05/06/2009 - 08:27

Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ:

Ứng phó với biến đổi khí hậu phải có dự án nghiên cứu chi tiết cho từng địa phương

Năm 2009, Ngày môi trường thế giới tập trung vào chủ đề: “Trái đất cần chúng ta- hãy liên kết chống lại biến đổi khí hậu”. Các nhà khoa học, chuyên gia dự báo, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH): nước biển dâng, mặn xâm nhập,... tác động trực tiếp đến vùng đất trồng lúa, khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển, vùng cây ăn trái nếu không có giải pháp ứng phó ngay từ bây giờ. Phóng viên Báo Cần Thơ đã phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (MT&TNTN) Trường Đại học Cần Thơ xung quanh việc BĐKH sẽ tác động đến TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL trong tương lai.

* Năm 2009, vùng ĐBSCL lại bị nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền. Thưa tiến sĩ, đây có phải là tác động trực tiếp của việc BĐKH?

- ĐBSCL là vùng đất thấp, nằm sát biển, dễ bị ngập, lũ và nhiễm mặn khi nước biển dâng cao. Đầu năm 2009, mặn xâm nhập sâu vào đất liền, nhưng theo báo cáo của Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) thì rất khó đánh giá chính xác đây là hiện tượng BĐKH. Theo báo cáo này thì nguyên nhân của đợt xâm nhập mặn vừa qua là do gió chướng ở biển Đông kết hợp với triều cường mạnh. Nhưng mặt khác là do hệ thống thủy lợi vùng ven biển ĐBSCL chưa khép kín, một số cống còn bỏ ngỏ hoặc do việc vận hành các hệ thống thủy lợi phục vụ thủy sản nước mặn chưa hợp lý dẫn đến nhiễm mặn cục bộ. Do đó, đánh giá vấn đề này cần có thời gian quan trắc cụ thể ở từng địa phương để có số liệu chính xác.

* Như vậy, BĐKH trong tương lai sẽ tác động đến môi trường sống, cơ sở hạ tầng... của TP Cần Thơ?

 Thời gian qua, khi có cơn mưa lớn lại kết hợp với đợt triều cường liền gây cho nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ bị ngập sâu. Ảnh: TRUNG DÂN

- Chắc chắn BĐKH sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống, sinh kế của người dân khi môi trường bị ô nhiễm, năng suất cây trồng, vật nuôi giảm, cơ sở hạ tầng (cấp thoát nước, cung cấp điện...) cũng bị tác động nhất định. Hiện tại, chưa thể tính được chính xác mức độ ảnh hưởng như thế nào. Bởi đây là vấn đề cần phải nghiên cứu kỹ trên từng địa phương, ngay trên địa bàn TP Cần Thơ này, mức độ tác động cũng khác nhau.

Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (NCBĐKH) Trường Đại học Cần Thơ đã tham gia dự án cùng với Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo về thay đổi nhiệt độ toàn cầu (Southeat Asia Start) chi nhánh vùng Đông Nam Á (trụ sở đóng tại Thái Lan) để đưa ra đánh giá về nhiệt độ, lượng mưa, nước biển dâng. Dựa trên kịch bản về BĐKH chi tiết toàn cầu, khu vực để đưa ra kết quả BĐKH vùng ĐBSCL. Cụ thể là tại Cần Thơ bản đồ nhiệt độ lớn nhất trung bình hàng năm có thể tăng hơn thời điểm những năm 1980 từ 1 đến 20C. Nhiệt độ tăng sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng có thể làm giảm năng suất, dịch bệnh có thể xuất hiện thường xuyên hơn... Thêm vào đó, số ngày nắng nóng trong năm cũng tăng đáng kể. Hiện tại, nhiệt độ ở mức 39-410C đã rất nóng và đến năm 2030, ĐBSCL có những địa phương nhiệt độ trên 410C. Số ngày nóng trong năm- số ngày có nhiệt độ lớn hơn 350C, từ 90-120 ngày như hiện nay sẽ tăng lên khoảng 180-210 ngày/năm vào những năm 2030.

Hơn nữa, lượng mưa của vùng ĐBSCL sẽ giảm trong tương lai, nếu không chủ động giữ nước thì sẽ rất khó khăn trong sản xuất. Cũng theo dự án nghiên cứu trên, năm 1980 lượng mưa trung bình tại Cần Thơ từ 1.500-2.000 mm/năm, nhưng đến 2030 còn khoảng 1.000-1.500 mm/năm; giảm từ 10-20% lượng mưa hàng năm. Mặt khác, mùa mưa đến trễ hơn 2 tuần và ngắn đi. Hạn kéo dài và lũ cũng về sớm hơn, bất lợi cho sản xuất lúa ĐBSCL. Ở vụ hè thu, khi làm đất (tháng 4) thì cây lúa rất cần nước, trong khi đây là thời gian diễn ra hạn hán, đến lúc lúa trổ bông (tháng 6-7) vẫn còn hạn, còn tháng 8 thu hoạch thì nước lũ đã về. Ước tính tổng lượng mưa trong vụ hè thu sẽ giảm đi trong tương lai từ 5-20%, tùy từng địa phương. Riêng Cần Thơ giảm 5-15%.

* Hiện nay, một số quốc gia ở lưu vực sông Mê Công đang xây dựng dự án đập thủy điện trên dòng Mê Công. Như vậy, dòng chảy sông Mê Công sẽ thay đổi và ảnh hưởng đến khai thác nguồn tài nguyên của vùng ĐBSCL trong tương lai. Tiến sĩ có nhận định gì về vấn đề này?

- Ủy hội sông Mê Công đang triển khai dự án WUP FIN (do Viện Môi trường của Phần Lan xây dựng) với sự tham gia của nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam có Bộ NN&PTNT, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Viện Qui hoạch nông nghiệp... Đây là mô hình thủy văn cho vùng hạ lưu sông Mê Công, được khởi động từ tháng 3-2007, nhằm đánh giá thay đổi dòng chảy và chất lượng nước ảnh hưởng của lũ lụt, nguồn cá, giao thông, xói mòn, bồi lắng... của sông Mê Công. Từ đó, đưa ra thông tin, giải pháp làm giảm nhẹ những thay đổi này. Kết quả bước đầu cho thấy so với hiện nay, vùng có độ sâu ngập từ 1,5-2m sẽ lan rộng xuống gần tới nội ô Cần Thơ. Tuy nhiên, thời gian ngập có khả năng giảm trong tương lai, từ 12-16 tuần sẽ giảm còn 8-12 tuần.

Dự án sẽ thể hiện những mô hình tổng thể cho toàn lưu vực sông Mê Công (từ Trung Quốc đến vùng ĐBSCL của Việt Nam). Nếu trên thượng nguồn ngăn đập, làm thủy điện... và ảnh hưởng như thế nào thì mô hình này sẽ thể hiện. Việc các nước trên thượng nguồn đang có dự án xây đập trên dòng chính của sông Mê Công đã đặt ra nhiều vấn đề tranh cãi. Theo tôi, việc xây dựng công trình là một chuyện, còn cách vận hành lại là chuyện khác. Chẳng hạn, việc ngăn dòng lấy nước tưới nhưng vẫn nằm trên lưu vực này thì hạ nguồn không bị ảnh hưởng nhiều, còn nếu ngăn dòng lấy nước tưới cho lưu vực khác, thì hạ nguồn sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Còn nếu đang lũ lớn mà thượng nguồn chặn bớt thì lũ hạ nguồn sẽ giảm nhẹ đi, trong mùa hạn nếu các đập thượng nguồn xả nước thì cũng rất tốt cho hạ nguồn... Do đó, sự cam kết và thực hiện những cam kết của những nước trong lưu vực sông Mê Công rất quan trọng.

* Như vậy, để ứng phó với BĐKH, tiến sĩ đề xuất giải pháp gì?

- Hiện nay, Viện NCBĐKH và Khoa MT&TNTN đang liên kết với các tổ chức, viện nghiên cứu về BĐKH trên thế giới để giúp đào tạo nhân lực để có thể nắm vững kiến thức và chi tiết hóa những kết quả nghiên cứu tổng quát của thế giới đến cấp khu vực, quốc gia, từ đó chúng tôi tiếp tục nghiên cứu chi tiết hóa các kết quả này đến cấp vùng ĐBSCL cũng như đến cấp tỉnh. Đây là quá trình lâu dài. Như tôi đã nói, BĐKH không phải chỗ nào cũng bất lợi, mà có những nơi ít nơi nhiều, cho nên phải làm nghiên cứu cụ thể trên từng vùng, địa phương. Phải làm dự án nghiên cứu chi tiết để có qui hoạch nhằm có thể giảm nhẹ, ứng phó với các thay đổi bất lợi hoặc tận dụng được các biến đổi có lợi.

* Được biết, Viện NCBĐKH và Khoa MT&TNTN Trường Đại học Cần Thơ đang thực hiện đề tài nghiên cứu BĐKH tại TP Cần Thơ với sự tài trợ của Quỹ Rockefeller. Thưa tiến sĩ, dự án này đã khởi động như thế nào?

- Viện NCBĐKH đang tập trung thực hiện dự án đánh giá tổn thương do biến đổi khí hậu đến nông nghiệp, thủy sản, cơ sở hạ tầng của TP Cần Thơ do Quỹ Rockefeller tài trợ. Dự án khởi động từ tháng 5-2009 và hiện đang tập hợp số liệu, đồng thời phối hợp với Viện Khoa học thủy lợi miền Nam chạy những kịch bản, mô hình về BĐKH như: lượng mưa tăng lên, nước biển dâng trong vòng 10-20 năm nữa để xem nước dâng nơi nào bị ngập nhiều, ngập sâu, ngập bao lâu... Song song đó, còn có nhóm cộng đồng chuyên thu thập số liệu trong dân xem BĐKH ảnh hưởng như thế nào đối với họ. Trên cơ sở này, các nhà khoa học về nông nghiệp, thủy sản, nhà qui hoạch đô thị... sẽ tính toán và đưa ra dự báo tác động như thế nào đến sản xuất nông nghiệp, thủy sản, cơ sở hạ tầng của TP Cần Thơ; đồng thời, đưa ra khuyến cáo cụ thể cho các nhà hoạch định giải pháp ứng phó phù hợp. Sau khi dự án kết thúc, các sở ngành TP Cần Thơ sẽ chủ động làm chi tiết hơn. Dự kiến công đoạn thu thập số liệu sẽ kết thúc trong tháng 8, hay tháng 9-2009 tới.

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

THU HÀ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết