22/03/2011 - 08:48

Ưu tiên đầu tư hạ tầng cung cấp nước sạch cho các xã điểm

Chị Trần Kim Tuyền ở tổ 5, ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày.

Thời gian qua, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn TP Cần Thơ (TTNS&VSMTNT) - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp nước sạch cho người dân khu vực nông thôn, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Theo kế hoạch năm 2011, Trung tâm sẽ tiếp tục gắn kết với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của thành phố, ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng nước sạch nông thôn tại các xã điểm nông thôn mới, góp phần hoàn thành chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới của thành phố.

Theo số liệu của TTNS&VSMTNT TP Cần Thơ, năm 2010, tổng lượng nước do trung tâm cấp hơn 4,3 triệu m3 cao hơn so với năm 2009 là 130.107m3; số lượng đồng hồ sử dụng nước đến cuối năm là 52.339 cái, tăng 4.663 cái so với đầu năm. Lượng nước cấp trung bình 7-8 m3/hộ/tháng. Bên cạnh đó, công tác mở rộng mạng đường ống, đấu nối mạng tiếp nước giữa các trạm đều thu được kết quả khả quan. Ngoài ra, để đảm bảo lượng nước cấp cho các trạm, Trung tâm đã cho đấu nối tiếp nước từ những trạm được nâng cấp 2010, với tổng chiều dài mở mạng, nối mạng khoảng 19.217m, chi phí đầu tư hơn 675,4 triệu đồng, phục vụ cho 17.522 hộ dân đủ nước sạch sử dụng và 7.107 hộ có điều kiện tham gia đăng ký sử dụng nước sạch. Trên địa bàn thành phố hiện có 170 trạm được nối mạng, bao gồm 71 trạm tiếp nước và 99 trạm nhận nước. Có thể nói, việc chú trọng đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước của Trung tâm đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Ông Từ Văn Lợi, Giám đốc TTNS&VSMTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Năm 2011, thành phố triển khai thí điểm xây dựng 2 xã nông thôn mới. Trung tâm sẽ khảo sát và đề xuất ưu tiên đầu tư mạng lưới cấp nước để đảm bảo đạt 75% số hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia theo Bộ tiêu chí của thành phố Cần Thơ về nông thôn mới được UBND thành phố ban hành tại Quyết định số 3589/QĐ-UBND ngày 22/12/2010. Ngoài ra, Trung tâm tranh thủ các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương và vốn của Trung tâm để củng cố mở rộng, nâng cao chất lượng nước cấp từ các trạm, nâng sản lượng cấp nước và khuyến khích người dân sử dụng nước sạch”. Theo ông Lợi, để đạt kết quả cao, Trung tâm sẽ gắn kết với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của thành phố, kịp thời đầu tư xây dựng cho các vùng điểm nông thôn mới về chương trình nước sạch nông thôn.

Anh Huỳnh Văn Khoa, nhân viên quản lý Trạm cấp nước ấp Mỹ Phước kiểm tra thiết bị vận hành đảm bảo cung cấp nước cho người dân.

Cụ thể trong năm 2011, Trung tâm sẽ ưu tiên mở rộng mạng đường ống cấp nước tại hai xã điểm xây dựng nông thôn mới của thành phố. Tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, dự kiến sẽ mở rộng tuyến ống chiều dài khoảng 5km phục vụ cấp nước thêm 309 hộ dân. Ước tính kinh phí đầu tư khoảng 400 triệu đồng. Dự kiến công trình sẽ khởi công trong năm 2011. Sau khi đầu tư mở rộng mạng, góp phần nâng số hộ dân sử dụng nước sạch ở xã Mỹ Khánh hơn 1.100 hộ, nâng chiều dài mạng ống nhánh lên gần 19km. Trong suốt thời gian qua (từ năm 1999 đến nay), tổng kinh phí để đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, mở rộng đường ống nhánh và đầu tư hạ tầng phục vụ cung cấp nước sạch nông thôn cho người dân ở xã Mỹ Khánh gần 2 tỉ đồng. Với 9 trạm cấp nước hiện có ở Mỹ Khánh phục vụ cho 855 hộ có đồng hồ sử dụng nước và 204 hộ đã có đường ống cấp nước đi qua nhưng chưa sử dụng với chiều dài 14km ống nhánh. Tính đến cuối năm 2011 nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia trên địa bàn xã đạt tỷ lệ 51%.

Theo chị Trần Kim Tuyền, ở tổ 5 ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh, chị sử dụng nước của Trạm cấp nước do Trung tâm đầu tư từ năm 2003 đến nay, chất lượng nước tương đối ổn định, mỗi tháng gia đình tiêu thụ gần 30m3 nước với giá 3.000 đồng/m3... Tuy nhiên, số hộ dân ngày càng tăng, theo chị Tuyền, Trung tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để tăng cường công suất cung cấp nước cho người dân, chủ yếu là mở đường ống nhánh để nâng số hộ sử dụng nước sạch. Bởi vẫn còn nhiều hộ dân vùng xa chưa được tiếp cận nguồn nước, do khó khăn như kinh phí, đường giao thông nên không kéo ống nhánh tới được.

Anh Huỳnh Văn Khoa, nhân viên quản lý Trạm cấp nước ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh, cho biết: “Trước đây, Trạm cấp nước ở ấp có công suất 4-6 m3/giờ, hiện được nâng lên 15m3/giờ. Ngoài việc cung cấp cho hơn 100 hộ dân ở khu vực ấp Mỹ Phước này thì trạm còn cung cấp cho khoảng 100 hộ dân ở ấp Mỹ Ái. Toàn ấp Mỹ Phước có 554 hộ dân, thực tế chỉ khoảng 400 hộ được tiếp cận nước sạch”. Theo anh Khoa, trước bức xúc này, các ngành chức năng cần đầu tư thêm khoảng 2km ống nhánh phi 60 để cung cấp nước thêm cho hơn 200 hộ dân có nhu cầu sử dụng, góp phần thay đổi bộ mặt của xã nông thôn mới.

Ông Lê Hoàng Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, cho biết: “Hiện xã có 2.690 hộ ở 8 ấp sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 73,7% số hộ dân. TTNS&VSMTNT đã đầu tư xây dựng 9 trạm cấp nước, cơ bản giải quyết được nhu cầu sử dụng nước cho người dân nông thôn ở địa phương. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 3 ấp là Mỹ Thuận, Mỹ Lộc và Mỹ Nhơn chưa có trạm cấp nước, với khoảng 1.200-1.400 hộ dân. Nếu đầu tư các trạm cấp nước ở 3 ấp này sẽ kết nối được hệ thống mạng ống nhánh toàn xã, đảm bảo 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh”. Hiện tại xã Mỹ Khánh có 520 giếng bơm tay trong dân, góp phần giải quyết nước sạch cho người dân. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội còn cho 454 hộ dân vay vốn xây dựng hố xí và nước sạch với số tiền hơn 1,9 tỉ đồng, với tất cả các nguồn lực đầu tư cho nước sạch góp phần đạt được các chỉ tiêu xã nông thôn mới.

Bài, ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Chia sẻ bài viết