26/12/2021 - 10:43

Về vùng đất “địa linh nhân kiệt” 

Tọa lạc tại ĐBSCL, Vĩnh Long xưa nay vẫn tự hào là vùng đất “địa linh nhân kiệt” cùng với truyền thống cách mạng hào hùng. Trong các vị Thủ tướng của nước ta từ trước đến nay, có 2 người được sinh ra từ vùng đất Vĩnh Long, đó là cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (sau này gọi là Thủ tướng) Phạm Hùng và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Khu tưởng niệm bậc trí dũng

Bức tượng bán thân của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng trong điện thờ với 2 bức phù điêu ghi lại lời phát biểu khí phách của ông.

Bức tượng bán thân của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng trong điện thờ với 2 bức phù điêu ghi lại lời phát biểu khí phách của ông.

Một ngày cuối năm 2021, chúng tôi tìm về xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, viếng thăm khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Ông tên thật là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11-6-1912 tại làng Long Hồ, quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ). Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, gan dạ và giỏi võ nghệ. Từ những năm còn đi học tại Trường Trung học Collège de Mỹ Tho, ông sớm được giác ngộ, tích cực tham gia các hoạt động yêu nước và được kết nạp vào Đảng năm 18 tuổi. Năm 1930, trong cuộc mít tinh với sự tham gia của hàng ngàn nông dân ở Mỹ Tho, ông bắn chết tên tay sai đắc lực của Pháp, bị địch bắt kết án tử hình. Do phong trào đấu tranh phản đối Pháp tử hình một học sinh, địch buộc phải giảm án thành chung thân khổ sai, đày ông ra Côn Đảo… Suốt 15 năm trong nhà tù của địch, ông vẫn giữ lòng kiên trung với cách mạng. Đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông trở về tiếp tục hoạt động cách mạng, giữ nhiều trọng trách, đến những năm 1987-1988 được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Sau khi ông mất (năm 1998), Nhà nước đã đầu tư xây dựng khu tưởng niệm ông tại quê nhà.

Nằm cách trung tâm TP Vĩnh Long khoảng 5km, khu tưởng niệm khá khang trang, tọa lạc tại mặt tiền quốc lộ 53. Theo nhân viên Bảo tàng Vĩnh Long, khu tưởng niệm được khởi công xây dựng ngày 10-8-2000 hoàn thành vào ngày 11-6-2004 nhân kỷ niệm 92 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Khu tưởng niệm có diện tích 3,2ha gồm nhà lễ tân, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày. Giữa điện thờ là bức tượng bán thân của ông, hai bên là bức phù điêu ghi lại lời phát biểu đầy khí phách của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ngoài ra, còn có 3 hạng mục ngoài trời được phục chế theo tỷ lệ 1/1, gồm phòng biệt giam ông tại Côn Đảo, ngôi nhà làm việc của ông tại căn cứ Trung ương cục miền Nam (tỉnh Tây Ninh) và căn phòng làm việc của ông tại số 72 Phan Đình Phùng, Hà Nội.

Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng tại xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng tại xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Rời khu tưởng niệm, chúng tôi tìm đến gia cư của ba mẹ ông gần đó. Đó là một căn nhà bên dòng kênh Ông Me, đơn sơ, bình dị. Trong căn nhà này, hai người em gái của ông từng sinh sống ngày nào, giờ cũng đã qua đời. Sự bình dị của ông có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn đến gia phong, ngay cả khi ông đã mất. Ông Trương Lê Minh Thông, Chủ tịch UBND xã Long Phước, cho biết 2 người em gái của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đã mất từ mấy năm trước, căn nhà tổ giờ đây được một người cháu tiếp quản lo hương khói.

Hội tụ anh hào

“Cái tôi quý nhất là thời gian. Điều mà tôi muốn nói với các bạn trẻ cũng lại là vấn đề thời gian. Hãy chạy đua với thời gian, giành giật từng giờ, từng phút để làm việc” - những lời nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại khu tưởng niệm.

“Cái tôi quý nhất là thời gian. Điều mà tôi muốn nói với các bạn trẻ cũng lại là vấn đề thời gian. Hãy chạy đua với thời gian, giành giật từng giờ, từng phút để làm việc” - những lời nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại khu tưởng niệm.

Rời Long Hồ, chúng tôi tìm đến quê hương của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, nơi có truyền thống cách mạng và tại đây còn lưu giữ những dấu tích, ký ức hào hùng về thời kỳ đó. Đó là đình Bình Phụng, nơi họp chi bộ Đảng đầu tiên do Phan Văn Hòa, còn gọi Chín Hòa (tên thật của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) lãnh đạo. Đây cũng là nơi xuất phát của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Vào thời điểm đó, khi mới 22 tuổi, ông cùng với đồng bào, nghĩa quân chỉ có giáo mác, gậy gộc, đã có một trận đánh rất ấn tượng ở bắc Nước Xoáy, diệt nhiều tên địch, làm chủ tình hình, đục thủng 5 tàu giặc, chặn đường giao thông của địch từ Vĩnh Long xuống Trà Vinh… Đình Bình Phụng nay trở thành di tích lịch sử văn hóa của tỉnh. Một tấm bia tưởng niệm cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, do chính cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lập, đã được dựng tại đây. 

“Vườn nhà Ông Sáu Dân” là tên gọi thân thương, gần gũi mà người dân gọi khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tọa lạc tại ấp Phong Thới, thị trấn Vũng Liêm. Khu tưởng niệm có diện tích 1,7ha bao gồm nhà trưng bày, nhà làm việc, khu thờ, sân vườn. Đây là một công trình văn hóa với không gian mở, thể hiện tính chất trang trọng nhưng vẫn gần gũi, là nơi vui chơi, giải trí của người dân địa phương phù hợp với ý nguyện của Thủ tướng lúc sinh thời. Nhà trưng bày có nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh thể hiện sống động quá trình hoạt động cách mạng của Thủ tướng. Ấn tượng nhất là bức ảnh chân dung của cố Thủ tướng ẩn trên nền là 15.000 bức ảnh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông.

Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Nói về công trình đậm dấu ấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở ĐBSCL, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhớ lại: Khi còn đương chức, Thủ tướng đã cùng lãnh đạo tỉnh An Giang và nhiều chuyên gia nhiều lần thị sát vùng Tứ Giác Long Xuyên để tìm giải pháp phù hợp phát triển nông nghiệp. Mùa khô năm 1997, Thủ tướng quyết định khai hoang vùng đất nhiễm phèn ở xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, đào kênh thoát lũ, tháo phèn vùng trũng để quy hoạch trồng lúa. Chỉ sau hơn 4 tháng, ngày 30-9-1997, công trình hoàn thành đúng tiến độ, kịp xả lũ đầu mùa. Kênh T5 đã dẫn nước từ sông Hậu vào rửa phèn cả các cánh đồng Tà Đảnh, Châu Phú… rồi đổ ra biển Tây. Khi thông tuyến kênh T5 đã cho nhiều hiệu quả bất ngờ hơn mong đợi, nông dân trồng lúa liên tục được mùa bội thu. Nơi đây, giờ mang đầy sức sống mới với con kênh mang tên Võ Văn Kiệt.

Vĩnh Long còn là nơi hội tụ nhiều danh nhân đất Việt được sinh ra, từng gắn bó hoặc từng sinh sống tại này. Bậc tiền nhân có các cụ Nguyễn Cư Trinh, Thoại Ngọc Hầu, Phan Thanh Giản, Phan Tôn, Phan Liêm, Nguyễn Thông… Về sau có giáo sư viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Phan Văn Đáng - nguyên Phó Bí thư Trung ương cục miền Nam… Tất cả đã làm rạng danh cho Vĩnh Long - vùng đất “địa linh nhân kiệt” với truyền thống yêu nước hào hùng.

Bài, ảnh: THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết