Những cô chú tuổi đã U70, U80… vẫn hát vang những giai điệu ngợi ca Tổ quốc. Những bà nội, bà ngoại ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng khi lên sân khấu bỗng trẻ trung, thanh xuân. Đó là chuyện về các thành viên của Câu lạc bộ Hát nhạc truyền thống, thuộc Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ.
Các thành viên CLB Hát nhạc truyền thống trong một buổi biểu diễn. Ảnh: BCN cung cấp
“Núi tiếp núi đường trập trùng em bước. Dốc Miếu, Gio Linh ơi trăm mến ngàn thương. Cam Lộ, Khe Sanh lòng nặng nghĩa tình. Năm tháng quê hương lòng son sắt đợi chờ ngày thống nhất…”. Tiếng các cô hòa vang bài ca “Tình em gửi trọn con đường” trong phòng tập của Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ. Đây là tiết mục mà các cô sẽ biểu diễn trong đêm văn nghệ giao lưu các CLB thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố sẽ diễn ra vào tối 15-12. Tập hàng chục lần mà các cô vẫn thấy chưa vừa ý, thế là khi anh nhạc công hỗ trợ CLB tập luyện ngưng đàn, các cô liền “làm nhạc bằng miệng” để cùng tập rồi nhắc nhau luyến láy, chia bè, động tác… Không khí rôm rả và đầy tiếng cười. Ít ai nghĩ rằng các cô đã 60, 70 thậm chí 80 tuổi.
CLB Hát nhạc truyền thống là một trong những CLB lâu đời và hoạt động rất đều của Trung tâm Văn hóa thành phố, suốt 16 năm qua. Cô Phạm Thị Minh Tuệ, 80 tuổi, Chủ nhiệm CLB, cho biết, CLB thành lập xuất phát từ tình yêu những ca khúc cách mạng, trữ tình quê hương và nhất là để những buổi tập dưỡng sinh không tẻ nhạt. Thế nhưng, từ “phần phụ” trong buổi giải lao, ca hát lên “vai chính” và rồi CLB Hát nhạc truyền thống ra đời. Những phụ nữ cao tuổi là nòng cốt ở CLB này. Bây giờ, cứ sáng thứ ba hằng tuần, Trung tâm Văn hóa thành phố lại vang lên tiếng hát của các cô, nhiệt huyết và xúc cảm.
“Bà ngoại xì tin” là cách mà mọi người vẫn hay gọi đùa các cô bởi dù tuổi cao nhưng các cô rất trẻ trung, yêu đời. Ai cũng nói đó là “hậu quả” của tình yêu âm nhạc khiến các cô “không chịu già”, dù tuổi cao. Cũng chính âm nhạc khiến các cô luôn thoải mái, thư giãn, giúp giữ sức khỏe tuổi già. Cô Cao Thu Thuyền, 76 tuổi, cười: “Nhiều khi ở nhà mệt mỏi, mà lại đây, ca vài bài là tự nhiên khỏe lại như thường. Làm như ca hát tiếp năng lượng cho mình vậy đó”.
Lại có người nói vui, nhờ ca hát mà ai cũng thành… thợ may. Chuyện là mỗi lần đứng trên sân khấu biểu diễn, trang phục phải phù hợp với nội dung bài hát. Mua thì giá cao hoặc không có. Vậy là các cô khéo léo từng mối chỉ đường kim, nào là trang phục vùng miền, trang phục thanh niên xung phong, nón, đạo cụ… Người này may cho người kia, cứ thế thắt chặt thêm nghĩa tình của những người mê ca hát.
Gặp nhau ở niềm đam mê văn nghệ, rồi các cô lại quý nhau ở cái tình. Hôm rồi cô Minh Tuệ bị bệnh nên vắng buổi tập. Đó là chuyện hiếm bởi suốt 16 năm qua, ít khi nào vắng mặt cô. Vậy là các thành viên “đứng ngồi không yên”, hỏi thăm rồi đến tận nhà động viên. Cô Lâm Việt Hằng, 65 tuổi, nói: “Các cô xem nhau như người thân, ai có chuyện gì cũng lo lắng, chia sẻ. Cái tình mà!”. Mỗi cuối năm, các cô lại tổ chức cho các thành viên CLB đi chơi. CLB thường xuyên biểu diễn ở sân khấu bến Ninh Kiều, giao lưu với các địa phương trong và ngoài thành phố... “Mỗi chuyến đi lại thêm khắng khít”- cô Tuệ cười hiền.
Chuyện vui ở CLB này là mỗi thành viên đều có “fan hâm mộ” riêng, đó là các thành viên trong gia đình. Mỗi buổi biểu diễn, chồng, con, dâu, rể, cháu, chắt… rủ nhau coi các cô diễn và quay phim, chụp hình kỷ niệm. Đó cũng là những hình ảnh khi gia đình sum họp, lại mở ra để coi “ca sĩ nhà mình” biểu diễn. Các cô là thành viên CLB như Trần Thị Mười, Nguyễn Thị Minh Phương… đều nói, nhờ vậy mà các con cháu ở nhà biết thêm nhiều bài ca truyền thống. Niềm đam mê nhạc cách mạng của các cô còn lay động được những thanh niên tuổi 8X, 9X. Anh Nguyễn Vĩnh Hưng, 34 tuổi, thành viên CLB nói: “Sở trường của tôi là hát nhạc trữ tình, bolero nhưng muốn thử sức ở dòng nhạc cách mạng và cũng muốn học hỏi kinh nghiệm từ các cô”.
* * *
Khó ai ngờ rằng 70, 80 tuổi vẫn trong trẻo “Cô gái vót chông”, hào hùng “Hát mãi khúc quân hành” hay dịu dàng “Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long”… Niềm đam mê đã làm nên những tiếng hát vượt thời gian như thế!
ĐĂNG HUỲNH