01/08/2021 - 08:17

VÐV chuyển giới ở Olympic Tokyo 

Quinn, một tiền vệ của đội tuyển bóng đá nữ Canada tham gia Olympic Tokyo 2020, đã thẳng thắn công khai tuyên bố với truyền thông bản thân là người chuyển giới sau trận hòa 1-1 của Canada với Nhật Bản ở Sapporo hôm 21-7-2021. Quinn cũng là thành viên của đội Canada giành HCÐ tại Thế vận hội Rio de Janeiro 2016, nhưng mới công khai giới tính của mình tại Tokyo.

Quinn (trái) trong trận đấu với tuyển nữ Nhật Bản. Ảnh: Reuters

“Trước đây, các cô gái chuyển giới bị cấm tham gia thể thao. Những phụ nữ chuyển giới phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và thành kiến ​​trong khi cố gắng theo đuổi giấc mơ Olympic của họ. Vì vậy tôi cảm kích khi ở đây”, Quinn tuyên bố sau khi cùng tuyển nữ Canada hòa chủ nhà Nhật Bản 1-1 ở trận ra quân vào tuần trước. Việc Quinn công khai chuyển giới là sự kiện đặc biệt và Olympic 2020 vì thế hứa hẹn trở thành sự kiện đánh dấu bước ngoặt lớn cho cộng đồng này trong thể thao thế giới. Quinn nói thêm: “Tôi cảm thấy tự hào khi xuất hiện trong danh sách đội hình ra sân và được công nhận. Tôi rất buồn khi trước đây nhiều VÐV như tôi không dám công khai con người thật của mình. Giờ đây, tôi cảm thấy lạc quan hơn bao giờ hết với những thay đổi đang diễn ra”.

Quinn - cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp đang khoác áo CLB OL Reign tại Giải Bóng đá nữ quốc gia Canada, không phải là VÐV chuyển giới duy nhất tham gia Thế vận hội Tokyo. Nổi bật còn có Laurel Hubbard, 43 tuổi, nữ VÐV chuyển giới thi đấu cho New Zealand ở môn cử tạ. Laurel Hubbard tranh tài hạng cân 87kg nữ vào ngày 2-8 tới và là một trong các ứng cử viên giành huy chương Olympic. Laurel Hubbard từng có nhiều năm thi đấu ở các nội dung dành cho nam trước khi chuyển giới. Tuy nhiên, cô đảm bảo được mức testosterone mà Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) yêu cầu để thi đấu cử tạ nữ tại Tokyo 2020. Thực ra, Hubbard đã đủ điều kiện tham dự Thế vận hội như một nữ VÐV từ năm 2015, khi IOC cho phép các VÐV chuyển giới thi đấu ở nội dung dành cho nữ nếu mức testosterone của họ dưới 10 nanomoles mỗi lít trong ít nhất 12 tháng trước khi tham gia thi đấu. 

Lật lại lịch sử, IOC đã cho phép các VÐV chuyển giới tham gia Thế vận hội từ năm 2004, nhưng phải đến 17 năm sau mới có VÐV đầu tiên thẳng thắn nói với truyền thông về giới tính của mình như Quinn. Bên cạnh Quinn, Hubbard; một số VÐV chuyển giới đang thi đấu nhưng không công khai về quá trình chuyển giới của họ. Thể thao thế giới cũng còn nhiều VÐV chuyển giới giỏi nhưng thiếu may mắn để giành tấm vé đến thi đấu ở Tokyo. Có thể kể đến như Nikki Hiltz (Mỹ) không đủ điều kiện tranh tài ở cự ly 1.500 mét nữ; CeCe Telfer (Mỹ) cũng không đủ điều kiện để chạy 400 mét vượt rào, trong khi Tiffany Abreu không lọt vào danh sách cuối cùng của đội bóng chuyền Brazil.

Không chỉ VÐV chuyển giới nữ, mà còn có những VÐV chuyển giới nam. Chris Mosier, VÐV 3 môn phối hợp, đã thi đấu tại giải đi bộ chuẩn bị dự Olympic cự ly 50km dành cho nam tại Mỹ hồi năm ngoái, nhưng sau đó phải rút lui vì chấn thương. Tuần trước, trong một cuộc phỏng vấn với AP, Mosier cho biết anh xem Olympic 2020 là một cột mốc quan trọng khi các VÐV chuyển giới tham gia tranh tài và có VÐV thẳng thắn với truyền thông về giới tính. Mosier nói: “Tôi mong muốn có sự khẳng định vị trí thể thao cho các VÐV chuyển giới, bởi đó là con người thật của họ và niềm tự hào khi được thi đấu ở đẳng cấp cao nhất. Vì vậy, tôi rất hào hứng, vui mừng khi thấy Quinn tự tin tại Thế vận hội Tokyo”.

Fallon Fox, một võ sĩ MMA đã giải nghệ, từng xuất hiện với tư cách là một phụ nữ chuyển giới vào năm 2013 và đã phải đối mặt với sự chỉ trích dữ dội vào thời điểm đó. Nay Fox cũng tự hào chia sẻ. “Tôi nghĩ thật tuyệt khi cuối cùng chúng tôi có đại diện cho cộng đồng ở Olympic dám nói lên con người thật của mình”.

LÊ NGUYÊN    

Chia sẻ bài viết