06/01/2019 - 08:08

Tự hào mốc son chói lọi, thắm tình hữu nghị! 

“Năm tháng dần đi qua, nhưng chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc ta như một mốc son chói lọi, không phai mờ trong lòng các thế hệ Việt Nam”- Đại tá Hồ Văn Thái, Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân khu 9, đã chia sẻ như thế tại khai mạc triển lãm chuyên đề “Chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam và chế độ diệt chủng”.

Đại biểu tham quan triển lãm. 

Triển lãm giới thiệu gần 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, chia làm 5 mảng chủ đề: “Tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Campuchia trong chiến tranh giải phóng dân tộc”, “Pônpốt, Iêng-Xary xâm chiếm chủ quyền Việt Nam”, “Lực lượng vũ trang Quân khu bảo vệ biên giới”, “Làm nhiệm vụ quốc tế cùng nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng” và “Tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia trong thời kỳ mới”.

Tình đoàn kết keo sơn, gắn bó giữa hai nước Việt Nam và Campuchia đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Sơn Ngọc Minh (Chủ tịch Đảng Cách mạng Campuchia) dày công vun đắp ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, cho đến cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi. Minh chứng cho điều này là hình ảnh được trưng bày tại triển lãm ghi lại khoảnh khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Sơn Ngọc Minh và Chủ tịch Đảng nhân dân cách mạng Lào Souphanouvong tại Chiến khu Việt Bắc vào năm 1954.

Nhiều hiện vật của liệt sĩ là bộ đội quân tình nguyện Việt Nam gây xúc động với  người xem. 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, trong khi cả nước đang ra sức kiến thiết đất nước sau chiến tranh thì tập đoàn Pônpốt, Iêng-Xary (lực lượng Khmer Đỏ nắm chính quyền ở Campuchia) từ ngày 3 đến 5-5-1975 đưa quân xâm chiếm một số đảo của nước ta: Thổ Chu, Hòn Ông, Hòn Bà, Bắc đảo Phú Quốc. Trên tuyến biên giới, đất liền, giữa tháng 5-1975, Khmer đỏ xâm chiến biên giới, có nơi thọc sâu vào lãnh thổ, nhổ cột mốc... Đại tá Hồ Văn Thái, Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân khu 9, cho biết: Đánh đến đâu, chúng bắn giết nhân dân, người già, phụ nữ, phanh thây trẻ em; cướp của, đốt chùa, phá chợ, đốt nhà... gây ra nhiều tội ác “trời không dung, đất không tha”.

Lời kể ấy càng thuyết phục khách tham quan triển lãm với những hình ảnh, hiện vật đầy cảm động. Đó là hình ảnh chợ Ba Chúc, chợ Tịnh Biên (An Giang) tan hoang, điêu tàn vì bị Khmer đỏ tàn phá; là hình ảnh nhân dân ta ở Vĩnh Điều (Kiên Giang) bị Pônpốt sát hại năm 1978; là cảnh hai cháu bé may mắn sống sót khóc trước mộ mẹ đã bị Pônpốt sát hại tại Khánh Hội (An Giang) vào năm 1977... Nhiều người xem đã không cầm được nước mắt với hiện vật là bộ quần áo bông còn bê bết máu của một em nhỏ ở Ba Chúc (An Giang) bị Pônpốt sát hại năm 1978.

Đền Thổ Châu (Kiên Giang) là nơi thờ hơn 500 đồng bào ta đã bị Pônpốt sát hại tháng 5-1975. 

Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra rất quyết liệt. Từ ngày 15-5 đến 14-6-1975, quân ta tham gia chiến đấu giải phóng hoàn toàn các đảo. Ngày 11-6-1977, Pônpốt chuyển hướng tiến công sang tuyến biên giới thuộc tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp. Quân khu 9 tổ chức lực lượng tiến công đẩy địch về đất Campuchia, sau đó rút về bảo vệ biên giới. Đến cuối năm 1978, cùng với lực lượng của Bộ Quốc phòng, Lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã chiến đấu dũng cảm, đánh địch xâm chiếm biên giới Tây Nam, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Những sự kiện lịch sử ấy được tái hiện tại triển lãm qua bản đồ trận tiến công địch tại núi Phú Cường của fBB330; hình ảnh ghi lại Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 tiến công trừng trị bọn Pônpốt xâm lược biên giới trong trận Phú Cường; hay cảnh du kích Đồng Tháp tuần tra biên giới trong mùa nước nổi 1978...

Đại tá Hồ Văn Thái, Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân khu 9, chia sẻ tại buổi khai mạc triển lãm: “Trước cuộc chiến tranh bắt buộc và hành động dã man của bọn Pônpốt, Quân đội nhân dân Việt Nam một lần nữa thực hiện nhiệm vụ chính đáng của mình để bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc”.

 Đáp lời kêu gọi tha thiết của Mặt trận đoàn kết dân tộc, cứu nước Campuchia, Quân đội ta mở cuộc tổng phản công, tiến công trên toàn tuyến biên giới và tiến công làm tan rã quân chủ lực của Khmer Đỏ, giúp nước bạn giải phóng. Ghi lại dấu mốc lịch sử này có những hình ảnh như Sư đoàn 4 Quân tình nguyện Việt Nam cùng bộ đội Campuchia được xe tăng yểm trợ tiến công địch ở sườn đông Ăng Chao, Campuchia ngày 4-1-1979; hình ảnh Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1 Quân tình nguyện Việt Nam cùng bộ đội Campuchia tiến công đánh chiếm sân bay PochenTong, Campuchia ngày 7-1-1979... Minh chứng cho tình hữu nghị keo sơn, người xem ấn tượng với lá cờ 5 ngọn tháp của Ban chỉ huy khu vực 3 - Campuchia tặng Mặt trận 979 Quân tình nguyện Việt Nam với nội dung “Tình đoàn kết liên minh chiến đấu Campuchia - Việt Nam đời đời bền vững”.

Sau khi Pônpốt sụp đổ, Bộ Quốc phòng Việt Nam thành lập Mặt trận 979, tham gia cùng quân tình nguyện Việt Nam giúp Campuchia cứu đói, cứu đau, ổn định cuộc sống; giúp quân đội và chính quyền Campuchia xây dựng lực lượng, truy quét tàn quân Khmer Đỏ. Tình hữu nghị đời đời bền chặt, nghĩa cử quốc tế cao đẹp của Việt Nam được minh chứng sống động qua hình ảnh bộ đội tình nguyện Việt Nam hướng dẫn các lực lượng Campuchia cách bắn súng trường, cách huấn luyện phòng không, cách sử dụng máy thông tin... Và những hình ảnh ấm lòng khách tham quan triển lãm như bộ đội tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Kampốt làm lúa ổn định cuộc sống; bộ đội tình nguyện Việt Nam chia gạo cứu đói nhân dân Campuchia năm 1979; Quân y Sư đoàn 330 khám bệnh cho nhân dân Campuchia... Những nghĩa cử của bộ đội tình nguyện Việt Nam là trong sáng, nhân văn và điều đó đã được nhân dân Campuchia trân quý, mến yêu. Thân thương làm sao một lá cờ đỏ được trưng bày tại triển lãm, do các trường học Campuchia tặng Binh đoàn 98 Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về Tổ quốc năm 1986 bằng song ngữ Khmer - Việt với nội dung: “Chúng em trở lại trường học được là nhờ các anh”.

Sau 10 năm giúp bạn, ngày 26-9-1989, các đơn vị cuối cùng của Quân tình nguyện Việt Nam rút quân về nước theo Hiệp định đã ký kết giữa hai nước. Triển lãm khép lại với chủ đề “Tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia trong thời kỳ mới”. Những hình ảnh lãnh đạo hai nước gặp gỡ, trao đổi lẫn nhau; hoạt động cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia; hay hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng HunSen cắt băng khánh thành cầu Long Bình - Chrey Thom... biểu thị cho tình hữu nghị láng giềng, bang giao tốt đẹp, bền vững của hai nước trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

*

*    *

40 năm trôi qua, chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng mãi mãi là những trang Sử vàng rất đáng tự hào. Khoảng thời gian ấy cũng đủ để khẳng định sự giúp đỡ to lớn, trong sáng, chí nghĩa, chí tình, kịp thời và hiệu quả của Việt Nam đối với Campuchia, như lời khẳng định của Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong buổi gặp mặt chiều ngày 21-6-2017 tại tỉnh Bình Dương nhân kỷ niệm 40 năm ngày ông cùng đồng đội bắt đầu con đường cách mạng cứu đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt: “Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay, dứt khoát là thế”.

Triển lãm chuyên đề “Chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam và chế độ diệt chủng” diễn ra tại Bảo tàng Quân khu 9 (số 6, đường Hòa Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đến cuối tháng 1-2019.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

 

Chia sẻ bài viết