15/11/2011 - 22:00

Từ Bãi Xàu hướng về cảng biển quốc tế

Trong khuôn khổ Festilval lúa gạo Việt Nam lần 2 tại Sóc Trăng, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức hội thảo Bãi Xàu (Ba Xuyên)- Sóc Trăng từ cảng biển quốc tế đầu tiên nhìn đến tương lai phát triển. Tại hội thảo này, nhiều nhà khoa học và nhà quản lý cho rằng ĐBSCL là vùng đất có rất nhiều tiềm năng thế mạnh nhưng do còn bất cập về hạ tầng giao thông nên đang là một trong những vùng miền chậm phát triển nhất của cả nước. Để vực dậy tiềm năng, thế mạnh của vùng, nhất thiết cần phải đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc tế và sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông nhằm tạo thuận tiện cho việc đi lại và giảm chi phí vận chuyển hàng hóa…

HẠ TẦNG GIAO THÔNG LÀM GIẢM SỨC CẠNH TRANH

ĐBSCL là kho lương thực, thực phẩm của cả nước. Nơi đây hằng năm đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu. Trong khi đó, mặt hàng công nghiệp phục vụ lại cho ĐBSCL chủ yếu là phân bón, vật liệu xây dựng, nguyên nhiên liệu... Hơn 10 năm qua, Nhà nước đã đầu tư, xây mới nhiều tuyến đường giao thông, rút ngắn khoảng cách giao thương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương trong vùng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ sở hạ tầng giao thông ở ĐBSCL vẫn còn yếu và thiếu. Giao thông trong vùng hiện nay chủ yếu chỉ có đường thủy, đường bộ và đường hàng không, chưa có đường sắt. Đường bộ và đường thủy cũng có nhiều hạn chế, nhất là ở lĩnh vực vận tải hàng hóa. Các yếu tố hạ tầng cơ bản như: tuyến vận chuyển hàng hóa đường bộ cho các phương tiện giao thông, xe tải nặng, xe container (loại 40 feet), xe đông lạnh, bến cảng, kho hàng, hệ thống bốc dỡ hàng... hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Hoạt động giao thương tấp nập tại Cảng Trần Đề – Sóc Trăng. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG 

Ông Phan Chánh Dưỡng, chuyên gia kinh tế (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright), phân tích: “Nhược điểm lớn hơn nữa đó là tốc độ vận chuyển hàng hóa tại ĐBSCL quá thấp so với yêu cầu. Hiện tốc độ vận chuyển hàng hóa bình quân chung trên quốc lộ ở ĐBSCL chỉ khoảng 40 km/h. Hệ thống bốc dỡ hàng tại các đầu mối giao nhận hàng hầu như chỉ bằng thủ công (trừ ở bến cảng lớn). Do đó, chi phí trong giao thông hàng hóa rất cao, làm ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp cũng như sức cạnh tranh của khu vực”. Ông Phan Chánh Dưỡng đưa ra một dẫn chứng, việc vận chuyển một container (loại 40 feet) từ tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đến Cảng Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh chỉ tốn chi phí khoảng 280 USD. Trong khi đó, vận chuyển container hàng từ TP Hồ Chí Minh xuống TP Cần Thơ và sang Campuchia phải tốn chi phí gần 500 USD.

Ông Trần Sinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng nhìn nhận: “ĐBSCL là một vùng có khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua do cơ sở hạ tầng giao thông và cảng biển chưa đáp ứng yêu cầu nên có đến 70% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vào vùng phải thông qua hệ thống cảng ở TP Hồ Chí Minh. Hàng phải được chuyển tải lên TP Hồ Chí Minh đã gây áp lực quá tải cho hệ thống đường bộ và hệ thống cảng ở vùng Đông Nam Bộ, theo đó giá thành tăng cao, giảm sức cạnh tranh cho hàng hóa ở ĐBSCL”.

ĐBSCL hiện có khá nhiều cảng nhưng chủ yếu cảng nhỏ, hơn nữa do luồng sông ra cửa biển thông qua luồng Định An thường xuyên bị cạn do phù sa bồi lắng nên chỉ có thể tiếp nhận tàu có trọng tải nhỏ. Theo các chuyên gia kinh tế, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ về TP Hồ Chí Minh và qua các cảng Đông Nam Bộ đã nâng phí bình quân khoảng 7-10 USD/tấn hàng hóa hay 170 USD/container. Các ngành chức năng và Chính phủ đã mở hướng cho tàu lớn qua cửa Định An bằng xây dựng dự án mở cửa qua kinh Quan Chánh Bố (tỉnh Trà Vinh). Theo dự kiến, dự án này có thể cho tàu vào cụm cảng Cần Thơ khoảng 10.000 tấn (đầy tải) hoặc 20.000 tấn (vơi tải). Dự án được khởi công năm 2009 và dự kiến hoàn thành vào năm 2012. Nhưng thực tế đến nay, tiến độ dự án rất chậm và hướng giải quyết cho cụm cảng Cần Thơ vẫn “chưa sáng”, vẫn còn một khoảng thời gian dài... để đưa vào sử dụng.

TỪ BÃI XÀU HƯỚNG VỀ CẢNG BIỂN QUỐC TẾ

Tại hội thảo “Bãi Xàu (Ba Xuyên)- Sóc Trăng từ cảng biển quốc tế đầu tiên nhìn đến tương lai phát triển”, các nhà khoa học và nhà nghiên cứu đã giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của thương cảng Bãi Xàu - vốn là một thương cảng quốc tế sầm uất ở Nam Kỳ xưa. Thông qua thương cảng này các nhà khoa học và nhà nghiên cứu có các phân tích, đánh giá về năng lực đóng góp của cảng biển và hoạt động logistics của các cảng biển trong khu vực đối với kinh tế khu vực ĐBSCL. Đồng thời đề xuất các sáng kiến và những giải pháp về phát triển ngành vận tải biển ở ĐBSCL, giúp cho vùng khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh và có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Ông Quách Việt Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: Thương cảng Bãi Xàu (Ba Xuyên)-Sóc Trăng được hình thành vào giữa thế kỷ 18, nằm trong hệ thống các cảng ở Nam bộ, trở thành trung tâm thương mại của khu vực. Nơi đây cung cấp hàng hóa cảng cho các tàu biển mang đi khắp các vùng trong nước và quốc tế. Đây cũng là con đường xuất khẩu lúa gạo đầu tiên ở ĐBSCL. Hiện thương cảng Bãi Xàu không còn nữa, nhưng từ cảng biển quốc tế đầu tiên này cho ta những kinh nghiệm quý báu cho việc phát triển cảng biển tại ĐBSCL hiện nay và tương lai. Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, nhấn mạnh: Từ thương cảng Bãi Xàu sầm uất năm xưa, chúng ta càng nhận thấy vai trò quan trọng của cảng biển và việc đầu tư, phát triển cảng biển quốc tế cho ĐBSCL. Là vùng đất có nguồn lao động dồi dào, nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng hiện giá trị lao động tại ĐBSCL còn thấp, trình độ học vấn và thu nhập của nhiều người dân còn hạn chế. Phát triển nông nghiệp với xu thế hướng nội, hướng về cảng Sài Gòn trong nhiều thập kỷ qua đã không khai thác được lợi thế so sánh của vùng. ĐBSCL cần có hướng tiếp cận mới cho phát triển kinh tế của vùng, đẩy mạnh phát triển hướng ra biển và có biện pháp nhằm khai thác tốt các tiềm năng kinh tế biển...

Theo ông Doãn Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Biển TP Hồ Chí Minh, các luồng cảng ở ĐBSCL đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Cảng Trần Đề- Sóc Trăng hiện là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý và các điều kiện tự nhiên để đầu tư phát triển thành cảng biển quốc tế. Cảng cửa ngõ Trần Đề –Sóc Trăng nếu đầu tư đúng mức gắn với các liên kết, hợp tác vùng và quốc tế phù hợp sẽ giúp ĐBSCL có điều kiện phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Các nhà khoa học, nhà quản lý cần quan tâm xem xét việc đầu tư phát triển cho cảng Trần Đề vì đầu tư vào đây được đánh giá có nhiều lợi thế so với luồng Định An, mức đầu tư thấp nhưng hiệu quả ổn định lâu dài.

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết