31/03/2016 - 22:05

Hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, Nam Trung bộ và Tây Nguyên:

Ước thiệt hại lên đến 2.663 tỉ đồng

(CT)- Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, đến ngày 30-3, nước xả từ phía thượng nguồn vẫn chưa về đến hạ lưu sông Mê Công thuộc địa phận Việt Nam. Các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành. Tính đến nay đã có 13 tỉnh công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn.

Tổng hợp mới nhất của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai từ các báo cáo của Chi cục phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Nam, đến ngày 30-3, đã có 312.095 hộ dân, 222.814ha trồng lúa, 8.748ha rau màu, 85.449ha cây ăn trái và 3.056ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn. Ước tổng mức thiệt hại đã lên đến 2.663 tỉ đồng (chưa kể Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Dương, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bến Tre, Sóc Trăng, TP Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang).

 Ngày 31-3, UBND tỉnh An Giang công bố: Đến cuối tháng 3, toàn tỉnh có 150.000 người dân thuộc hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên thiếu nước sạch nghiêm trọng do ảnh hưởng nắng nóng, khô hạn; 46.000ha sản xuất có khả năng thiếu nước khu vực nội đồng và vùng cao. Ảnh hưởng nhiễm mặn từ 1,1 - 1,9‰ đối với diện tích sản xuất là 14.564ha và 26.162 dân bị ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt chủ yếu hai huyện Tri Tôn và Thoại Sơn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã khoanh vùng trọng điểm cháy đối với 15.929ha, triển khai đồng loạt phương án bảo vệ phòng chống cháy rừng cả ba cấp...

Tỉnh cũng đã xuất nguồn kinh phí 172,6 tỉ đồng nạo vét gia cố cống đập đối với 245 công trình; 26,3 tỉ đồng cho công trình chống hạn mặn và 1,3 tỉ đồng hỗ trợ cung cấp nước sạch vùng hạn, mặn nặng.

Hà Triều - Nguyễn Huỳnh

Chia sẻ bài viết