23/10/2022 - 09:01

Về Bạc Liêu, nghe chuyện xưa Nọc Nạng 

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Vùng đất Bạc Liêu những năm đầu thế kỷ XX nổi tiếng với những sự kiện nông dân nổi dậy, đứng lên chống áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và tay sai. Vụ án Nọc Nạng ở Giá Rai và vụ án Chủ Chọt Trần Kim Túc ở Ninh Thạnh Lợi là những minh chứng. Về đồng Nọc Nạng hôm nay, chuyện xưa như được tái hiện qua từng hiện vật, không gian.

Mô hình tái hiện trận tử chiến của anh em ông Mười Chức tại Nọc Nạng.

“Cả nhà mà Mười Chức tan tành tại ai?”

Di tích Lịch sử Nọc Nạng hiện tọa lạc tại xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, từ cầu Nọc Nạng trên quốc lộ 1A hướng Bạc Liêu về Cà Mau, rẽ phải vào khoảng 1 cây số là tới.

Ðịa danh Nọc Nạng gắn liền câu chuyện xưa kia nơi đây là vùng đất hoang vu, lau sậy, thú dữ hoành hành. Ðể làm nhà ở, lưu dân phải chặt cây có nạng cặm làm nọc, gác cây lên rồi mới cất nhà, nhằm tránh thú dữ, lại cao ráo. Lâu dần nhà hư, nọc nạng do cắm xuống nước nên bền hơn, còn trơ lại. Ðịa danh xóm Nọc Nạng, đồng Nọc Nạng, rạch Nọc Nạng... ra đời từ đó.

Ðịa danh Nọc Nạng cho thấy rằng những lưu dân đến đây khai phá đã phải trải qua biết bao gian lao, vất vả, nguy hiểm. Họ cần cù biến đồng hoang sậy đế thành đồng lúa trên vùng đất trũng phèn. Vậy mà khi cuộc sống vừa qua cơ cực, bọn địa chủ, tư sản đã cấu kết chính quyền thực dân tìm cách thâu tóm, chiếm đoạt đất đai của người nông dân khai khẩn. “Tức nước vỡ bờ”, họ đứng lên giành lại công bằng. Câu chuyện của anh em ông Mười Chức là điển hình.

Chuyện bắt đầu từ đầu thế kỷ XX, có một nông dân ở Nọc Nạng dày công khai khẩn đất đai để lập nghiệp. Người này trước khi qua đời để lại đất cho con là Nguyễn Văn Luông (tự Tám Luông - Hương Chánh Luông). Năm 1912, các con ông Tám Luông căn cứ theo luật là đất phải có giấy chủ quyền, nên mướn họa đồ Arborab vẽ lại phần đất này với diện tích 72,9ha, sau đó Chủ tỉnh Bạc Liêu cũng chấp nhận họa đồ điền địa này và cấp giấy. Trước vụ án Nọc Nạng xảy ra, năm 1916, gia đình ông Tám Luông đã mất một sở đất 4,5ha trong một vụ thưa kiện và bị xử ép. Từ gần 73ha, đất đai nhà ông Tám Luông chỉ còn khoảng 68,5ha.

Ðỉnh điểm là việc Bang Tắc (Mã Ngân), tay tư sản nhờ vào thế lực của thực dân để thâu tóm đất đai bất chính, đút lót nhà cầm quyền để làm giấy tờ lại mảnh đất của nhà ông Tám Luông, vì tranh chấp trước đó nên giấy đất mới là giấy tạm. Do có mối quan hệ cộng thêm rành thủ tục, nên không lâu sau đó mảnh đất nhà ông Tám Luông lại do Bang Tắc đứng tên, canh tác. Ông Nguyễn Văn Tại (Toại, Biện Toại), ông Nguyễn Văn Chức (Mười Chức)... là các con ông Tám Luông làm đơn thưa kiện nhưng không được giải quyết.

