24/01/2019 - 14:48

Văn hoá công vụ: Tự giác, tự soi, tự sửa trong từng cán bộ 

Đề án văn hóa công vụ nhằm góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc, chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần sớm hình thành và tạo bản sắc rõ nét trong văn hóa công vụ.

TS. Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: VGP/Phương Liên

Đó là khẳng định của TS. Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về Đề án văn hoá công vụ của Chính phủ với mục tiêu lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm thước đo cho hiệu quả cải cách hành chính.

Chuẩn mực văn hoá công vụ

Nói về văn hóa công vụ, theo bà Hoàng Thị Hoa, không phải đến giờ văn hóa công vụ mới được quy định, văn bản hóa, mà trong từng thời điểm, từng yêu cầu nhiệm vụ của các ngành, các cơ quan khác nhau đều đã có những quy định, quy tắc ứng xử cụ thể. Và chắc hẳn mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngay từ khi cắp sách đến trường, rồi sau này ra đi làm trở thành học viên nhiều lớp, nhiều khóa bồi dưỡng cả về chuyên môn lẫn đạo đức đều thường xuyên được nhắc nhở về các quy tắc ứng xử, về văn hóa công vụ, thái độ phục vụ nhân dân.

Đảng ta cũng có nhiều văn bản về công chức, viên chức. Về luật cũng đã có Luật Công chức, viên chức, nhưng Đề án văn hoá công vụ đã cụ thể hóa, chi tiết hơn về cách ứng xử, phương pháp làm việc, phong cách làm việc của từng cán bộ, công chức.

Bà Hoàng Thị Hoa cho rằng một trong những giá trị cốt lõi của văn hoá công vụ là tính trung thực và khách quan. Người dân đặt niềm tin vào cơ quan, tổ chức Nhà nước với sự trung thực và khách quan trong các quy định cũng như trong thực hiện công vụ.

Nền công vụ phục vụ hướng vào người dân, lấy phục vụ người dân làm mục tiêu chính của mình. Giá trị trung thực, khách quan trong thực thi công vụ là những giá trị cơ bản đối với đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ.

Bên cạnh đó, văn hoá công vụ còn thể hiện rõ ở tính minh bạch. Tính minh bạch của công vụ chính là mọi hoạt động phải rõ ràng, công khai, không che đậy để người dân có thể kiểm tra được.

Theo bà Hoa, minh bạch là một trong những giá trị cơ bản, cốt lõi của văn hoá công vụ. Thực hiện minh bạch còn là thực hiện công khai tài sản, công khai thông tin, quan hệ… của những người thực thi công vụ. Thiếu công khai, minh bạch chính là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng sinh sôi, phát triển. 

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Ðề án Văn hóa công vụ đã đưa ra các giải pháp thực thi như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đạo đức, văn hóa công vụ. Như vậy, sau Quyết định phê duyệt đề án lần này của Thủ tướng Chính phủ, theo bà Hoàng Thị Hoa, mỗi cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương cần sớm quán triệt nội dung Ðề án. Cần sớm có các hình thức sinh hoạt, học tập nhằm phổ biến các nội dung quan trọng, cần thiết khi thi hành công vụ.

Bên cạnh đó là cơ chế kiểm tra, giám sát, kỷ luật nghiêm minh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ về việc thực hiện quy chế làm việc, công tác quản lý biên chế, tiền lương, việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo phương thức kiểm tra thường xuyên và đột xuất, không báo trước. 

Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát này không chỉ của các cơ quan chức năng, mà ở từng nơi còn phải biết lắng nghe ý kiến, phản ánh của người dân. Sự hài lòng của cá nhân, doanh nghiệp chính là căn cứ đểđiều chỉnh thái độ, cung cách phục vụ, ứng xử khi thi hành công vụ cũng như xử lý kỷ luật đối với từng công chức, viên chức.

Tuy nhiên, để Ðề án văn hóa công vụ thật sự khả thi, phát huy hiệu quả trong đời sống, bà Hoa cho rằng, quan trọng nhất là mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải phát huy cao nhất tinh thần tự giác, tự nguyện, tự soi, tự sửa củachính mình. Hôm nay ta phụng sự nhân dân, ta làm việc gì dù là nhỏ nhưng hại dân, nếu có hại cho dân là ta không làm, nếu có lợi cho dân, dù việc nhỏ đến mấy ta cũng gắng làm. Mỗi cán bộ, công chức phải tự soi vào bản thân mình xem có hoàn thành nhiệm vụ hay không, có trung thực, đạo đức không, hay ngược lại là tham lam, tham nhũng, thiếu trách nhiệm.

Văn hóa công vụ phải trở thành sự tự giác, để hoàn thiện phong cách chuẩn mực, chuyên nghiệp, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Theo Báo Điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết