24/03/2015 - 19:56

KỶ NIỆM 84 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26/3/1931 – 26/3/2015)

Tự hào tiếp bước dưới cờ Đảng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết lòng thương yêu và đặt nhiều niềm tin vào thế hệ trẻ. Người nhấn mạnh: "Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi mới thật là thanh niên". Dưới sự dìu dắt của Đảng và Bác Hồ, 84 năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trui rèn nhiều thế hệ thanh niên ưu tú, có hoài bão, lý tưởng, khát khao cống hiến sức trẻ, tri thức cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Cùng với cả nước, thế hệ trẻ đang sinh sống, công tác ở TP Cần Thơ luôn phấn đấu học tập, rèn đức, luyện tài để ngày càng trưởng thành và có đóng góp thiết thực cho thành phố, xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng, của Bác Hồ kính yêu…

Bài 1: ĐAM MÊ SÁNG TẠO...

Học tập, làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng những bạn trẻ mà chúng tôi đã gặp có chung một niềm say mê nghiên cứu khoa học. Người thì mài mò lai tạo nhiều giống lúa với năng suất và hiệu quả kinh tế cao; người sáng chế nhiều vật liệu mới, cải tiến quy trình sản xuất giúp nông dân vươn lên làm giàu... Họ khát khao được góp sức trẻ phục vụ cho cộng đồng, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Những tài năng khoa học trẻ

Sáng sớm, sau khi đưa hai con nhỏ đến trường, Thạc sĩ Cao Lưu Ngọc Hạnh, Giảng viên Bộ môn Công nghệ hóa học, Khoa Công nghệ (Trường Đại học Cần Thơ) lại tất bật với công việc, lúc thì chị hướng dẫn sinh viên ở phòng thí nghiệm, khi thì ở nhà xưởng. Đó là chưa kể khoảng thời gian chị phải trực tiếp đứng lớp hướng dẫn sinh viên học phần Kỹ thuật chế biến cao su, Vật liệu phi kim loại và các học phần thực tập khác. Với chị, nghề giáo là ngã rẽ thú vị, nhưng niềm đam mê nghiên cứu hóa học thì đã được chị ấp ủ từ khi còn là cô nữ sinh ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Đam mê môn hóa học từ nhỏ nên sau khi tốt nghiệp THPT, chị thi tuyển vào ngành Công nghệ hóa học. Đến nay, dù chỉ hơn 6 năm công tác tại Khoa Công nghệ, chị Hạnh đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao. Trong đó, Đề tài "Nghiên cứu vật liệu composite nền nhựa phân hủy sinh học gia cường bằng sợi xơ dừa" do chị làm chủ nhiệm đề tài vinh dự được giải Ba - Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam. Theo chị, để từng bước tạo ra loại vật liệu mới thân thiện với môi trường đồng thời tận dụng các nguồn phụ phẩm phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chị đã thực hiện việc nghiên cứu phương pháp tổng hợp màng polymer phân hủy sinh học có khả năng tương hợp với sợi xơ dừa để sản xuất vật liệu composite. Nghiên cứu này không những góp phần tạo nên bước đột phá lớn cho ngành vật liệu composite, mà còn nâng cao giá trị kinh tế của cây khoai mì và cây dừa, đồng thời còn nhằm mục đích bảo vệ môi trường.

Đam mê hóa học, tài năng khoa học trẻ - Thạc sĩ Cao Lưu Ngọc Hạnh, Giảng viên Bộ môn Công nghệ hóa học, Khoa Công ghệ (Trường Đại học Cần Thơ) đã tham gia thực hiện nhiều đề tài khoa học hữu ích. Ảnh: Q. THÁI

Hay như đề tài "Hoàn thiện công nghệ tách sợi, chế tạo các dạng bán thành phẩm từ sợi dừa và ứng dụng cho vật liệu composite" mà chị đang tham gia thực hiện, cũng xuất phát từ mục tiêu giúp nhiều hộ ở Bến Tre nâng cao năng suất lao động, tăng giá thành sản phẩm thông qua ứng dụng công nghệ tách sợi hiện đại. Vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu, công việc bộn bề, nhưng với chị Hạnh đó là niềm vui sáng tạo, sự khao khát được đóng góp trí tuệ và cống hiến sức trẻ giúp ích cho cộng đồng. Suy nghĩ vậy nên dù công việc vất vả bội phần, chị vẫn quyết tâm nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ. Tháng 3 năm 2015, chị nhận bằng Thạc sĩ Công nghệ hóa học và dự kiến sẽ nghiên cứu sinh với chuyên ngành Công nghệ hóa học của Viện Kyoto (Nhật Bản).

Từng hướng dẫn nhiều sinh viên nghiên cứu khoa học, chị Hạnh tâm đắc cho rằng: "Điều đáng quý là nhiều sinh viên hiện nay luôn nỗ lực học tập, khát khao sáng tạo, cống hiến cho đất nước. Minh chứng là từ năm 2012 đến nay, phong trào nghiên cứu khoa học trong cán bộ trẻ và sinh viên khá sôi nổi". Theo báo cáo của Đoàn Trường Đại học Cần Thơ, giai đoạn 2012 – 2014, đoàn viên và sinh viên trường đã thực hiện 105 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có nhiều đề tài đạt giải thưởng trong nước và quốc tế, như: Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam, cuộc thi Năng động Pháp ngữ (khu vực Châu Á – Thái Bình Dương), Lập trình viên Quốc tế ACM/ICPC…

Trong số 14 giảng viên trẻ và sinh viên đoạt giải Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2014, có nhiều sinh viên nhận học bổng du học hoặc phát triển nghề nghiệp trong nước. Có thể kể đến như Nguyễn Hoài Thương – Giải khuyến khích Tài năng khoa học trẻ Việt Nam. Vừa tốt nghiệp ngành Hóa dược, Khoa Khoa học tự nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) Thương đã đầu quân làm việc tại Công ty chứng nhận và giám định Vinacert (văn phòng tại Cần Thơ). Vốn sinh ra trong gia đình nông dân, Hoài Thương cho rằng, thế mạnh của vùng ĐBSCL là có nguồn thực phẩm phong phú, như: Trái cây, rau màu… "Làm sao để chất lượng nông sản ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang những thị trường khó tính ?" Đó là điều khiến Thương trăn trở từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cũng vì vậy, Thương xin vào làm tại một công ty chuyên thử nghiệm hóa – sinh (kiểm tra chất lượng nông sản, thức ăn chăn nuôi) và giám định chất lượng ISO, với vai trò là kiểm nghiệm viên. Quá trình tham gia nghiên cứu khoa học đã trang bị cho Thương vốn kiến thức vững vàng, kỹ năng làm việc độc lập, khả năng phân tích, xử lý tình huống trong phòng thí nghiệm khá tốt – đó là nền tảng để Thương tự tin hơn trong công việc mới. Hoài Thương tâm sự: "Đất nước càng phát triển, vì vậy, người trẻ cần tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng và nghề nghiệp vững vàng. Có như thế mới có thể góp sức đưa đất nước sánh kịp với bạn bè trên thế giới…".

Tình yêu mãnh liệt với… cây lúa

Thời gian qua, lực lượng cán bộ trẻ ở Viện Lúa ĐBSCL đã tham gia, thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, có giá trị ứng dụng thực tiễn cao. Anh Lê Văn Trạng, Phó Bí thư Đoàn cơ sở Viện Lúa ĐBSCL cho biết, hằng năm, Đoàn cơ sở đều tổ chức Hội nghị báo cáo khoa học trẻ nhằm giúp cán bộ trẻ chia sẻ ý tưởng, đề tài nghiên cứu, đồng thời trang bị kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học. Mỗi cán bộ trẻ ở Viện đều thực hiện hoặc tham gia nghiên cứu khoa học, trong đó có nhiều đề tài cấp nhà nước, quốc tế. Tính đến nay, đã có 6 cán bộ trẻ vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Giải thưởng Lương Định Của dành cho những nhà khoa học có đề tài mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân.

Thạc sĩ Lê Thị Mỹ Nhung, cán bộ Bộ môn Di truyền và chọn giống, Viện Lúa ĐBSCL làm việc trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Q. THÁI

Điển hình như Thạc sĩ Lê Thị Mỹ Nhung (31 tuổi), cán bộ bộ môn Di truyền và chọn giống (Viện Lúa ĐBSCL) đã tham gia thực hiện 5 đề tài nghiên cứu khoa học. Nói về Đề tài: "Nghiên cứu chọn tạo giống lúa thơm kháng rầy cho vùng ĐBSCL" (từ năm 2008 đến 2010), chị kể những ngày đầu tham gia nghiên cứu, chị vẫn còn cảm giác ngỡ ngàng, hụt hẫng khi bắt tay vào việc lai tạo, chọn dòng, phân tích mẫu lúa bởi khi ấy chị vừa tốt nghiệp chuyên ngành Trồng trọt của Trường Đại học Cần Thơ. Biết kiến thức thực tế của mình hạn chế, chị không ngừng tìm tòi, học hỏi đồng nghiệp, tự mài mò nghiên cứu tài liệu để nâng cao kiến thức chuyên môn. Sinh ra và lớn lên ở phường Cái Khế (quận Ninh Kiều) từ một cô gái không phân biệt được cỏ với lúa, giờ chị đã biết cấy mạ. Theo Nhung, làm việc trong môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp còn cực hơn nhà nông, bởi công việc đòi hỏi phải đội nắng lội ruộng, theo sát quá trình gieo sạ, cách bón phân thuốc, ghi chép số liệu trong từng giai đoạn phát triển của cây lúa. Chị kể, tới mùa gieo mạ hoặc đến kỳ thu hoạch, cũng như nông dân, người nghiên cứu cũng khăn gói ra đồng từ sáng sớm, nhưng công việc còn vất vả hơn bởi chị phải thu mẫu, đo đếm các chỉ số nông học, tình trạng sâu rầy rồi về phòng phí nghiệm phân tích mẫu lúa… Sau 2 năm nghiên cứu, việc lai tạo giống lúa OM 4218 được ứng dụng sản xuất ở một số tỉnh, thành ĐBSCL; có ưu điểm kháng được một số sâu rầy, thích hợp với nhiều vùng đất và đạt năng suất cao.

Nhung tâm sự: "Người dân ĐBSCL bao đời nay sống nhờ cây lúa và cây lúa cũng làm nên thương hiệu của quốc gia. Tâm nguyện của tôi là dành nhiều thời gian nghiên cứu, lai tạo nhiều giống lúa ngắn ngày, giống lúa lai với năng suất và hiệu quả kinh tế cao". Do thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nguồn nước ngọt dần cạn kiệt, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng lan rộng, vì vậy, để thích ứng, người nông dân cần có giống lúa thích hợp có thời gian sinh trưởng khác nhau và kháng sâu bệnh tốt. Theo chị, các giống lúa cực ngắn và ngắn ngày (90 đến 100 ngày) có những đặc tính tốt về năng suất và chất lượng đạt chuẩn xuất khẩu rất thích hợp với vùng ĐBSCL. Đó cũng là mục tiêu mà đề tài "Nghiên cứu chọn tạo giống lúa cực ngắn và ngắn ngày vùng ĐBSCL" (đề tài do Tiến sĩ Bùi Thị Thanh Tâm làm chủ nhiệm), mà chị có cơ hội tham gia từ năm 2011 đến nay.

Chị Nhung bộc bạch: "Mấy năm nay, ba mẹ hiểu rõ ý nghĩa của công việc tôi đang làm nên mới ủng hộ, chứ những ngày đầu học ngành Trồng trọt, ba mẹ tôi kịch liệt phản đối". Chính niềm đam mê nghiên cứu "cây lúa" cùng với sự động viên, giúp đỡ tận tình của đồng nghiệp đã giúp chị vượt qua khó khăn, vững bước trên con đường nghiên cứu khoa học. "Tôi tâm đắc nhất lời Bác Hồ đã dạy: "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên", gian nan, thử thách là môi trường thực tiễn để thanh niên rèn luyện, trưởng thành" – chị Nhung bộc bạch như vậy khi nói về động lực khiến chị không ngừng nỗ lực, phấn đấu, góp sức xây dựng quê hương.

QUỐC THÁI – QUỲNH LAM

Bài 2: Khát khao cống hiến

Chia sẻ bài viết