23/04/2021 - 08:33

Tức Dụp từ huyền thoại đến sự thật 100% 

Những ngọn núi cao quanh năm mây phủ, huyền ảo như cõi bồng lai. Những vách đá cheo leo cùng với nhiều hang động chứa đựng truyền thuyết kỳ bí, như hư như thực và có cả những câu chuyện bi tráng lẫn kiêu hùng mãi mãi còn đọng lại. Tức Dụp, từ hàng ngàn năm qua vẫn ẩn chứa nhiều sự mới mẻ. Trong đó, phải kể đến câu chuyện dòng nước thiêng dâng lên từ trong lòng núi, ấp ôm giai thoại đầy mê hoặc và chiều dài lịch sử sống động.

Từ truyền thuyết 

Theo truyện kể dân gian, thuở sơ khai trời đất, các tiên nữ thường xuống đỉnh Cô Tô dạo chơi, trêu đùa... khi đã nhàm chán thú tiêu dao, các nàng tiên cùng nhau thi ném đá từ trên núi xuống, đến khi thấm mệt thì một dãy đồi nhỏ cũng hiện trong bóng mờ của màn đêm, dưới chân đồi bỗng trào lên một dòng nước trong vắt tuôn chảy…

Tức Dụp - ngọn đồi thiêng mang trong mình huyền thoại về những nàng tiên nữ.

Qua hàng trăm triệu năm sau, người dân tìm đến khai hoang mở đất. Mùa hạn, cái nóng ở đây khiến người ta phải nhụt chí vì thiếu nước uống. Trong giấc ngủ thiếp đi, tiếng suối róc rách như vang vọng bên tai và giật mình tỉnh giấc.

Vui mừng về điều này, người dân sống trong vùng đốt đuốc, cùng nhau phá đá, khơi dòng cho con suối ngầm chảy ra. Và mọi người đã đặt tên ngọn đồi có dòng suối chảy qua này mang tên Tuk Chup, theo tiếng Khmer có nghĩa là nước chảy trong đêm, về sau đọc trại ra là Tức Dụp.    

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, đồi Tức Dụp trở thành căn cứ cách mạng vững chắc, nơi đóng quân của Tỉnh ủy An Giang, Huyện ủy Tri Tôn cùng các lực lượng vũ trang khác. Khi Mỹ đem quân đánh vào Tức Dụp, chúng ngăn chặn tất cả đường tiếp tế thực phẩm và nước uống cho các chiến sĩ ta. Nhờ thông thạo địa hình, các chiến sĩ nhanh chóng tìm ra mạch nước ngầm trong hang để ăn uống, sinh hoạt. Biết được đây là nguồn nước sinh tồn của quân ta, bọn giặc đã dùng bom, đạn, phi pháo tìm cách đánh phá, hòng cắt đứt con đường sống.

Những thướt phim chiến sĩ ta chiến đấu bảo vệ mạch nước ngầm.

Nhưng chính nơi đây, cũng là một trong những vùng "tử địa" khủng khiếp nhất mà chúng đã nếm thất bại. Nhờ vậy, quân ta đã giành chiến thắng trong trận đánh 128 ngày đêm, bảo vệ khu căn cứ và đưa tên tuổi của Tức Dụp vang danh khắp các châu lục.

Đến sự thật được gõ cửa

Năm 1996, Tức Dụp được UBND tỉnh An Giang giao cho Công ty Cổ phần Du lịch An Giang (khi ấy là DNNN) để khai thác dịch vụ. Tuy nhiên, sau hơn 2 thập kỷ nguồn nước thiêng vẫn an yên sâu thẳm dưới lớp đất phủ dày, không ai tìm ra, tưởng chừng chỉ còn là giai thoại. Trong một chuyến khảo sát, tình cờ có dịp gặp lại người chiến sĩ cách mạng năm xưa, ông Nguyễn Hữu Khánh (tự Út Vũ) - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang. Thăm lại chiến trường xưa, ông bồi hồi xúc động kể lại trận đánh 128 ngày đêm oanh liệt của quân ta và cả những câu chuyện đầy khó khăn về quá trình khai thông "long mạch" Thất Sơn.

Lãnh đạo công ty du lịch này đã cùng các nhà địa chất bắt tay vào khảo sát, nghiên cứu. Chỉ trong vòng 3 ngày, họ đã tìm ra hang động có dòng nước mát được dâng lên từ trong lòng núi là có thật 100%. Đây quả là một kho báu quý giá mà mẹ thiên nhiên đã tác tạo cho ngọn đồi 2 triệu đô.

Theo chú Út Vũ, cho dù Tức Dụp hứng chịu bao nhiêu lửa đạn, chất độc hóa học rải xuống, nhưng dòng nước ấy lúc nào cũng trong vắt và chưa bao giờ vơi cạn. Nhờ vậy, các chiến sĩ cách mạng được duy trì sự sống, kiên cường bám trụ địa bàn chiến đấu đến ngày đất nước cất cao khúc khải hoàn ca.

Cầu kiều bắc ngang hang động chứa mạch nước ngầm.

Ông Hoàng Văn Thiện - Giám đốc Khu du lịch Tức Dụp cho biết: "Sau những ngày rong ruổi trên các triền đồi, chúng tôi đã khám phá ra hang động huyền bí này. Càng đi sâu vào trong, mới phát hiện nơi đây ẩn chứa một vẻ đẹp cực kỳ cuốn hút, với những kỷ vật do chiến tranh để lại, nhiều bộ xương động vật hóa thạch, len lỏi bên phiến đá là một dòng suối mát chảy róc rách và có hàng trăm chú cá bơi lội, sinh sống..."

Cảnh sắc lung linh dưới chân đồi Tức Dụp.

Ngoài ra, hang động còn chứa cả một hệ thống thạch nhũ lung linh, nhiều màu sắc như: Trắng trong suốt của thạch anh; Xanh ngọc, màu vàng của khoáng chất sắt; Bạc lấp lánh tựa như đá quý của khoáng silicats. Trong đó có những cột nhũ đá cao tới 30m, những viên đá to như những quả trứng khổng lồ. Để du khách có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ nơi đây, đồng thời hiểu hơn sự nhiệm màu mảnh của đất kiên cường. Sắp tới, đơn vị sẽ mở rộng khai thác du lịch thám hiểm tại hang động này.

BẢO NGỌC

Chia sẻ bài viết