05/05/2018 - 07:49

Ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản vào hoạt động sản xuất kinh doanh 

Tiến tới hợp tác toàn diện, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) và Tập đoàn BrainWorks (Nhật Bản) xác định công nghệ là yếu tố tiên quyết để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực cơ bản, từng bước đưa TP Cần Thơ và ĐBSCL nhanh chóng tiếp cận khoa học, kỹ thuật mới, tiên tiến nhất từ Nhật Bản. Từ những lý do đó, hai bên đã thống nhất thành lập Trung tâm Đổi mới ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) đặt tại TP Cần Thơ – trung tâm vùng ĐBSCL. Đây được xem là mô hình hợp tác về nghiên cứu khoa học kỹ thuật phi Chính phủ Việt – Nhật đầu tiên tại TP Cần Thơ và ĐBSCL.

Từ những ký kết hợp tác tại Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực ĐBSCL” kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đến với ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Ảnh: KHÁNH NAM
Từ những ký kết hợp tác tại Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực ĐBSCL” kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đến với ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Ảnh: KHÁNH NAM

Xu hướng phát triển tất yếu

Nhu cầu thúc đẩy phát triển công nghiệp tại Việt Nam là rất lớn và đang được các quốc gia phát triển quan tâm hỗ trợ và hợp tác. Tuy nhiên, Việt Nam lại đang thiếu hụt kiến thức và những kỹ thuật của những nước tiên tiến, chẳng hạn như Nhật Bản. Tại ĐBSCL, vùng kinh tế quan trọng của Việt Nam, nhu cầu ứng dụng công nghệ trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực khác trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở nên cấp bách. Với xu hướng công nghệ dẫn dắt, các ngành từ công nghiệp, nông nghiệp, hạ tầng, giáo dục, y tế... đều có quan hệ mật thiết với công nghệ và ICT là nền tảng ứng dụng quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, quốc gia và chất lượng cuộc sống trong xã hội. Trước nhu cầu phát triển để đưa Cần Thơ trở thành trung tâm lớn về kinh tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật... của ĐBSCL và cả nước, Trung tâm Đổi mới ICT được thành lập dựa trên sự hợp tác giữa VCCI Cần Thơ với Tập đoàn Brainworks (Nhật Bản).

Trung tâm là tổ chức mang tính thiện nguyện, nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác phát triển về đổi mới và ứng dụng công nghệ ICT tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Ông Noboru Kondo, Tổng Giám đốc Tập đoàn BrainWorks, cho biết: “Tập đoàn BrainWorks chọn TP Cần Thơ để thành lập Trung tâm Đổi mới ICT bởi đây là thành phố trung tâm của khu vực ĐBSCL, là vựa lúa nổi tiếng trên thế giới với nông nghiệp là ngành cốt lõi trong đời sống. Cần Thơ dễ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thay đổi môi trường. Với việc thực hiện nhiều các hoạt động kiểm chứng với tầm nhìn giải quyết những vấn đề của vùng ĐBSCL từ quan điểm cuộc sống hằng ngày và nâng tầm thành một ngành kinh doanh. Chúng tôi tin tưởng rằng sẽ có thể giải quyết không chỉ những vấn đề xã hội của khu vực mà còn góp phần tạo sức ảnh hưởng tới những khu vực gặp vấn đề tương tự tại Việt Nam và xa hơn nữa là toàn thế giới”.

Nhật Bản là quốc gia phát triển trên thế giới, đi đầu về sáng tạo kỹ thuật nên sự hợp tác sẽ giúp Việt Nam nói chung, ĐBSCL và TP Cần Thơ nói riêng tiếp cận và ứng dụng nhiều công nghệ mới. ĐBSCL với thế mạnh về nông nghiệp, cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm lớn nên đây là điều kiện thuận lợi trong hợp tác để đưa công nghệ Nhật Bản vào trong sản xuất. Trung tâm Đổi mới ICT sẽ có vai trò kết nối, hợp tác nghiên cứu để tận dụng lợi thế của hai quốc gia để cùng tiếp tục phát triển. Đây là tổ chức hoạt động dưới sự quản lý chủ yếu của doanh nghiệp tư nhân dựa trên nền tảng liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, các trường đại học và cơ quan nghiên cứu của Việt Nam và Nhật Bản đối với việc áp dụng ICT và kỹ thuật tiên tiến nhất, thực hiện nghiên cứu và phát triển đổi mới ICT tại TP Cần Thơ.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống nhấn mạnh: Nhật Bản là một trong những đối tác chiến lược, TP Cần Thơ đã nỗ lực hành động để chào đón đối tác này. TP Cần Thơ đang xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản để mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư tại TP Cần Thơ. Cùng đó, lãnh đạo thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy nhanh các thủ tục đầu tư tiếp cận nguồn vốn ODA của chính phủ Nhật Bản, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản. Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước đưa TP Cần Thơ trở thành một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và tăng cường hợp tác quốc tế.

Kỳ vọng sự hợp tác, phát triển

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ, cho rằng: “Công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ là một xu hướng tất yếu và trở nên cấp thiết. Công nghệ nói chung, công nghệ ICT nói riêng sẽ là nền tảng ứng dụng quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, quốc gia cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống trong xã hội thông qua y tế, giáo dục và đầu tư hạ tầng. Kỳ vọng, Trung tâm Đổi mới ICT sẽ mở ra giai đoạn mới trong hợp tác phát triển công nghệ, tạo dựng lực lượng doanh nghiệp mới cho ĐBSCL và trong thời gian rất ngắn, tôi tin rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL làm ăn, đầu tư. Nhiều doanh nghiệp tại Cần Thơ và ĐBSCL sẽ ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất và quản lý, trở thành những doanh nghiệp mạnh, có khả năng cạnh tranh cao và ĐBSCL sẽ là vùng kinh tế phát triển nhanh của Việt Nam”.

Ông Konaka Tetsuo, Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản  (JICA) - (thứ 2, từ phải qua) tham quan khu trưng bày cá thát lát nguyên liệu dùng sản xuất chả cá thát lát xuất khẩu tại TP Cần Thơ. Ảnh: N.H
Ông Konaka Tetsuo, Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản  (JICA) - (thứ 2, từ phải qua) tham quan khu trưng bày cá thát lát nguyên liệu dùng sản xuất chả cá thát lát xuất khẩu tại TP Cần Thơ. Ảnh: N.H

Trung tâm Đổi mới ICT là nơi kết nối với các cơ quan Nhà nước, phi chính phủ, doanh nghiệp, các viện, trường đại học Nhật Bản và Việt Nam để phát triển công nghệ thông tin, ứng dụng ICT và những kỹ thuật tiên tiến nhất, đóng góp vào sự sáng tạo kinh doanh, phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại khu vực ĐBSCL. Giai đoạn đầu thành lập, trung tâm là nơi làm việc của các chuyên gia hàng đầu trong công nghệ của Nhật Bản cùng với sự hợp tác của gần 15 doanh nghiệp Nhật Bản trong các lĩnh vực: tái chế, môi trường, nhiên liệu sinh học, giáo dục, IoT, ICT, y tế, thiết kế xây dựng, vật liệu mới, chế biến thực phẩm... tham gia. Từ trung tâm này, các kết nối với các trung tâm khoa học lớn trên cả nước là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay quốc tế như các nước mới nổi, ASEAN, cho đến Nhật Bản và thung lũng Silicon của Hoa Kỳ để trao đổi và đưa các ứng dụng ICT vào thực tiễn. Trong tương lai gần, trung tâm sẽ tăng cường vai trò dẫn dắt và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo nhằm tạo ra những doanh nghiệp mới trong lĩnh vực công nghệ sáng tạo cho TP Cần Thơ và ĐBSCL. Kỳ vọng, thông qua hoạt động ICT sẽ triển khai mô hình kinh doanh đã được kiểm chứng tại Cần Thơ tới các thành phố khác của Việt Nam và xa hơn nữa là các nước phát triển tại Đông Nam Á và châu Phi. Trong đó, chú trọng vào tầm nhìn sẽ triển khai những ngành kinh doanh đã phát triển tới những nước tiên tiến như Nhật Bản.

Trước nhu cầu đổi mới và phát triển kinh tế ĐBSCL, kỳ vọng sự ra đời của Trung tâm Đổi mới ICT sẽ là nền tảng và động lực thúc đẩy sự hợp tác phát triển về công nghệ và tạo ra những doanh nghiệp mới, góp phần phát triển kinh tế của vùng và đất nước.

KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết