28/08/2019 - 15:10

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Ứng biến tình hình lũ thấp, đảm bảo hiệu quả sản xuất nông nghiệp 

Lũ về chậm, dự đoán ở mức thấp hơn mọi năm làm cho người dân vùng ĐBSCL lo lắng, có thể đối mặt với nguy cơ bị hạn mặn trong vụ lúa đông xuân 2019-2020. Xung quanh vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục Trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết:

- Thông tin dự báo của cơ quan thủy lợi và trung tâm dự báo khí tượng thủy văn cho biết, nguồn nước sông Mekong ít hơn hằng năm do hiện tượng Enso và phần khác do các yếu tố tác động của con người trên dòng chảy của sông Mekong. Điều này đã được ghi nhận, theo dõi ngay từ những tháng đầu năm 2019 và đến tháng 7-2019 khi triển khai kế hoạch sản xuất lúa thu đông 2019, Bộ NN&PTNT cũng có những đánh giá khá chi tiết về tình hình cung cấp nguồn nước. Đồng thời, Bộ đã hướng dẫn và cùng các địa phương vùng ĐBSCL xây dựng kế hoạch để sản xuất lúa thu đông theo kịch bản nước về ít hơn. Trong những ngày gần đây, cập nhật tình hình khí tượng thủy văn, cũng như đo nguồn nước và chất lượng nước cung cấp cho sản xuất và tiêu dùng của người dân cho thấy, khả năng nguồn nước năm nay có thể  tương đương nước của năm 2015 và năm 2016 - là những năm có nước ít nhất trong những năm chúng ta theo dõi vài chục năm gần đây.

* Thưa ông, lũ về ít có nguy cơ gây thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL không?

- Hiện nhiều cơ quan truyền thông, nhà khoa học và nhà nghiên cứu cảnh báo mùa lũ của ĐBSCL tác động rất lớn đến sản xuất của người dân. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận một điều rằng, thực tế nếu như lũ cao mà không kiểm soát được hay lũ kém mà chúng ta không đủ nguồn nước cung cấp cho sản xuất và tiêu dùng đều là một hình thức thiên tai. Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, lũ thấp hơn khoảng 30%-40% so với trung bình hàng năm, như vậy nước phục vụ sản xuất, trồng trọt, hầu như chúng ta không thiếu. Chúng ta lại không phải chịu áp lực khi lũ cao gây nguy cơ vỡ đê, tạo ra bất lợi cho canh tác lúa. Nhìn ở góc độ nước sông Mekong vào ĐBSCL, sông Tiền, sông Hậu và các sông nhánh để phục vụ sản xuất lúa, hiện chúng ta đứng ở mức an toàn rất cao đối với sản xuất lúa thu đông. Vấn đề đáng lo nhất của lũ về thấp chính là sản xuất lúa trong vụ đông xuân 2019-2020 có thể đối mặt với nguy cơ bị hạn mặn sớm. Do vậy, phải chủ động có các giải pháp ứng phó ngay từ bây giờ.

* Như vậy, các địa phương cần lưu ý gì cho sản xuất lúa thu đông và vụ đông xuân 2019-2020?

- Lũ thấp giảm nguy cơ gây thiệt hại cho các vùng trồng lúa trong đê bao nhưng có thể làm phát sinh những vấn đề rủi ro khác mà các địa phương cần lưu ý. Một là,  nông dân có thể gieo trồng lúa ở những vùng ngoài đê, điều này rất nguy hiểm bởi chúng ta không có phương án khả thi nào để bảo vệ các diện tích lúa này nếu như lũ bất ngờ xảy ra. Lũ sông Mekong phụ thuộc các nguồn nước ở đầu nguồn, mưa và các cơn bão bất thường, rất khó đoán trước. Hai là, nếu chúng ta bố trí vụ thu đông theo nguồn nước sông Mekong về chậm thì sẽ chậm thu hoạch lúa thu đông ảnh hưởng mùa vụ đông xuân 2019-2020 bị kéo lê ra. Như vậy, nguy cơ của thiếu nước sẽ tác động rất lớn đến cuối vụ lúa đông xuân, nếu như chúng ta không kiểm soát được mùa vụ lúa thu đông tốt. Đông xuân là vụ lúa chính, quan trọng nhất trong năm, chiếm tới 50% sản lượng lúa của toàn vùng ĐBSCL. Các địa phương cần tăng cường thực hiện các giải pháp bố trí lịch thời vụ hợp lý, linh động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chọn giống ngắn ngày để tránh nguy cơ bị hạn mặn cho vụ sản xuất đông xuân 2019-2020. Ngoài việc bố trí, theo dõi, chăm sóc lúa thu đông, các địa phương và cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT cũng đã tính toán, chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất lúa đông xuân 2019-2020. Theo công văn mới đây Cục Trồng trọt gửi đến các địa phương, mùa vụ xuống giống lúa thu đông phải chấm dứt vào 30-8. Đối với các tỉnh ven biển, có khoảng 200.000ha của các vùng sản xuất lúa cách bờ biển trên 40km, mùa vụ đông xuân 2019-2020 cần  xuống giống sớm hơn, dự kiến trong khoảng tháng 10, do vậy phải chấm dứt xuống giống lúa thu đông 2019 trước ngày 20-8.

* Theo ông, cần làm gì để thích ứng với điều kiện lũ thấp và giảm lo lắng của người dân?

- Chúng ta không phải quá hoang mang với việc lũ thấp, bởi tổng lưu lượng nước để sử dụng cho sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL hằng năm chỉ chiếm 1/10 đến 2/10 lượng nước về ĐBSCL mà thôi. Lượng dòng chảy ít đi và lưu lượng nước về giảm đi nhưng nếu như không phải trong thời gian canh tác lúa mà nguy cơ thì không là vấn đề gì; có khi nó còn là điều kiện tốt để có thể bố trí một hệ thống canh tác mà lâu nay ta muốn làm ở vùng lũ: hệ thống canh tác xen canh lúa - thủy sản trong mùa lũ. Trước đây, mùa lũ về, nếu lũ lớn, bà con  tham gia khai thác cá tự nhiên hoặc bố trí nuôi đăng quần trên vùng ngập lũ nhưng đây cũng là cách nuôi khá rủi ro nếu lưới bao cá không đảm bảo. Lũ về thấp là điều kiện thuận lợi để điều tiết nước cho hệ thống xen canh lúa - thủy sản nước ngọt. Tiềm năng để thực hiện mô hình này tại các địa phương vùng ĐBSCL là rất lớn, ít nhất khoảng 300.000-400.000ha lúa thu đông của vùng Đồng Tháp Mười bao gồm: An Giang khoảng 140.000ha, Đồng Tháp 120.000ha, Kiên Giang 80.000ha, Long An  40.000ha... Những yếu tố này góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của các địa phương, tăng  sản lượng nông sản, nhất là thủy sản nước ngọt.

Thời gian qua, có nhiều nông dân tại TP Cần Thơ đã không trồng lúa vụ 3 (lúa thu đông)  mà chuyển sản nuôi thủy sản (mô hình nuôi thủy sản kết hợp nuôi vịt trong vụ thu đông tại xã Đông Bình, huyện Thới Lai). ảnh: Khánh Trung

 ĐBSCL đã có khái niệm “sống chung với lũ” và hiện chúng ta cần quan tâm sản xuất “thích ứng với biến đổi khí hậu”. Trong sản xuất trong nghiệp và trong toàn bộ đời sống của người dân nói chung,  nên nhìn nhận các yếu tố biến đổi khí hậu ở những khía cạnh khác nhau, có thể tác động tiêu cực ở phần này nhưng có những tác động tích cực ở phần khác. Từ đó tìm cách thích ứng một cách phù hợp.  Dĩ nhiên, chúng ta có những cảnh báo là cần thiết, nhưng không nên biến thành yếu tố đe dọa làm cho tiêu cực tăng lên, nông dân lo lắng, những người làm công tác tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản lúng túng...

* Xin cảm ơn ông!

Khánh Trung (thực hiện)

Chia sẻ bài viết