17/06/2021 - 11:57

Biến đổi khí hậu và môi trường

Từ nhận thức đến hành động ở lớp trẻ 

Biến đổi khí hậu và suy giảm chất lượng môi trường đang là một thử thách lớn mà các quốc gia đang phát triển và cộng đồng xã hội phải đối mặt với các biểu hiện tiêu cực ngày càng thấy rõ. Phân tích đầy đủ căn nguyên của sự phát thải khí nhà kính, tiêu thụ năng lượng và các nguồn tài nguyên đều xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn của con người. Trong đó có lớp trẻ, tuổi từ 15 đến 35.

Các học sinh tranh luận về những vấn đề nhận thức về biến đổi khí hậu. Ảnh: Ch.L

Các học sinh tranh luận về những vấn đề nhận thức về biến đổi khí hậu. Ảnh: Ch.L

Rất nhiều báo cáo khảo sát cho thấy ở giai đoạn tuổi này có nhu cầu mua sắm vật dụng cá nhân, thời trang, ăn uống, đi lại, giải trí, tiêu thụ nhiên liệu, sử dụng thông tin... cao hơn các nhóm tuổi khác. Xu hướng quảng cáo các sản phẩm ra thị trường trong chiến lược thích ứng, các nhà kinh doanh đều chú trọng đặc biệt đối tượng thanh thiếu niên. Tiêu thụ nhiều tất nhiên liên quan đến phát thải các chất gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và chất rắn cao như một tương quan nguyên nhân và hệ quả.

Nhiều chuyên gia giáo dục đã khẳng định ý thức bảo vệ môi trường, duy trì hệ sinh thái và tránh xâm hại quá mức các nguồn tài nguyên phải từ ý thức con người. Chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc cũng nhấn mạnh giáo dục môi trường, bao gồm cả truyền thông về biến đổi khí hậu, là một quá trình nhằm phát triển ở người học những hiểu biết và quan tâm trước những vấn đề môi trường, bao gồm: kiến thức, thái độ, hành vi, trách nhiệm và khả năng để tự mình và cùng tập thể đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề môi trường trước mắt cũng như lâu dài.

Giáo dục môi trường cho thanh thiếu niên cũng như cho cộng đồng, bao gồm những hoạt động giáo dục và truyền thông chính quy cũng như không chính quy. Trong một tài liệu năm 2013 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), liên quan đến chủ đề Thúc đẩy chuyển đổi sang Tăng trưởng Xanh trong các định hướng hoạt động môi trường của giai đoạn 2013-2020 tại các quốc gia vùng châu Á - Thái Bình Dương, có nhấn mạnh cần có các cải cách pháp lý và chính sách địa phương tạo điều kiện cho tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự trong quản lý tài nguyên địa phương bền vững, cụ thể: “Cải cách pháp lý và chính sách địa phương trong các lĩnh vực như quyền về tài nguyên là cần thiết để tăng cường việc trao quyền cho các cộng đồng và tạo ra động cơ khuyến khích quản lý tài nguyên địa phương bền vững. Điều này sẽ đòi hỏi sự tham gia của xã hội dân sự, bao gồm các nhóm bảo vệ môi trường và “các tổ chức giám sát” trong xã hội dân sự”.

Giáo dục và truyền thông môi trường, kể cả mục tiêu tăng cường nhận thức về biến đổi khí hậu đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Có 5 mục tiêu chính trong giáo dục môi trường, đó là kiến thức, nhận thức, thái độ, kỹ năng và sự tham gia (Hình 1), có thể mô tả như sau:

Kiến thức (Knowledge) là nền tảng cần thiết phải trang bị và cung cấp cho cá nhân và cộng đồng hiểu được tính chất của môi trường sống (đất, nước, không khí và sinh vật) cũng như mối quan hệ tương quan với con người. Do vậy, việc giáo dục môi trường là hoạt động thúc đẩy và tạo nên sự hiểu biết.

Nhận thức (Awareness) hình thành từ hiểu biết và kiến thức như là một quá trình liên tục. Qua chương trình và hoạt động giáo dục môi trường nhận thức của từng cá nhân và cộng đồng cũng như chính quyền địa phương được hình thành, củng cố, duy trì và phát triển, lan tỏa.

Thái độ (Attitude) liên quan đến hành vi của từng người và cộng đồng, từ đó tạo được những hành động cụ thể bảo vệ môi trường, cải thiện hệ sinh thái, cũng như ứng phó các thay đổi bất lợi từ biến đổi khí hậu hay thiên tai.

Kỹ năng (Skills) liên quan đến năng lực tiến hành và thực hiện phương cách xác định, dự báo, ngăn ngừa, kiểm soát, xử lý các vấn đề môi trường cũng như khả năng huy động cộng đồng cùng tham gia bảo vệ môi trường.

Sự tham gia (Participatory) đóng vai trò lớn trong việc hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm và bảo vệ môi trường, bao gồm cộng đồng góp ý và phản biện các chính sách môi trường, kiểm soát các hoạt động xả thải, giữ gìn sự trong sạch của nguồn nước, đất, không khí, đa dạng sinh học và duy trì hệ sinh thái bền vững. Sự tham gia của cộng đồng quyết định sự bền vững của các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi cộng đồng đó sinh sống.

Các khảo sát nhanh của Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ trong hơn 10 năm qua (2008-2019), qua các dự án phát triển cộng đồng cho thấy nhận thức và hiểu biết của người dân, trong đó các đối tượng thanh niên, sinh viên, học sinh, liên quan đến biến đổi khí hậu, thích ứng cho sinh kế và chính sách tăng lên.

Thời gian vừa qua, đã có những hoạt động mang tính cộng đồng trong bảo vệ môi trường với sự hỗ trợ, tài trợ của một số tổ chức của nhà nước và doanh nghiệp. Các hoạt động này đã đem lại một số hiệu quả nhất định trong giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước, hạn chế rác thải và đặc biệt là sự tham gia của người dân trong cộng đồng, trong đó lực lượng tiên phong là các thanh niên, có ý nghĩa quan trọng. Có thể dẫn chứng một số hoạt động tiêu biểu như các Chương trình Thanh niên với “Hành động Xanh” do Đài Truyền hình Việt Nam phát động, “Nhóm tình nguyện ngày thứ 7 sạch - chung tay bảo vệ môi trường” do Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam khởi xướng, “Lan tỏa hành động xanh - Giảm thiểu rác thải nhựa” do Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp cùng UBND TP Hạ Long, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Thành đoàn Hạ Long tổ chức, các chương trình Trồng cây xanh” do Hướng đạo Việt Nam thực hiện,…

Truyền thông giáo dục môi trường và biến đổi khí hậu là một tiến trình dài bền bỉ, chuyển tải có nội dung (vấn đề gì tác động đến môi trường và đâu là hành động thích ứng hiệu quả) để người nhận nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thích hợp trong cuộc sống, góp phần bảo vệ môi trường chung và giảm thiểu dần sự phát thải khí nhà kính trên quy mô toàn cầu.

Hoạt động truyền thông môi trường không phải là phong trào phát triển theo từng sự kiện hay ngày lễ mà phải có những đánh giá hiệu quả, tính bền vững tránh phô trương, lãng phí tốn kém tiền bạc và thời gian. Phải đặt công tác truyền thông môi trường như một khoa học ứng dụng, phân tích các trở ngại, nguyên tắc và các yếu tố tham gia trong giáo dục môi trường thông qua truyền thông cộng đồng góp phần giúp cho hoạt động biến đổi khí hậu, truyền thông môi trường thông qua giáo dục sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến thái độ và hành vi của cộng đồng. Từ đó thúc đẩy sự tự nguyện tham gia vào các hoạt động thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu cũng như kêu gọi những người khác cùng tham gia tạo ra các kết quả mang tính đại chúng.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Trường Đại học Cần Thơ

Chia sẻ bài viết