13/09/2019 - 07:32

Về thăm quê Bác 

Nghệ An không chỉ là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với nhiều vị anh hùng, danh nhân văn hóa; mà còn là nơi lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa, lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về Nghệ An, du khách không thể bỏ qua một lần ghé thăm Khu di tích Kim Liên.

Khu Di tích Kim Liên được trùng tu và xây dựng lại từ những năm 1960. Năm 2012, Khu Di tích Kim Liên được công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt và là một trong bốn di tích quan trọng nhất của cả nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Toàn bộ Khu Di tích Kim Liên (thuộc địa bàn 2 xã Kim Liên và xã Nam Giang, huyện Nam Đàn) rộng hơn 205ha với nhiều điểm di tích, cụm di tích cách nhau từ 2-10km. Đó là cụm di tích Hoàng Trù - quê ngoại của Bác, cụm di tích Làng Sen - quê nội của Bác, khu mộ cụ Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Bác và khu núi Chung - khu thờ người thân của Bác.

Cách thành phố Vinh khoảng 15km, Làng Sen là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày nay trở thành điểm tham quan thu hút đông đảo du khách. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích, hiện vật, các kỷ niệm gắn với thời thơ ấu của Bác Hồ và những người thân trong gia đình. Sau lũy tre xanh mát là ngôi nhà 5 gian lợp mái tranh đơn sơ, giản dị của gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Bác Hồ. Sau khi đậu Phó bảng tại khoa thi hội năm Tân Sửu 1901, cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng các con rời làng Chùa (Hoàng Trù) về sống tại làng Sen quê nội. Ngôi nhà này là do người dân làng Sen dùng quỹ công dựng lên mừng cụ Phó bảng đem lại vinh dự cho cả làng. Trước nhà có hai sân nhỏ và một mảnh vườn được vây quanh bằng hàng rào râm bụt. Hai gian phía ngoài là nơi đặt bàn thờ và tiếp khách. Gian thứ ba là nơi ở của bà Nguyễn Thị Thanh - chị cả của Bác. Hai gian còn lại là nơi nghỉ và sinh hoạt của gia đình. Các vật dụng trong nhà vẫn hết sức giản dị: tấm phản gỗ, chõng tre, chum sành, mâm gỗ sơn đen… đa phần đều do dân làng tặng. Những kỷ vật này vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay.

Du khách tham quan và tìm hiểu về quê ngoại Bác Hồ ở Hoàng Trù.

Bác đã có 5 năm ở tuổi thiếu niên gắn bó với ngôi nhà này (từ 1901-1906). Ngôi nhà đã chứng kiến quá trình học tập, trưởng thành của Bác và chính tại nơi đây, Bác đã nhiều lần được tiếp xúc với các bậc sĩ phu, nhà nho yêu nước, từ đó sớm hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân. Sau 50 năm xa cách quê nhà, bôn ba đi tìm đường cứu nước, đưa nhân dân thoát khỏi ách thống trị của Pháp, Người đã trở về Làng Sen  vào năm 1957 và năm 1961, gặp gỡ những người dân bằng những cuộc trò chuyện thân tình. Đến khu di tích, du khách có thể cảm nhận một cách rõ nét về sự mộc mạc của làng quê Việt Nam. Tại đây, ngoài ngôi nhà của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, du khách còn có thể tham quan những ngôi nhà hàng xóm thân thiết với gia đình Bác thời kỳ đó, như: nhà cụ cử Vương Thúc Quý - thầy dạy học của Bác, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm - ông nội của Bác, lò rèn Cố Điền - nơi Bác thường sang chơi, các di tích cây đa, giếng Cốc… để hiểu hơn về nếp sống sinh hoạt giản dị của Người.

Cách Làng Sen khoảng 2km, du khách sẽ đến Làng Hoàng Trù - quê ngoại Bác Hồ. Cụm di tích Hoàng Trù có diện tích khoảng 3.500m2, gồm: nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, nhà cụ Hoàng Đường (ông ngoại Bác), nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Đây là ngôi nhà nhỏ ba gian, lợp tranh, trên đất vườn của ông bà ngoại, cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống ở đây cho tới năm lên 5 tuổi. Gian ngoài có chiếc án thư với nghiên mực, hộp đựng bút lông, hai chiếc ghế vuông, chếch về phía trong là hai giá sách đựng sách thánh hiền. Tại gian nhà này, cụ Hoàng Đường thường qua đây đàm đạo với cụ Sắc về văn chương, chữ nghĩa. Đặc biệt ở gian thứ ba, có chiếc khung cửi mà cụ Hoàng Thị Loan dùng để dệt vải, dệt lụa nuôi sống gia đình. Tại đây còn có chiếc võng gai đơn sơ, nơi xưa kia tuổi ấu thơ Bác Hồ đã thường nằm nghe tiếng à ơi của mẹ và những câu chuyện cổ tích của bà ngoại.

Ngày nay, Khu Di tích Kim Liên không chỉ là điểm nhấn của du lịch Nghệ An mà còn góp phần không nhỏ trong việc lan tỏa về cuộc đời, sự nghiệp, tinh thần cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với nhân dân trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong tháng 5 (tháng có kỷ niệm ngày sinh) và tháng 9 (tháng có kỷ niệm ngày mất), dòng người đổ về quê Bác càng nhiều, như là cách tưởng niệm, tỏ lòng thành kính với Bác.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết