MAI QUYÊN (Theo AFP, DW)
Với tham vọng lấp khoảng trống do Nga để lại ở các nước thuộc Liên Xô cũ, Trung Quốc bắt đầu mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á thông qua việc thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng lớn trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI).
Dự án cao tốc Bắc - Nam do Trung Quốc xây dựng ở Kyrgyzstan. Ảnh: Xinhua
Tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiếp đón lãnh đạo các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á lần thứ nhất diễn ra tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Tháng rồi, thông cáo báo chí đưa ra sau Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc - Trung Á (C+C5) lần thứ 4 mô tả sự kiện sắp tới tại Tây An có ý nghĩa hết sức quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ giữa các nước Trung Á với Trung Quốc.
Ðược biết, Trung Á là nơi Trung Quốc khởi xướng sáng kiến BRI và Bắc Kinh trong 10 năm qua đã ký các văn kiện hợp tác liên quan với tất cả các nước khu vực. Năm 2022, thương mại giữa Trung Quốc với 5 nước Trung Á đạt hơn 70 tỉ USD, tăng 40% so với năm trước đó và gấp khoảng 100 lần so với thời điểm các bên thiết lập quan hệ ngoại giao. Là một trong những đối tác kinh tế - thương mại quan trọng ở khu vực, giới phân tích cho biết ảnh hưởng của Trung Quốc tăng cao sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Ðặc biệt, kể từ năm 2022, nhu cầu và không gian hợp tác của 5 nước Trung Á cũng thay đổi theo hướng có lợi cho Bắc Kinh khi một số quốc gia dưới tác động của cuộc chiến ở Ukraine đặt nghi vấn về mối hệ lâu dài giữa họ với Nga và tìm kiếm sự đảm bảo về kinh tế, ngoại giao và chiến lược ở nơi khác.
Chiến lược của Trung Quốc
Theo chuyên gia Nargis Kassenova thuộc Ðại học Harvard (Mỹ), Trung Quốc trước giờ vẫn kiên định trong cách tiếp cận Trung Á. Ðồng ý với quan điểm này, thành viên Niva Yau của Hội đồng Ðại Tây Dương nói thêm rằng Trung Quốc đang cố gắng xây dựng “sự đoàn kết khu vực”, từ đó nâng cao vị thế và quy mô can dự ở Trung Á. Với việc Nga suy giảm ảnh hưởng do tác động của các biện pháp trừng phạt mở rộng của phương Tây, bà Kassenova nói rằng các nước Trung Á “lún sâu hơn vào vòng tay của Trung Quốc” là điều không tránh khỏi.
Trong khi đó, Giáo sư Sebastien Peyrouse của Ðại học George Washington (Mỹ) nói rằng sự phát triển của Trung Quốc được coi là hình mẫu trong khu vực, nhưng nó cũng không xóa được lo ngại đối với cách tiếp cận chủ yếu là khai thác từ Bắc Kinh. Lâu nay, cường quốc châu Á bị cáo buộc giăng “bẫy nợ” với các nước thu nhập thấp bằng cách cung cấp các khoản vay khổng lồ, quá khả năng chi trả. Nỗi “ám ảnh” này là một trong những nguyên nhân khiến đầu tư từ Trung Quốc không phải lúc nào cũng được chào đón. Ðặc biệt ở Trung Á, mặc dù Bắc Kinh được lòng giới tinh hoa khu vực nhưng tâm lý bài Trung Quốc ở người dân lại lan rộng ở một số nơi. Ðơn cử vào năm 2019, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Kazakhstan để phản đối “chủ nghĩa bành trướng” của Trung Quốc tại nước này. Một năm sau, một nhà đầu tư Trung Quốc có kế hoạch rót gần 300 triệu USD cho trung tâm thương mại và hậu cần ở Kyrgyzstan nhưng phải từ bỏ dự án do vấp phải làn sóng phẫn nộ của người dân địa phương.
Sau hội nghị thượng đỉnh ở Tây An, Trung Quốc dự kiến đưa ra sáng kiến miễn thị thực mới nhằm tạo điều kiện cho các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Á xuất sang. Bắc Kinh còn lên kế hoạch phát triển “Con đường tơ lụa trên không” bằng cách mở thêm nhiều chuyến bay đến và đi từ 5 quốc gia Trung Á, giúp tăng cường kết nối khu vực và trao đổi kinh tế. Về an ninh, giới phân tích cho biết Trung Quốc có thể đóng vai trò lớn hơn. Nhưng thay vì nhắm đến việc thay thế Nga, Bắc Kinh đang cung cấp các thỏa thuận an ninh và “xuất khẩu” những chuẩn mực kiểm soát chẳng hạn như quản lý và giám sát biểu tình sang Trung Á.