Bài, ảnh: ÁI LAM
Năm nay là năm thứ 10 TP Cần Thơ tổ chức Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ (BDGNB) và hoạt động này trở thành sự kiện thường niên của thành phố. Mỗi năm, Lễ hội thu hút hàng trăm gian hàng đến quảng bá, xúc tiến về du lịch, ẩm thực, từng bước tạo nên sự kiện lớn cấp vùng về quảng bá, kết nối du lịch. Năm 2023, quy mô của Lễ hội BDGNB là gần 300 gian hàng, bình quân mỗi ngày có hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan và thưởng thức ẩm thực, tham gia các sự kiện kết nối quảng bá du lịch.
Nhà thiết kế Nguyễn Minh Công (trái) và sản phẩm trình diễn tại lễ hội.
Chỉ trong 2 ngày đầu diễn ra Lễ hội BDGNB, hàng trăm ngàn du khách từ các nơi đổ về trẩy hội. Chị Trần Thị Lan Hảo đến từ TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Tôi thích ăn bánh dân gian, nhất là các loại bánh quê. Nghe nói có lễ hội nên tranh thủ nghỉ lễ ghé qua Cần Thơ để thưởng thức các loại bánh. Bánh ở đây rất đa dạng, đủ màu sắc, không ít loại trong đó tôi thấy lạ như bánh quy dừa, bánh đậu xanh trái cây. Hỏi ra mới biết những loại bánh này làm rất kỳ công nên thường ít ai bán. Có dịp hội bánh thế này, du khách như chúng tôi mới có thể biết thêm về các loại bánh”.
Lễ hội năm nay có hàng trăm loại bánh, đa sắc màu. Chị Trần Thị Diễm, chủ gian hàng cô Bảy, cho biết: “Ðây là lần thứ hai tôi tham gia Lễ hội BDGNB. Tôi chuẩn bị đa dạng các loại bánh, với khoảng 20 loại: bánh ít trần, bánh bò, bánh khoai mì, bánh ướt… để khách có thể thỏa thích lựa chọn. Qua Lễ hội, tôi mong muốn BDGNB sẽ được nhiều người biết đến hơn”. Không chỉ đa dạng về sắc màu, năm nay Lễ hội cũng hội tụ đủ loại bánh của các dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. Anh Lâm Văn Nghĩa đến từ Vĩnh Long, cho biết: “Nào giờ nghe bánh katum của người Khmer, nay mới thấy và được ăn thử. Bánh làm rất khéo và ngon. Ở các gian hàng của An Giang tôi thấy rất nhiều món đặc sản như bánh bò thốt nốt, bánh cay, bánh bò nướng của người Chăm...”.
Mỗi gian hàng quảng bá du lịch, giới thiệu ẩm thực có hàng chục đặc sản, sản phẩm OCOP được giới thiệu đến du khách. Ông Nguyễn Phú Quới, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Ðầu tư tỉnh An Giang, cho biết: “Du lịch thường gắn liền với ẩm thực, vì thế Lễ hội BDGNB là cơ hội để các địa phương giới thiệu ẩm thực, quảng bá du lịch. Riêng với An Giang, lần này chúng tôi tham gia giới thiệu những nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người Chăm và người Khmer. Song song đó, chúng tôi cũng kết nối quảng bá các điểm đến, tour tuyến, sản phẩm du lịch của An Giang”. Trong khi đó, chị Trần Thị Kim Lĩnh, gian hàng xúc tiến quảng bá du lịch của tỉnh BìnhThuận, chia sẻ: “Lần đầu tôi tham gia Lễ hội BDGNB là năm 2022, lúc đó rất ấn tượng vì lượng khách đông nghịt, sản phẩm chúng tôi mang theo quảng bá đều bán sạch chỉ trong 1,5 ngày. Do đó lần này tôi rất hào hứng trở lại Lễ hội BNDGNB để quảng bá các sản phẩm quê nhà. Năm nay lượng sản phẩm chúng tôi chuẩn bị nhiều hơn năm trước”.
Thực tế, việc kết nối văn hóa ẩm thực với du lịch có sức hút riêng. Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ Mekong Silt Ecolodge, cho biết: “Tại lễ hội bánh năm rồi, chúng tôi có tham gia gian hàng quảng bá, từ đó rất nhiều khách kết nối đến khu nghỉ dưỡng Mekong Silt Ecolodge. Khi tham gia lễ hội năm nay, chúng tôi giới thiệu một số loại bánh độc đáo như bánh bạc đầu ngũ sắc, bánh ít trần măng cụt…Tôi cho rằng văn hóa ẩm thực, đặc biệt là bánh dân gian có sức hút độc đáo đối với khách du lịch. Vì thế tại Mekong Silt Ecolodge thường có những trải nghiệm làm bánh dân gian rất được du khách, nhất là khách quốc tế yêu thích”.
Nhân viên Mekong Silt Ecolodge giới thiệu bánh ít trần măng cụt tại gian hàng Mekong Silt Ecolodge.
Góp mặt thường xuyên trong các kỳ lễ hội bánh, cô Hà Thị Sáu, nghệ nhân nổi tiếng ở làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, Thốt Nốt, phấn khởi chia sẻ: “Qua các kỳ lễ hội, bánh nhà tôi được nhiều người biết đến hơn. Mấy hôm trước có đoàn khách từ Hà Nội đến tận Thốt Nốt để tìm thưởng thức và mua bánh, tôi vui dữ lắm. Hồi xưa bán bánh khó khăn nhưng khi bánh được biết đến qua các kỳ lễ hội thì bán đắt dữ lắm, nhiều khi không đủ bánh bán”. Chị Hoàng Thị Kim Ánh đến từ Hà Nội, nói: “BDGNB có chất riêng, đa dạng và nhiều màu sắc. Khi tìm hiểu, tôi mới biết các loại bánh này được làm hoàn toàn thủ công, màu sắc thì từ hoa lá tự nhiên, rất là quý. Không cần nói đến hợp khẩu vị hay không, sự kỳ công đó đã làm tôi yêu thích BDGNB và muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa về văn hóa ẩm thực, con người của vùng đất này”.
Không chỉ sáng tạo ra những loại bánh ngon mà người Nam Bộ còn nâng tầm giá trị bánh dân gian theo nhiều cách khác nhau. Nhà thiết kế Nguyễn Minh Công đã ứng dụng bánh dân gian trong bộ sưu tập thời trang và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận kỷ lục người đầu tiên tại Việt Nam sáng tạo nên bộ sưu tập thời trang với chất liệu từ các món ăn của ẩm thực Tây Nam Bộ. Tham gia trình diễn bộ sưu tập tại lễ hội lần này, anh Nguyễn Minh Công chia sẻ: “Ðến với Lễ hội BDGNB lần này, tôi rất vinh dự vì có thể trình diễn bộ sưu tập thời trang làm từ bánh dân gian. Bộ sưu tập này được hình thành từ những ký ức tuổi thơ gắn liền với những món bánh mẹ làm. Qua bộ sưu tập, tôi mong muốn giới thiệu, lan tỏa những chiếc bánh quê đến gần với du khách hơn, nhất là khách quốc tế”.
Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Lễ hội BDGNB được tổ chức nhằm phát huy BDGNB đồng thời, qua đó, quảng bá, xúc tiến du lịch Cần Thơ nói riêng, ÐBSCL nói chung. Từ Lễ hội, chúng tôi giới thiệu các sản phẩm du lịch, ẩm thực để thu hút khách đến TP Cần Thơ và ÐBSCL hằng năm. Ngoài các địa phương ở ÐBSCL, còn có nhiều tỉnh khu vực miền Trung, phía Bắc tham gia quảng bá tại Lễ hội”. Ðó là một trong những minh chứng cho sự kết nối giữa ẩm thực và du lịch và cũng là một trong những thành công của Lễ hội BDGNB.