07/06/2020 - 06:51

Nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều

Từng mảng ký ức là cả một trời thương nhớ 

Nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều là gương mặt văn học trẻ để lại nhiều dấu ấn ở ĐBSCL. Dù viết văn hay làm thơ, Huỳnh Thúy Kiều đều mang đến cho người đọc những cảm nhận gần gũi, thân thương nhất của quê hương. Tập tản văn “Những triền sông đầy gió” (NXB Quân đội nhân dân ấn hành) vừa mới ra mắt của chị là một minh chứng cụ thể. Chia sẻ về tác phẩm này, tác giả Huỳnh Thúy Kiều cho biết:

- Tập tản văn “Những triền sông đầy gió” tập hợp những bài viết của tôi từ hơn 10 năm qua, dẫu không phải là toàn bộ; cho đến những tản văn mới nhất, trước khi bản thảo được chuyển cho nhà xuất bản. Tôi quê ở Cà Mau, sinh ra từ đất lúa ao bùn và được đồng đất nuôi dưỡng ấu thơ, cho nên phía nào trong ký ức cũng làm cho tôi quay quắt nhớ. Tôi nghĩ rằng, nếu ai có ấu thơ bên bến nước cầu ao, ai đã từng một hay nhiều lần vắt va vắt vẻo trên cành cây đương mùa trái chín, ai đã từng hít thở no căng mùi khói lam chiều len qua mái lá, ai đã từng chộn rộn bên bờ đìa mùa cá cạn… sẽ gặp lại thời thơ ấu của mình qua từng mảng ký ức của tôi.

* Ký ức quê hương vẫn luôn là đề tài được chị lựa chọn, dù làm thơ hay viết văn. Chị có sợ “một màu”, thiếu sức hấp dẫn?

- Thật ra tôi viết văn trước khi làm thơ. Khi tôi bắt đầu tập viết, những trang đầu tay của tôi đều là tản văn hết và việc viết tản văn cũng chiếm nhiều năm khi tôi chính thức theo đuổi sáng tác.

Trong quá trình sáng tác, tôi không nặng về kỹ thuật viết, chỉ là xâu chuỗi lại những gì đã trải qua từ thời thơ ấu của mình. Với tôi, từng mảng ký ức vụn là cả một trời thương nhớ, từ chái bếp nhà quê cho đến nồi mắm kho, trái bần chín hay nhịp quết bánh phồng ngày Tết… Tôi cố gắng viết làm sao vừa thật, vừa chân thành, vừa chạm được miền ký ức của người khác cùng có thời thơ ấu như mình. Đến bây giờ tôi vẫn luôn nghĩ không biết mình có đủ sức khai thác hết mảng ký ức vụn đã góp phần nuôi lớn tâm hồn mình không. Và chuyện hấp dẫn hay không, theo tôi, còn phụ thuộc vào sự chân thành của người viết nữa. Tôi luôn hướng ngòi bút của mình đến điều đó.

*  Từng là một “hiện tượng” thơ trẻ của văn học ĐBSCL, sau hơn chục năm gắn bó với văn chương, chị tự nhận thấy “hiện tượng” ấy bây giờ ra sao?

- “Hiện tượng” là cách nghĩ, cách gọi của người khác, có khi vì sự quý mến nhau mà cô chú, anh chị và bạn bè đã dành cho tôi mỹ từ ấy. Nghề nào cũng vậy, kể cả nghề viết, khi người khác biết đến chút tên tuổi của mình, thì trước đó, họ đã có quá trình lao động cần mẫn lâu dài rồi. Cho tôi xin tự “đính chính” một chút về mình: Cá nhân tôi thấy mình chưa từng là “hiện tượng”, vẫn còn phải học hỏi nhiều lắm. Tuy nhiên, với tôi, bây giờ khi bắt đầu “có tuổi”, tôi suy nghĩ cũng khác và viết cũng khác trước, tôi nghĩ nhiều đến chiều sâu sau chữ nghĩa hơn.

* Nhiều người cho rằng, sáng tác thơ bây giờ là phải mới, phải phá cách nhưng cũng có không ít người nhận định: Dường như sự phá cách của thơ trẻ bây giờ đang “mất dần kiểm soát”. Chị suy nghĩ gì về điều này?

- Tôi nghĩ nhận định sự phá cách của thơ trẻ bây giờ đang “mất dần kiểm soát” không phải không có cơ sở. Tôi quan sát và thấy rằng, hiện tượng “chín ép” trong văn chương ngày có chiều hướng gia tăng, tôi nói trên bình diện chung chứ không phải chỉ đề cập ở phạm vi ĐBSCL. Riêng thơ trẻ miền Tây, theo tôi, vẫn đang trong dòng chảy nhẹ nhàng và âm ỉ, với nhiều tên tuổi đã được định danh như: Lê Quang Trạng, Nguyễn Đức Phú Thọ, Vĩnh Thông, Nguyễn Chí Ngoan… Chúng ta nên chờ sự bứt phá của những gương mặt thơ trẻ này.

* Xin cám ơn chị!

“Yêu đến thương xót quê hương. Sống kỹ lưỡng và ân cần với quê hương. Cả hai điều đó cùng hòa huyết mà cất tiếng, làm nên tản văn Huỳnh Thúy Kiều. Kiều thật lòng sống và thật lòng viết. Tản văn của Kiều ắp đầy tri thức văn hóa bản địa. Để sống được lâu, chinh phục được bạn đọc, tản văn nhất thiết phải có cá tính. Tản văn Huỳnh Thúy Kiều đã có được một giọng văn rất riêng, không lẫn”.
(Nhà nghiên cứu phê bình văn học Văn Giá)

 

ĐĂNG HUỲNH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết