18/10/2014 - 08:35

Từ công tác tổ chức Giải bóng đá U21 quốc gia 2014

Giải bóng đá U21 quốc gia - Cúp Báo Thanh Niên 2014 do Tập đoàn truyền thông Thanh Niên phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức, đã để lại nhiều chuyện bên lề “không vui”, dù giải đấu kết thúc không xảy ra sự cố đáng tiếc nào.

Ông Lê Văn Tâm (bìa phải), Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ trao quà lưu niệm cho đại diện Tập đoàn truyền thông Thanh Niên vào ngày khai mạc Giải bóng đá U21 quốc gia - Cúp Báo Thanh Niên 2014.
 

Trước hết phải kể đến Ban quản lý sân vận động Cần Thơ “kêu oan” là bị Ban tổ chức phê bình bất hợp tác, xử lý công việc cứng nhắc. Tuy nhiên, theo Ban quản lý sân Cần Thơ, có quá nhiều yêu cầu phát sinh không nằm trong kế hoạch khiến “chủ sân” phải xử lý vất vả. Đơn cử như trong thời gian diễn ra giải U21 quốc gia, Ban tổ chức bất ngờ yêu cầu có thêm các trận bóng đá từ thiện. Do không nằm trong kế hoạch và cũng không được thông báo trước nên Ban quản lý sân lúng túng, bị động. Ngoài ra, rắc rối về “quyền” được ra vào các cổng sân vận động, việc bố trí lực lượng giữ xe cho học sinh, sinh viên, việc sửa chữa sân cũng chỉ có công văn chung chung, không cụ thể các khoản cần làm… cũng khiến Ban quản lý sân gặp khó.

Một vấn đề gây tranh cãi không kém là thời gian phát sóng trực tiếp các trận đấu. Đại diện Đài Phát thanh Truyền hình TP Cần Thơ phàn nàn về yêu cầu phát sóng của Ban tổ chức sớm, muộn bất thường, gây khó khăn cho các nhân viên phụ trách phát sóng. Đến nay, vẫn chưa rõ trách nhiệm phối hợp giờ giấc với nhà đài thuộc về Tập đoàn truyền thông Thanh Niên hay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ.

Từ những vấn đề ở giải U21 quốc gia, không khỏi lo lắng cho công tác tổ chức giải U21 quốc tế khai mạc vào ngày 19-10. Đến nay, các bên vẫn chưa thống nhất về chế độ ăn uống của VĐV tham dự giải U21 quốc tế. Tập đoàn truyền thông Thanh Niên đề nghị cho các cầu thủ ăn nhẹ trước khi thi đấu tại khách sạn, theo quy định của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). Tuy nhiên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ không chấp thuận vì theo hợp đồng đã thỏa thuận giữa đôi bên, việc ăn nhẹ của cầu thủ là tại sân vận động. Thực ra, vụ việc này đã được bàn luận khi giải U21 quốc gia chưa kết thúc, nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất.

Đến thời điểm hiện tại, lịch thi đấu giải U21 quốc tế có sự thay đổi, Tập đoàn truyền thông Thanh Niên cho biết đã gởi lịch thi đấu mới đến một số bộ phận, tiểu ban vào những ngày trước, nhưng đến 16-10, Thường trực Ban tổ chức giải lại không nhận được văn bản chính thức nào. Đến ngày 16-10, tức còn 3 ngày nữa khai mạc giải, nhưng Ban tổ chức địa phương chưa nhận được kịch bản chương trình khai mạc. Trước đó, ở giải U21 quốc gia, đến cận ngày khai mạc, Ban tổ chức địa phương mới nhận được chương trình khai mạc nên nhiều việc khá cập rập…

Cùng với giải bóng đá U21 quốc gia và U21 quốc tế, từ đầu năm 2014 đến nay, Cần Thơ đã đăng cai tổ chức nhiều giải thể thao cấp quốc gia, quốc tế, như: Giải vô địch kick-boxing toàn quốc, Hội thao các trường dân tộc nội trú toàn quốc 2014, Đại hội TDTT Người khuyết tật toàn quốc lần thứ V-2014, Giải Cúp bóng rổ các đội mạnh toàn quốc, Giải vô địch Cờ tướng các đấu thủ mạnh toàn quốc, giải Vô địch Karatedo Đông Nam Á, giải Vô địch quần vợt Trẻ thế giới... Mục đích đăng cai tổ chức các giải đấu lớn là nhằm khuấy động phong trào thể thao địa phương, tạo điều kiện cho HLV, VĐV tập luyện, cọ xát nâng cao thành tích, học hỏi thêm kinh nghiệm chuyên môn, công tác tổ chức. Việc khán giả trống vắng trên các khán đài ở các giải đấu, cùng những rắc rối, thiếu sót trong khâu phối hợp tổ chức ở giải U21 quốc gia là những vấn đề cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm để các giải đấu đạt hiệu quả cao hơn.

Bài, ảnh: Xuân Nguyên

Chia sẻ bài viết