Cha mẹ tôi bỏ nhau. Mẹ xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn.
Mẹ không cần phải ở với một người cả ngày chỉ biết uống rượu say khướt và đánh đập mẹ.
Buổi tối bị đánh đập, nhưng sáng mẹ vẫn dậy sớm, tần tảo với những thùng trái cây, mang ra chợ bán.
Vì sự tần tảo của mẹ, chúng tôi có một đời sống khá giả. Mẹ cắn răng chịu đựng những trận đòn gần 25 năm, cho đến khi tôi tốt nghiệp đại học.
Sức chịu đựng của mẹ chỉ đến đấy thôi.
Một thời gian sau, mẹ đi bước nữa. Một người đàn ông tốt.
Tôi đã từng nghĩ, đó là người đàn ông mà số phận đã đền đáp cho mẹ. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ hạnh phúc đến như vậy. Những việc trước đây mẹ không thể làm, bây giờ được khích lệ.
Tôi thỉnh thoảng vẫn về nhà mẹ. Đó chỉ là một căn nhà thuê, nhỏ nhỏ ở thị xã. Mẹ vẫn bán trái cây, nhưng mẹ chỉ bán ở chợ vào buổi sáng. Chiều về, dượng chở mẹ đi karaoke với bạn bè, tham gia vào đội văn nghệ của phường, thị xã.
Cha tôi vẫn triền miên trong men rượu. Ông chỉ gọi cho tôi vào những lúc đã say, và than vãn về số phận khốn khổ, tiếp theo là một bài dài nguyền rủa mẹ tôi. Tôi thắt ruột. Tôi không cáng đáng nổi những câu chuyện đó.
Tôi không còn hận cha tôi. Tôi thương xót ông. Ông càng ngày càng tiều tụy. Nhưng tôi cũng không đủ can đảm để ở bên cạnh ông, gánh vác trách nhiệm của mẹ tôi trước kia. Tôi chỉ là một đứa con đã đi quá xa.
Tôi làm việc hành chính trong một văn phòng báo chí nhỏ, ngày ngày đến cơ quan vào 8 giờ sáng, ra về vào lúc 5 giờ 30 chiều. Công việc của tôi nhẹ nhàng nếu không muốn nói là tẻ nhạt.
Trước đây mẹ là người luôn gọi điện hỏi han tôi, nhắc nhở tôi về những bữa ăn, về những chuyện nhỏ nhặt trong đời sống. Cứ một tuần mẹ lại cẩn trọng gói đồ ăn thức uống gửi xe lên cho tôi. Tôi vẫn như đứa trẻ nhỏ chưa từng lớn trong mắt mẹ. Mẹ là chỗ dựa dẫm duy nhất của tôi. Nhưng giờ đây...
Cuối cùng mẹ cũng có nơi để nương tựa. Tôi đã từng muốn đi xa, nhưng tôi sợ mẹ không chịu được, giờ có lẽ là thời điểm để tôi làm việc đó.
Bởi giờ đây tôi không có những ngày phải hộc tốc bắt xe về quê vì mẹ bị cha đánh thừa sống thiếu chết phải nằm viện. Tôi không còn lo mẹ chật vật một mình những buổi lấy hàng sáng. Mỗi lần về thăm mẹ, tôi thấy mẹ vui và tôi thấy mẹ xa cách.
Tôi không còn hồ hởi trước những câu chuyện của mẹ. Tôi về nhà hai ngày cuối tuần, ăn và xem tivi cả ngày. Mẹ với dượng thường đi hát karaoke với bạn bè, khi hai người về, tôi đã ngủ rồi. Thỉnh thoảng, khi mẹ gõ cửa phòng, tôi còn thức, nhưng giả vờ ngủ. Không hiểu sao, tôi chỉ khóc.
Càng ngày tôi càng ít về nhà. Một hai tuần mới có một cuộc điện thoại ngắn. Tôi muốn đi thật xa. Đi càng xa gia đình đầy chuyện buồn bã càng tốt. Tôi sợ về căn nhà rộng rãi mà lạnh ngắt của cha tôi. Nơi những người trong xóm nhìn tôi bằng ánh mắt trách móc và nói những lời lẽ lên án tôi và mẹ tôi. Tôi sợ cảm giác hạnh phúc của mẹ và dượng. Tôi không muốn ở nhà mẹ, ăn những bữa cơm thật ngon, ngủ những giấc yên ấm, và nghe tiếng cười giòn vang hạnh phúc. Mẹ không còn hỏi về dự định và cả cuộc đời tôi nữa. Mẹ để tôi tự do sống đời tẻ nhạt của mình.
Được một người quen trên mạng giới thiệu học bổng du học. Tôi làm hồ sơ, nhờ một người giúp đỡ. Cô xem hồ sơ của tôi và khẳng định nếu tôi chọn đến những thành phố xa xôi, cộng với lý lịch thuộc tỉnh miền núi, tôi có đến 95% cơ hội đỗ. Tôi không mưu cầu học vị, nhưng tôi cần một nơi để chạy đến.
Tôi không bàn chuyện này với mẹ. Tôi chưa từng làm như vậy. Từ trước đến giờ mẹ là người đầu tiên và duy nhất tôi chia sẻ những dự định và lắng nghe mọi điều mẹ nói. Dù mẹ chỉ là một người bán hàng ngoài chợ, nhưng mẹ luôn lắng nghe và chưa bao giờ than thở, oán trách số phận. Suốt hơn hai mươi năm, mẹ đã chịu đựng để nuôi dạy tôi bằng những gì tốt nhất mẹ làm được.
Nghĩ đến đây, tôi lại thấy lòng chùng xuống.
Khi tôi gọi điện thông báo tôi sẽ đi du học 2 năm, bằng học bổng. Mẹ tôi cười. "Mẹ biết sẽ đến lúc con đi mà. Chúng ta phải ăn mừng thật to". "Con nên nói với cha"- mẹ nói thêm.
Tôi cần phải thông báo cho người cha suốt hơn 20 năm qua chỉ phá phách, đánh đập, say xỉn. Nhưng ông vẫn là cha tôi. Tôi nặng nhọc khi cất tiếng chào cha. Tôi ngồi xuống, đối diện ông trên chiếc ghế đã sờn cũ, được sắm vài chục năm trước. Mắt ông sâu hoẵm vì thiếu ngủ, đỏ ngầu vì rượu. Lúc này ông không say lắm. Tôi nói với ông về chuyến đi xa và dự định của mình. Ông không ngắt lời tôi một lúc nào cho đến khi tôi kết thúc câu chuyện.
"Thế thì ở nhà mấy hôm chứ". Giọng cha tôi cộc cằn.
Tôi nhìn căn nhà mà tôi đã lớn lên với những giấc mơ chập chờn, tiếng quát mắng kể lể ê a cả đêm, tiếng đồ đạc đổ vỡ và tiếng khóc than. Tôi chưa từng nói với cha tôi rằng, những cảnh tượng ấy vẫn theo tôi vào giấc mơ, như những cơn ác mộng đáng sợ nhất.
Tôi ở nhà vài hôm. Tôi ăn cơm cùng cha, nhưng khi ông bắt đầu nói những câu chuyện đã cũ mòn về số phận ông, tôi đứng lên và bỏ mặc ông ở đó. Tôi không có khả năng thay đổi số phận của ông.
Lúc tôi đi, tôi thấy ông ngồi đó. Cặp mắt đỏ hoe. Tôi đoán ông khóc. Khi tôi bước ra khỏi cửa, ông lại bắt đầu chửi. Những "bài chửi" tôi gần như đã thuộc nằm lòng, đã hiểu và đã bất lực. Tôi bước nhanh hơn, gạt nước mắt, và gạt đi tất cả những ký ức.
Đêm cuối trước khi đi, tôi ở nhà mẹ. Tôi những muốn sà vào lòng mẹ, ôm mẹ và than thở về những nỗi lo lắng mà tôi đang chịu đựng. Nhưng ăn cơm xong, tôi vào phòng "Con cần ngủ sớm để mai lấy sức".
Một lúc sau, khi tôi vẫn nằm ườn trên giường, chập chờn trong một bản nhạc mà tôi không nhớ được tên, thì mẹ tôi bước vào.
"Con ổn không?". Tôi gật đầu. Mẹ lại cười. "Con gần ba mươi tuổi rồi. Hồi bằng tuổi con, mẹ đã có con 10 tuổi. Giờ mẹ đã già rồi".
Mẹ làm tôi bật cười. "Mẹ trẻ trung lắm".
Mẹ gật đầu, cười hơi ngượng ngùng. "Mẹ không nghĩ mẹ lại có lúc được như thế này. Phụ nữ, vẫn quan trọng nhất là có được một người thương mình".
Tôi đồng ý. Tôi chưa thấy ai thương mẹ như dượng.
"Con đi đâu hay làm gì cũng được, nhưng nếu gặp một người đàn ông như vậy thì hãy dừng lại nhé. Để được sống như mình muốn".
"Mẹ cảm ơn con". Mẹ lại nói. "Cảm ơn vì con đã đồng ý cho mẹ đi bước nữa, và vì đã trưởng thành".
Tôi đã là một đứa con trưởng thành và tôi không thể bắt mẹ phải chịu trách nhiệm về cuộc đời tôi nữa. Tôi đã trút lên đôi vai gầy của mẹ tất cả những thất bại của mình và buộc mẹ phải có trách nhiệm cứu thoát tôi khỏi những tình thế mắc kẹt ấy. Tôi đổ tràn cuộc đời mình lên mẹ, nhưng tôi chưa bao giờ thực sự cảm thấy được nỗi mỏi mệt và sự lo lắng của mẹ.
Chẳng hiểu sao, lúc ấy mọi lạnh nhạt, lì lợm của tôi bay biến mất. Tôi ôm lấy mẹ mà khóc. Bàn tay thô ráp sần sùi của mẹ đang xoa đầu tôi, giống hệt như ngày xưa.
Sân bay vẫn ồn ào những người đưa tiễn. Tôi vẫy tay chào mẹ, và nhẹ nhõm bước về phía trước. Lần đầu tiên sau hai năm mẹ đi bước nữa, tôi đã nói với dượng "Xin dượng hãy chăm sóc mẹ".
Cuộc sống của mẹ không còn gắn liền với cuộc sống của tôi như trước đây nữa. Mỗi số phận đều phải tiếp bước đến một khung trời riêng, tôi có thể nhớ về, nhưng không thể nào can dự vào số phận của cha, của mẹ hay bắt ai phải chịu trách nhiệm về số phận của tôi.
Khung trời riêng này, tôi sẽ trưởng thành mà bước đi.
THỦY NGUYỆT