Sáng 16-2-1928, hai tên cò Pháp là Tournier và Bauzou cùng với phó quản vệ Danh Long và bọn hương chức làng Phong Thạnh kéo đến sân lúa của gia đình ông Mười Chức để cướp lúa. Bà Út Trong là em áp út của ông Mười Chức ngăn cản, nói phải quấy. Nhưng chúng vẫn xông vào cướp lúa, đánh người. Hay tin, anh em ông Mười Chức cầm dao mác, gậy gộc ra, quyết trận sinh tử. Bà con Nọc Nạng cũng đến ứng cứu nhưng bọn chúng đã bỏ chạy. Kết thúc trận tử chiến, tên cò Tournier bị đâm chết, nhiều tên khác bị thương. Về phía gia đình ông Mười Chức, 4 người tử trận nhưng có đến 5 sinh mạng, là ông Năm Nhẫn, ông Sáu Nhịn, ông Mười Chức, bà Mười Chức cùng với bào thai trong bụng. Nhiều người trong gia đình cũng qua đời sau đó vài ngày vì bị thương nặng.

Sự kiện lịch sử này đã gây tiếng vang lớn, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh đòi ruộng đất của nông dân Nam Bộ nói chung, Bạc Liêu nói riêng, tạo làn sóng dư luận lên án bọn địa chủ, thực dân cướp đất. Sau cuộc đấu tranh này, một phiên tòa đã được xử tại Tòa Ðại hình Cần Thơ, giành lại công bằng cho anh em ông Mười Chức và trả lại đất cho gia đình. Phiên tòa có sự bào chữa của nhiều luật sư nổi tiếng với sự chứng kiến của hầu hết nhà báo Sài Gòn lúc bấy giờ.

Dấu ấn vụ án Nọc Nạng

Về sự kiện lịch sử bi hùng này, còn nhiều tác phẩm văn học dân gian thuật lại. Nổi tiếng là tác phẩm “Thơ Mười Chức”, theo kiểu truyện thơ dân gian, trình bày theo lối nói thơ. Trong “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, nhà văn Sơn Nam đã thuật lại vụ án Nọc Nạng qua 2 nguồn tư liệu. Thứ nhất là loạt bài báo tường thuật của nhà báo Lê Trung Nghĩa đăng trên tờ La Tribune Indochinoise năm 1928. Nhà báo Lê Trung Nghĩa có vợ ở làng Phong Thạnh nên ông hiểu rõ và đồng cảm, tìm mọi cách giúp đỡ nhà ông Mười Chức, tiêu biểu là mời các luật sư giỏi nghề cãi cho họ. Nguồn thứ 2 là bài vè Nọc Nạng, theo nhà văn Sơn Nam là khuyết danh, lưu truyền từ những năm 1930-1931 trở về sau. Nhưng trong tài liệu của nhà văn Sơn Nam, bài vè Nọc Nạng chỉ có đoạn đầu, không có đoạn sau.

Năm 2007, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng công bố công trình sưu tầm và biên soạn “Thơ - Vè Lịch sử - Xã hội Nam Kỳ”, trong đó có bài “Thơ Mười Chức”, với phần đầu gần giống với bài vè Nọc Nạng mà nhà văn Sơn Nam công bố trước đó, nhưng phần sau dài hơn nhiều. Truyện thơ này thuật lại chi tiết, cảm xúc về sự kiện. Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, ông sưu tầm truyện thơ này vào tháng 9-1980, do ông Tư Ðang là cháu ngoại ông Mười Chức cho sao chép lại, từ bổn chép tay được ông cất kỹ trong ống tre đặt trên bàn thờ tổ tiên. Về nguồn gốc truyện thơ này, theo người địa phương, là do ông Phạm Công Cẩn, tự Biện Mụng ở Giá Rai viết nên. Trong phần kết truyện thơ, tác giả có nói mấy ý về bản thân: “Tôi nay học đạo thánh hiền/ Lời quê tiếng kệch lưu truyền nghe chơi/ Tôi người ở quận Giá Rai/ Tại làng Phong Thạnh đặt bài này ra...”.

Tác phẩm là một câu chuyện bằng thơ rất độc đáo. Thơ rằng: “Anh em nọ gặp thế cùng/ Bị tranh điền thổ rùng rùng thác oan”. Cảnh anh em ông Mười Chức lạy mẹ là bà Tám Luông để quyết trận sinh tử với bọn cướp đất thật xót xa: “...Trong nhà Mười Chức luận bàn/ Than cùng từ mẫu đôi hàng lâm ly:/ Dầu con thác xuống âm ty/ Xin gởi con, vợ lại nhờ chị em/ Cửa nhà anh chị ráng xem/ Ðừng bỏ hoang phế xóm làng cười chê/ Thương phận mẹ chịu nặng nề...”.

Một tác phẩm dân gian khác là “Vè Mười Chức” được nhóm sinh viên Trường Ðại học Cần Thơ sưu tầm năm 1981, ghi theo trí nhớ của ông Trần Văn Sớm ở Giá Rai. Bài vè rất gãy gọn, dễ thuộc, với mở đầu: “Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè Mười Chức/ Không chịu áp bức/ Quyết chống Tây tà...”. Ðoạn bà Út Trong ra ngăn cản bọn cướp đất, cướp lúa, được vè rằng: “Út Trong kiên quyết/ Ðem lời giải bày/ Chúng bịt lỗ tai/ Ra lịnh xúc lúa/ “Các ông cướp lúa/ Còn dở lệnh tòa/ Ỷ thế hiếp cô/ Trời tru đất diệt!”...”.

Nhưng có lẽ, vụ án Nọc Nạng được biết đến nhiều nhất là qua phim “Ðất phương Nam”. Câu chuyện về gia đình ông Tám Luông, anh em ông Mười Chức, Út Trong... chống Tây tà được tái hiện sinh động. Nhiều thế hệ khán giả vẫn không quên đoạn cô cháu gái nhỏ vào báo tin: “Chú Mười ơi, ông cò đánh cô Út chết rồi!” - “Ðánh mần sao” - “Lấy súng đánh vào ngực cô Út giẫy tê tê...”, rồi anh em nhà Mười Chức cầm dao mác, gậy gộc ra sân lúa tử chiến. Tiếp sau đó là điệu nói thơ Bạc Liêu với lời thơ ai oán: “Ngó lên trời trời cao không có thấu/ Mà ngó xuống đất thấy đất rộng thinh thinh/ Tai bay mà vạ gió thình lình/ Cả nhà mà Mười Chức tan tành tại ai/ Ác nhân là lũ cướp ngày...”. Những câu kết cũng là những câu đáng nhớ: “Trời cao có thấu cho chăng/ Cảnh đâu có cảnh bất nhân bớ trời/ Chuyện này con cháu phải nhớ đời/ Ác lai thời ác báo, nợ đòi oan gia/ Cánh đồng gặp nạn còn loang máu đào”.

Về chi tiết mối tình Út Trong và Tư Võ Tòng trong phim “Ðất phương Nam”, theo thuyết minh viên di tích và người dân địa phương, thật ra đó là mối tình của vợ chồng người em Út của ông Mười Chức là bà Nguyễn Thị Liễu (Út Liễu) và ông Lê Văn Miều. Cả hai người đều cùng tham gia trận tử chiến năm 1928 nhưng may mắn sống sót. Tại Tòa Ðại hình Cần Thơ, bà Út Liễu được tha bổng, ông Miều bị xử 2 năm tù. Ông Miều mất năm 1972, lúc tròn 70 tuổi; còn bà Út Liễu mất năm 2006, thượng thọ 96 tuổi. Hai ông bà không có con, được cho là do bà Út Liễu bị Tây bắn trúng vùng bụng hồi năm 1928.

*   *   *

Ngày 30-8-1991, sự kiện lịch sử Nọc Nạng được Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia. Di tích được xây dựng khang trang, ngay tại địa điểm xảy ra trận tử chiến năm xưa. Ông bà Tám Luông và các con cùng an nghỉ trong khuôn viên khu di tích, tại mảnh đất mà tổ tiên đã dày công khai phá, đổ máu để bảo vệ.

---------

Tài liệu tham khảo:

- Sơn Nam, “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, NXB Trẻ, 2014;

- Huỳnh Ngọc Trảng, “Thơ - Vè Lịch sử - Xã hội Nam Kỳ”, Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh, 2007;

- Tư liệu sưu tầm tại di tích.

Chia sẻ bài viết