việc nhà thầu có thực hiện đúng theo yêu cầu về đảm bảo thoát nước và vệ sinh môi trường, nếu không thực hiện đúng thì buộc tháo dỡ đê ngăn rạch Chanh.

Vì lợi ích chung, bà con đã chấp nhận thiệt thòi để công trình trọng điểm của thành phố được thực hiện đúng tiến độ, nhưng đơn vị thi công đã thiếu quan tâm đảm bảo điều kiện sản xuất và sinh hoạt của bà con, khiến bà con bức xúc làm đơn kiến nghị tập thể. Hiện nay, bà con đang chờ đợi đơn vị thi công thực hiện đúng như lời hứa, thi công nhanh để sớm tháo dỡ đê ngăn rạch Chanh, trả lại hiện trạng ban đầu nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân nơi đây.

Bài, ảnh: NHẬT MY

Chia sẻ bài viết