28/11/2009 - 08:41

Tỷ lệ phát triển dân số Việt Nam giai đoạn 2001-2010 đạt mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Bộ Y tế mà năm 2009, Việt Nam đã đạt chỉ tiêu giảm sinh do Quốc hội đề ra, sau 2 năm liên tiếp (2007, 2008) không đạt. Tỷ lệ phát triển dân số bình quân hàng năm trong giai đoạn 2001-2010 giảm xuống còn 1,2%, đạt mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua. Nhiều mục tiêu, chỉ báo của Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản đã đạt sớm hơn so với kế hoạch, tốt hơn so với các quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người...

Đó là thông tin do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Bá Thủy cung cấp tại Hội nghị giao ban công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tại Quảng Ninh, ngày 27-11. Đại diện các tỉnh phía Bắc đã tham dự hội nghị này nhằm đánh giá kết quả đã được sau 2 năm DS-KHHGĐ được chuyển giao về ngành y tế.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Thủy cũng cho biết: sau 2 năm sáp nhập vào ngành y tế, bộ máy DS-KHHGĐ trong cả nước đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tổ chức thực hiện nhiều vấn đề quan trọng như nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức, ổn định tư tưởng cho cán bộ chuyên trách làm công tác dân số. Nhờ mạng luới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS được mở rộng từ Trung ương đến địa phương nên chất lượng dân số của Việt Nam đang từng bước được nâng lên. Từ năm 2000-2008, tỷ số tử vong mẹ; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đều giảm đáng kể... Bên cạnh những thành công bước đầu, thời gian tới công tác DS-KHHGĐ của Việt Nam sẽ phải đối mặt với quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và vẫn tăng, cơ cấu dân số biến động mạnh, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn lớn, chất lượng dân số chưa cao...

Tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra những khó khăn trong tác DS-KHHGĐ thời gian tới như: bất cập về mô hình tổ chức bộ máy; thiếu cán bộ được đào tạo, có kinh nghiệm làm công tác DS-KHHGĐ. Các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số, can thiệp tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở trong quá trình thí điểm. Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên không đạt được mức sinh thay thế. Chỉ số phát triển con người (HDI) đã tăng nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có chỉ số HDI ở mức trung bình. Số năm trung bình sống khỏe mạnh của người Việt Nam chỉ đạt 58,2 tuổi và xếp thứ 116/174 nước trên thế giới. Tỷ lệ dân số bị thiểu năng trí tuệ, thể lực yếu chiếm khoảng 1,5% dân số và lo ngại hơn vẫn có xu hướng tăng... Do đó công tác DS-KHHGĐ cần tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, đảm bảo mức tăng dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số và cải thiện tình trạng sức khoẻ sinh sản...

Tổng cục DS-KHHGĐ đang hoàn thiện Chiến lược dân số- sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 nhằm tập trung nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng SKSS, duy trì mức sinh hợp lý, chủ động kiểm soát cơ cấu, phân bố dân số...

NHẬT MINH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết