07/09/2017 - 15:43

Trường nghề “ngóng” thí sinh 

Trong khi một số trường đại học gần như hoàn tất công tác tuyển sinh 2017 thì các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) nghề (trường nghề) ở TP Cần Thơ lại đau đầu vì thiếu nguồn tuyển. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại ở những mùa tuyển sinh, đòi hỏi sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Vắng lặng

Đến các trường nghề vào những ngày này, dễ nhận thấy không khí vắng lặng ở phòng tuyển sinh. Theo cán bộ quản lý các trường, thí sinh hầu như đã vào học ổn định ở các trường đại học, nên dù quy định của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho phép các trường nghề tuyển sinh đến cuối năm, nhưng nguồn tuyển không còn nhiều. Thạc sĩ Trần Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường TC Miền Tây TP Cần Thơ, cho biết: “Vài năm qua, tuyển sinh các ngành trung cấp chính quy của trường đã khó, nay càng khó khăn hơn. Đến thời điểm này, trường có rất ít thí sinh nhập học. Một số ngành sẽ khó mở được lớp”. Quy mô của trường hiện khoảng 850 học sinh các bậc, hệ đào tạo; trong đó có 500 học sinh trung cấp chính quy theo học các ngành: y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, tài chính ngân hàng…

Sinh viên Trường CĐ Cần Thơ trong giờ học thực hành tin học. Ảnh: B.KIÊN

Các trường nghề khác ở TP Cần Thơ cũng rơi vào tình trạng tuyển sinh trung cấp khó khăn. Năm học 2017-2018, Trường CĐ Nghề Du lịch Cần Thơ dự kiến  tuyển 135 sinh viên cho 4 ngành cao đẳng (Quản trị lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và Hướng dẫn du lịch). Số thí sinh nộp hồ sơ nhập học bậc cao đẳng đạt khoảng 80% chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, bậc trung cấp, chỉ có hơn 10 hồ sơ nộp vào trường, trong khi chỉ tiêu tuyển là 200 học sinh cho 5 ngành trung cấp. Tương tự, tại Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, năm 2017, trường tuyển 1.000 chỉ tiêu cho các ngành cao đẳng, trung cấp nhưng hiện chỉ có hơn 300 thí sinh làm thủ tục nhập học. Thạc sĩ Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, nói: “Tuyển sinh cao đẳng đã khó, bậc  trung cấp càng khó khăn hơn. Vài năm qua, số học sinh nhập học trung cấp rất ít. Ở đợt bổ sung, trường tiếp tục tuyển thêm khoảng 700 học sinh, sinh viên”.

Ngay cả Trường CĐ Cần Thơ, vốn có bề dày lịch sử phát triển, cũng rơi vào tình trạng này. Theo Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng nhà trường, so với năm 2016, tuyển sinh năm nay chưa đạt yêu cầu. Nhất là bậc trung cấp, trường có hơn 100 học sinh làm thủ tục nhập học, chủ yếu tập trung học 2 ngành mầm non và tiểu học. Các ngành trung cấp còn lại vẫn chưa mở được lớp. Bậc cao đẳng, tổng chỉ tiêu tuyển là 2.950 sinh viên cho các ngành sư phạm và ngoài sư phạm. Đến nay, trường có 1.600 thí sinh trong tổng số 3.100 thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học. Do đó, trường tiếp tục tuyển thêm 1.300 chỉ tiêu đợt 4 cho 14 ngành cao đẳng ngoài sư phạm. Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm nói: “Trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu cho 10 ngành cao đẳng sư phạm; trong đó có 2 ngành Giáo dục thể chất và Sinh học không mở được lớp do ít thí sinh. Tuy vậy, trường sẽ không tuyển thêm, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo khối ngành sư phạm”.

Để trường nghề khởi sắc

Theo Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, tâm lý chuộng bằng cấp trong xã hội phổ biến, học sinh chỉ chọn học đại học, sau đó mới các trường CĐ, TC. Do vậy, các trường, nhất là trường phổ thông, kể cả phụ huynh học sinh, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, giúp các em hiểu được ý nghĩa khi học nghề. “Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nên tiếp tục duy trì điểm sàn đại học. Còn nếu bỏ điểm sàn thì Bộ nên lùi thời gian thực hiện một vài năm nữa (thay vì sẽ bỏ điểm sàn vào năm 2018). Đó là, cách vừa để các trường đại học đảm bảo chất lượng đầu vào, vừa giúp trường nghề có nguồn tuyển”- Tiến sĩ Tâm nói.

Khía cạnh khác, chính sách tuyển sinh năm 2017 càng khiến luồng thí sinh đổ vào các trường đại học nhiều hơn. Theo cán bộ quản lý các trường, những năm trước, phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT có cả thông tin các trường CĐ, TC nhưng hiện hệ thống trường này chuyển sang Bộ LĐ-TB&XH, thông tin về cơ sở giáo dục chuyên nghiệp không còn. Do vậy, khi thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT Quốc gia 2017 (cùng lúc đăng ký xét tuyển đại học), thông tin về tuyển sinh các trường nghề khó tới kịp học sinh. Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH nên “ngồi lại” với nhau để có hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời trong tuyển sinh.

Ngay cả chương trình đào tạo mới, các trường nghề, nhất là các trường CĐ, TC vừa chuyển sang Bộ LĐ-TB&XH quản lý đang cần hỗ trợ nhiều hơn, để tháo gỡ khó khăn. Theo Thạc sĩ Trần Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường TC Miền Tây TP Cần Thơ, thời gian đào tạo rút ngắn, song nội dung chương trình phải cung cấp đầy đủ lượng kiến thức cho học sinh, đòi hỏi các trường nỗ lực thực hiện, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Các trường rất cần ngành chủ quản thống nhất khung chương trình từng ngành đào tạo (nhất là ở khối ngành sức khỏe) để các trường định hướng xây dựng nội dung. Đồng thời, tạo điều kiện hơn nữa về thủ tục tuyển sinh, giúp các trường chủ động nguồn tuyển.

TP Cần Thơ hiện có nhiều trường nghề và các cơ sở giáo dục tham gia đào tạo nghề. Điều này mở ra nhiều cơ hội giúp học sinh chọn ngành học phù hợp, góp phần cung cấp nguồn lao động có tay nghề cao phục vụ phát triển kinh tế- xã hội cho thành phố. Thế nhưng, cứ vào mỗi mùa tuyển sinh, các trường lại rơi vào cảnh: thiếu nguồn tuyển, thừa chỉ tiêu, thậm chí không thể mở ngành vì không có người học. Để giải quyết tình trạng này, cán bộ quản lý các trường nghề cho rằng, bên cạnh nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo của các đơn vị, đòi hỏi có giải pháp căn cơ, lâu dài từ cơ quan chủ quản, sự đồng lòng hướng nghiệp từ khi phổ thông của nhà trường, phụ huynh… Có như vậy, trường nghề phát triển bền vững, đồng thời giải quyết căn cơ tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết