06/11/2022 - 13:26

Truyền thuyết về lễ hội dân gian của đồng bào Khmer Nam Bộ 

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Đồng bào Khmer Nam Bộ có bản sắc văn hóa độc đáo, nhất là trong lễ hội, diễn xướng dân gian, tín ngưỡng... Nhiều lễ hội dân gian Khmer được lý giải bằng những truyền thuyết thú vị. Nhân dịp Lễ hội Ok-Om-Bok sắp đến, Báo Cần Thơ xin giới thiệu đến độc giả bài viết thuật lại một vài truyền thuyết như thế.

Sự tích đua ghe Ngo

Đua ghe ngo trên kinh xáng Xà No.

Đua ghe ngo trên kinh xáng Xà No.

Đua ghe ngo không chỉ là một hội thi thể thao mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Khmer Nam Bộ. Hoạt động này thường được tổ chức nhân các dịp lễ hội dân gian truyền thống của bà con Khmer. Những chiếc ghe ngo sặc sỡ, lướt sóng về đích trong sự hò reo của đông đảo khán giả tạo nên không khí náo nhiệt, vui tươi.

Lý giải về sự ra đời của đua ghe Ngo, sự tích kể rằng: Hồi xưa vùng đồng bằng còn âm u, hẻo lánh, rất nhiều thú rừng sinh sống. Đến mùa nước nổi, thú rừng dồn về nơi cao ráo để sinh sống. Những người đàn ông bắt đầu đi săn. Mỗi người một chiếc xuồng con, một cây sào và một cây lao. Họ đi săn bằng cách phóng lao, người đi trước phóng lao mà con thú chưa chết thì người sau sẽ tiếp tục phóng lao.

Một hôm nọ, một người đàn ông đi săn gặp con heo rừng và phóng lao. Con thú trúng lao nhưng không chết, quay lại tấn công, khiến xuồng ông ta lật nhào. Người đi sau thấy vậy phóng lao nhưng con heo rừng đã kịp chạy thoát. Người đàn ông nọ được cứu chữa và đưa về nhà. Nhận thấy được mối nguy hiểm từ việc săn thú rừng, những người đàn ông siêng tập luyện, tổ chức đua ghe, xuồng, chọn ra người giỏi nhất để dẫn đầu đoàn thợ săn. Lúc đầu, mỗi người chỉ cầm một cây sào và ngồi trên một chiếc ghe con, dần dần cuộc thi cải biến trên ghe có nhiều người ngồi và nhiều ghe đua với nhau. Những cuộc đua như thế ngày càng hào hức và lan truyền. Người ta cho rằng, những cuộc đua ghe Ngo ngày nay xuất phát từ những cuộc đua ghe của những người thợ săn thuở xưa.

Còn có một dị bản, kể rằng: Đồng bào Khmer rất hay làm việc thiện, nhất là tạo điều kiện cho các vị sư trong lúc khó khăn để thể hiện tấm lòng của mình với Đức Phật. Bà con đặc biệt quan tâm giúp các vị sư đi khất thực, vì hằng ngày các vị sư đi khất thực rất xa chùa nên những khi trời mưa gió, thường không về kịp giờ ngọ.

Hôm nọ, gần đến giờ ngọ mà trời bỗng nổi cơn mưa to, gió lớn, nước dâng mênh mông. Các vị sư không thể trở về chùa kịp. Thấy vậy, đồng bào trong phum sóc đã đốn cây làm bè để đưa các vị sư về. Mọi người đồng lòng làm bè, bơi thật nhanh để giúp các vị sư. Để nhớ ngày đưa các vị sư về chùa kịp thời trong lúc gió mưa, đồng bào Khmer thường tổ chức đua ghe trên sông. Càng về sau, những chiếc ghe được cải tiến có hình dáng đẹp, thon dài, uốn cong như dáng hình con rắn, gọi là “tuk ngo”, tức ghe Ngo.

Sự tích về Lễ hội Ok-om-bok

Theo truyền thuyết, Lễ Cúng Trăng của đồng bào Khmer là xuất phát từ sự tích “con thỏ và mặt trăng”. Đó là sự tích kể về tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca.  Trong các tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca, có một kiếp Ngài hóa thành một thỏ trắng, sống dọc sông Hằng. Thỏ kết bạn với rái cá, khỉ và chó rừng. Thỏ thông minh, hiểu biết và biết tu thân để cầu mong được gần các đấng cao cả.

Một hôm nọ gần đến ngày trăng tròn, thỏ gọi các bạn và bảo: Trước kia, chúng ta cùng hứa với nhau là đến ngày trăng tròn sẽ nhịn đói, ngồi thiền và giữ thân thanh khiết, làm việc thiện. Thỏ nhắc các bạn nên đi tìm thức ăn để bố thí cho người nghèo đói. Nghe lời thỏ, 3 loài vật còn lại đều tìm được mồi. Riêng thỏ thì ngồi thiền trước cửa hang.

Lòng tốt của các con vật làm động lòng trời. Ngọc hoàng bèn giả làm người ăn xin xuống trần gian thử lòng. Ông đến xin rái cá, chó rừng và khỉ, đều được các loài vật mời ăn nhưng ông đều trả lời: “Chờ tôi tắm rửa sạch sẽ rồi dùng sau”. Đến chỗ thỏ, thỏ thưa với lão hành khất: “Xin người kiếm củi và lửa rồi đốt lửa lên, tôi sẽ dâng người một món ăn ngon”. Ông lão làm theo và khi lửa cháy to, thỏ liền nhảy vào nướng mình để làm thức ăn cho ông lão. Nhưng lửa không đốt cháy thỏ vì ngọn gió đã thổi tắt. Ngọc hoàng hiện ra, khen ngợi cử chỉ của các con vật. Riêng thỏ, Ngọc hoàng nói: “Đối với lòng hy sinh cao cả của ngươi, ta phải để cho người đời noi gương”. Ngọc hoàng tự biến thành cao lớn, đụng tới mây xanh, vẽ hình bạch thố lên mặt trăng. Từ sự tích này, đồng bào Khmer Nam Bộ có lễ hội cúng trăng.

Việc cúng trăng không chỉ thể hiện tấm lòng hướng về nghĩa cử cao đẹp của thỏ - tiền kiếp của Đức Phật, mà còn thể hiện sự trân trọng của đồng bào Khmer đối với các hiện tượng tự nhiên đã ban cho con người sự sống và thành công trong sản xuất.

------------------------------

Tài liệu tham khảo

- “Truyện dân gian Khmer”, Huỳnh Ngọc Trảng sưu tầm và giới thiệu, Hội Văn học Nghệ thuật Cửu Long, 1987;

- “Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ”, Sơn Phước Hoan (chủ biên), NXB Giáo Dục, 1999;

- “Văn học dân gian Sóc Trăng”, Chu Xuân Diên (chủ biên), NXB TP Hồ Chí Minh, 2002.

 

Chia sẻ bài viết