04/04/2018 - 15:25

Vấn nạn “mafia gian lận” trong thi cử ở Ấn Độ 

Tại Ấn Độ, có hẳn một tổ chức được gọi là “mafia gian lận”, ra đời với mục đích trục lợi từ những phụ huynh mong muốn con cái họ tiến thân ở quốc gia mà suất vào đại học cũng như cơ hội làm việc luôn bị hạn chế.

 Vụ “ném phao” chấn động ở bang Bihar hồi năm 2015. Ảnh: Guardian

Chỉ vài phút trước khi buổi thi cuối kỳ môn Toán tại trường cấp ba ở Delhi bắt đầu tính giờ, Raghav xin phép giám thị đi vệ sinh. Tại đây, nam sinh này đã dùng điện thoại gửi hình ảnh đề thi mà cậu bí mật chụp đến một số điện thoại khác. Vài phút sau, màn hình điện thoại của Raghav hiện lên các đáp án mà cậu cần. Được biết trước đó, mẹ của Raghav là Sunita (tên nhân vật đã được thay đổi) đã trả 16.000 rupee (gần 250 USD) để con trai bà có được số điện thoại nói trên. Bà Sunita đã liên lạc với mạng lưới “mafia gian lận” thông qua trung tâm luyện thi mà Raghav theo học trước kỳ thi. “Giáo viên nói rằng học lực của con trai tôi rất yếu. Con tôi không muốn học và tôi không muốn nó học lại”- bà Sunita kể. Theo đó, gia sư đã đề nghị liên lạc với một người có thể “ném phao” cho Raghav trong kỳ thi cuối kỳ môn Toán và Kinh tế. Trong cuộc điện thoại này, không ai biết danh tính của nhau. Cuối cùng, bà Sunita đã hợp tác với tổ chức gian lận thi cử này cùng với 4 hoặc 5 gia đình khác (tổng cộng tốn khoảng 60.000 rupee). Dù vậy, bà Sunita khẳng định đây không phải là hình thức gian lận thi cử, mà là “cách thoát hiểm”. Bằng cách này, con trai bà đã vượt qua được tất cả các môn thi và hiện theo học các lớp nhiếp ảnh.

Theo báo Guardian, gian lận trong thi cử ở Ấn Độ là một “dịch bệnh” được tổ chức tinh vi. Hồi cuối tháng 3, đề thi cuối cấp trung học hai môn Toán và Kinh tế đã bị rò rỉ trên ứng dụng WhatsApp khoảng 90 phút trước khi kỳ thi diễn ra. Kết quả là hơn 2,8 triệu học sinh ở New Delhi và các khu vực lân cận buộc phải thi lại vào cuối tháng này. Trong khi đó, 3 năm sau vụ phụ huynh trèo lên tòa nhà 5 tầng để “ném phao” cho con em họ gây chấn động, nay bang Bihar đã cho lắp các camera giám sát trong phòng thi và buộc các sĩ tử để giày vớ ở cửa phòng.

“Đó là dấu hiệu của hệ thống giáo dục yếu ớt” - Giám đốc trung tâm nghiên cứu chính sách Yamini Aiyar nhận định. Bà Aiyar cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận thi cử lan rộng là do sức ép quá lớn từ việc tìm kiếm một suất vào đại học. Đây được cho là cơ hội cho mạng lưới “mafia gian lận” hoạt động. Ngoài ra, hệ thống giáo dục cũng chỉ tập trung xây trường mới mà không quan tâm đến điều gì xảy ra bên trong.

Được biết, mùa thi ở Ấn Độ đã diễn ra hồi tháng rồi với hàng chục triệu học sinh tham gia kỳ thi khốc liệt để tìm kiếm một suất vào các trường đại học ở nước này. Tỷ lệ chọi ở các trường đại học hàng đầu Ấn Độ bằng 1/10 tỷ lệ chọi khi tham gia dự tuyển vào Oxford và Cambridge, hai trường đại học lâu đời và uy tín nhất nước Anh. Cơ hội làm việc tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới cũng rất ít, chỉ có 5,5 triệu việc làm được tạo ra trong khi có khoảng 17 triệu người tham gia vào lực lượng lao động mỗi năm.

THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết