Lịch sử sân khấu cải lương Nam bộ ghi nhận hai sự kiện quan trọng vào những năm 1950-1960 là việc ra đời báo chí kịch trường phản ánh hoạt động văn hóa- nghệ thuật (thời bấy giờ chủ yếu là cải lương) và giải thưởng cải lương Thanh Tâm. "Cha đẻ" của hai sự kiện này là nhà báo Trần Tấn Quốc, quen thuộc với độc giả thời đó qua bút danh Thanh Tâm. Có thể nói, nhà báo Trần Tấn Quốc đã góp công lớn quảng bá và cổ súy cho sự phát triển của sân khấu cải lương giữa thế kỷ XX.
Từ trang báo kịch trường
Nhà báo Trần Tấn Quốc sinh năm 1914 tại Cao Lãnh, khởi nghiệp vào năm 1935 với vai trò phóng viên của các báo: Việt Nam, Nhựt báo, Công luận và Truyền tin, Điện tín. Từ năm 1946-1970, nhà báo Trần Tấn Quốc là chủ bút, giám đốc chủ bút nhiều tờ báo uy tín của miền Nam thời bấy giờ như Tiếng dội miền Nam, Điều tra phóng sự, Lẽ sống, Buổi sáng, Đuốc nhà Nam
Ông viết về nhiều đề tài, nhưng để lại dấu ấn đậm nét ở mảng sân khấu kịch trường.
Theo tác giả Trần Nhật Vy trong cuốn "Ba nhà báo Sài Gòn", từ năm 1950, sau khi tiếp quản tờ Tiếng dội miền Nam (còn gọi là Tiếng dội) từ đồng nghiệp Phan Văn Thiết, Trần Tấn Quốc đã mở trang kịch trường đầu tiên trong làng báo Sài Gòn, phản ánh không khí sôi động của sân khấu cải lương đương thời. Theo nhiều tài liệu, Trần Tấn Quốc đam mê cải lương từ nhỏ, có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực này. Bởi vậy, ông đảm trách tất cả các khâu của trang kịch trường, từ chọn bài, biên tập đến xuất bản. Tác giả Trần Nhật Vy ghi nhận, có lần nghệ sĩ Năm Châu kể lại với giới ký giả kịch trường Sài Gòn rằng: Ở Sài Gòn có trên 10 rạp cải lương, đêm nào cũng có hát, chưa kể miền Lục tỉnh Nam kỳ, từ Mỹ Tho dài xuống Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá
Nếu tin tức về cải lương lên báo thì không riêng gì khán giả mộ điệu sẽ mua báo theo dõi mà rất nhiều thành phần khác có liên hệ làm ăn với nghệ thuật sân khấu cũng cần tờ báo. "Ông Quốc chăm lo kỹ lưỡng trang kịch trường là do vấn đề thương mại, chỉ nội người ham mê cải lương mua báo, ông Quốc cũng bỏ tiền nặng túi rồi!"- NSND Năm Châu kể. Như vậy, từ những năm 1950, mảng thông tin văn nghệ trở thành trang yêu thích trên các tờ báo.
Theo dõi tờ Tiếng dội từ năm 1950 đến năm1954- thời điểm đình bản, dễ dàng nhận thấy sự phát triển của trang kịch trường. Năm 1950, hoạt động cải lương chỉ có vài tin ở trang 2, và không phải tuần nào cũng có. Dần dà, đề tài kịch trường, sân khấu chiếm trọn trang 2. Đến năm 1953, mỗi tuần trang thông tin kịch trường xuất hiện cố định trên số báo thứ Tư và thứ Bảy, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu độc giả. Thời gian Tiếng dội viết về Đoàn Hoa Sen với những vở gây chấn động dư luận như: "Đoàn chim sắt", "Mộng hòa bình", "Nợ núi sông"... thì trước báo quán Tiếng dội trên đường Lagrandière diễn ra cảnh tranh nhau mua báo.
Nhà báo Trần Tấn Quốc từng tâm sự trên các báo, trang kịch trường của ông thu hút là bởi nối liền sân khấu và đời thực, rút gần khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả. Thời ấy, một bộ phận người dân coi nghệ sĩ cải lương là "xướng ca vô loài" nhưng nhờ những trang báo Tiếng dội, họ đồng cảm và sẻ chia hơn với đời nghệ sĩ. Đặc biệt, rất nhiều bài báo đấu tranh giành quyền lợi cho nghệ sĩ, lên án việc bầu gánh ăn chặn, vắt kiệt sức, hà khắc
Nhờ đó mà trang kịch trường của Tiếng dội rất sinh động.
Tác giả Đỗ Dũng trong "Sân khấu cải lương Nam bộ" ghi nhận thêm, sau tờ Tiếng dội, các tờ như Nhân loại của Xuân Trúc, Lẽ sống của nhà thơ Kiên Giang- Ngọc Linh
cũng mở trang kịch trường; với hàng loạt nhà văn, nhà báo tiến bộ tham gia như Sơn Nam, Vĩnh Điền, Viễn Phương, Trang Thế Hy, Truy Phong
*
Đến giải thưởng Thanh Tâm
Sau khi Tiếng dội đình bản năm 1954, ông Trần Tấn Quốc tiếp tục làm chủ bút nhiều tờ báo và vẫn nặng lòng với trang kịch trường. Năm 1958, ông có sáng ý thành lập giải thưởng cải lương lấy bút danh Thanh Tâm làm tên giải. Hội đồng là các nhà báo chuyên viết kịch trường và các nghệ sĩ gạo cội. Giải thưởng nhằm mục đích khích lệ và nâng đỡ lớp nghệ sĩ trẻ phấn đấu, giữ nét đẹp của cải lương. Là thành viên của hội đồng, nhà báo Hoài Ngọc kể lại trong "Nghệ thuật cải lương- những trang sử" rằng, 3 yếu tố để xét chọn nghệ sĩ trao giải là thanh (làn hơi), sắc (sắc vóc) và đạo đức. "Dĩ nhiên nghệ sĩ muốn có được tương lai hứa hẹn thì phải có thanh và sắc còn phần đạo đức, theo lời người sáng lập Giải Thanh Tâm, là cốt ngăn chặn, kiềm chế phần nào nếp sống thác loạn, tai hại có thể xảy ra đối với nghệ sĩ"- ký giả Hoài Ngọc kể. Và theo ông, quả thật, trong suốt gần 10 năm Giải Thanh Tâm tồn tại, giới nghệ sĩ trẻ gìn giữ tối đa nếp sống mẫu mực, tận tình trau dồi nghề nghiệp để được vinh danh. Ban giám khảo sẽ đi xem tất cả các vở tuồng trong năm, chọn ra tuồng hay, nghệ sĩ giỏi rồi cuối cùng mới ngồi lại bình bầu. Vì thế, nghệ sĩ phải luôn trong tư thế phấn đấu suốt cả năm, hết năm này sang năm khác
|
NSND Lệ Thủy - Chủ nhân Giải Thanh Tâm 1964 - đến nay vẫn khẳng định tài năng và cống hiến nhiều cho sân khấu cải lương. Ảnh: DUY KHÔI |
Giải Thanh Tâm được trao lần đầu tiên vào ngày 4-4-1959 và nghệ sĩ đầu tiên được vinh danh là cố nghệ sĩ Thanh Nga- khi ấy mới 16 tuổi. Hằng năm, giải chọn trao cho 2 nghệ sĩ, 1 nam và 1 nữ, nhưng mùa đầu tiên chỉ chọn được nghệ sĩ Thanh Nga và nhiều mùa tiếp theo thì số lượng tăng do tìm được nhiều người xứng đáng. Từ năm 1965, Giải Thanh Tâm có thêm hạng mục "Nghệ sĩ xuất sắc" và "Tuồng hay nhứt trong năm". Nếu như hạng mục "Nghệ sĩ nhiều triển vọng nhất" quy định độ tuổi từ 13-21, vào nghề trên 6 tháng và có mặt ít nhất 3 vở diễn trong năm thì hạng mục "Nghệ sĩ xuất sắc" không giới hạn tuổi, chọn người gạo cội, có nhiều cống hiến và được khán giả mộ điệu đánh giá cao.
Trong cuốn "Nghệ thuật cải lương- những trang sử", soạn giả Trương Bỉnh Tòng thống kê các năm trao giải của Giải Thanh Tâm:
- 1958: Thanh Nga
- 1959: Lan Chi, Hùng Minh
- 1960: Ngọc Giàu, Bích Sơn
- 1961: Thanh Thanh Hoa
- 1962: Ngọc Hương, Ánh Hồng
- 1963: Bạch Tuyết, Kim Loan, Ánh Loan, Tấn Tài, Diệp Lang, Thanh Tú
- 1964: Lệ Thủy, Thanh Sang
- 1965: Bạch Tuyết (xuất sắc), Bo Bo Hoàng, Thanh Nguyệt (triển vọng), vở "Nỗi buồn con gái", tức "Tần Nương thất" của Hà Triều- Hoa Phượng, vở "Nước biển mưa nguồn" của Nguyễn Thành Châu, vở "Tiếng hạc trong trăng" của Yên Ba- Loan Thảo
- 1966: Thanh Nga, Thành Được (xuất sắc), Phượng Liên, Phương Quang (triển vọng)
- 1967: Ngọc Giàu, Thanh Hải (xuất sắc), Ngọc Bích, Mỹ Châu, Bảo Quốc, Phương Bình (triển vọng).
Có thể nói, Giải Thanh Tâm không chỉ làm rạng danh cải lương mà còn chắp cánh cho nhiều nghệ sĩ. Điển hình là NSND Diệp Lang. Trước năm 1963 vài năm, ông bị "hư hơi"- một căn bệnh thường gặp trong giới nghệ sĩ- khiến giọng không còn âm vang, trầm bổng như xưa. Ông dự định bỏ nghề nhưng rồi nhìn bạn bè được vinh danh trong Giải thưởng Thanh Tâm, ông quyết tập luyện, trau dồi. Kết quả là ông đã được trao thưởng vào năm 1963, năm sau ông được trao bằng danh dự "nghệ sĩ giữ phong độ tốt". Hay như chính lời nghệ sĩ Phượng Liên- Giải Thanh Tâm 1966 kể rằng, lúc còn nhỏ bà đã mê cải lương, nhất là nghệ sĩ Bích Sơn hát tuồng "Khi hoa anh đào nở" giành Giải Thanh Tâm năm 1960. Nghệ sĩ Phượng Liên nói với mẹ: "Con sẽ phấn đấu, lớn lên sẽ đạt giải này cho má coi!". 6 năm sau bà đã thực hiện được lời nói ấy.
Có thể nói, Giải Thanh Tâm không chỉ phát hiện, cổ vũ tinh thần yêu nghề kính nghiệp của các nghệ sĩ đương thời; mà đến tận hôm nay 24 nghệ sĩ từng nhận Giải Thanh Tâm đều có đóng góp xứng đáng cho cải lương và trở thành những cây đa, cây đề, là tấm gương để những thế hệ nghệ sĩ tiếp bước học hỏi. Một điều đáng suy ngẫm khi ở giải thưởng thời ấy, đạo đức là tiêu chí quan trọng. Nghệ sĩ không chỉ diễn một lần để chấm như bây giờ mà là cả quá trình phấn đấu dài hơi. Vì vậy, tài- sắc- đức- nhân của người nghệ sĩ được phát tiết tối đa.
Năm 1968, Giải Thanh Tâm ngưng hoạt động nhưng Giải thưởng cùng "cha đẻ" của nó vẫn được nhiều người nhắc đến. Hiện Cao Lãnh quê ông và TP Hồ Chí Minh đều có đường mang tên Trần Tấn Quốc. Năm 1977, soạn giả Viễn Châu viết tặng nhà báo Trần Tấn Quốc 2 câu đối như ghi công ông trong sự nghiệp báo chí kịch trường:
"Công nhân, Tiếng dội, Buổi sáng, Đuốc nhà Nam, Giải Thanh Tâm gắng sức vun bồi, duyên bút mực, nghiệp báo chương, xếp lại thành trang, đất Cao Lãnh bao dài bao nuối tiếc;
Phùng Há, Năm Châu, Ba Vân, Lê Thị Phỉ, làng ca kịch góp công tô điểm, nợ phấn son, tình sân khấu, tàn rồi mộng ước, sông Đình Trung mấy khúc mấy u sầu".
Đăng Huỳnh
Tài liệu tham khảo:
- "Dưới ánh đèn sân khấu", nhiều tác giả, Sở VH-TT Tây Ninh, 1987;
- "Nghệ thuật cải lương những trang sử", Trương Bỉnh Tòng, Viện Sân khấu, 1997;
- "Sân khấu cải lương Nam Bộ", Đỗ Dũng, NXB Trẻ, 2003;
- "Ba nhà báo Sài Gòn", Trần Nhật Vy, NXB Văn hóa Văn nghệ, 2015.