Tờ Nikkei Asia cho biết, hải cảnh Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện ở Biển Hoa Đông, Biển Đông cũng như các vùng biển gần Đài Loan khi triển khai các tàu lớn, tinh vi hơn trong bối cảnh lực lượng này hoạt động như là phần mở rộng của hải quân Trung Quốc.

Tàu tuần tra Trung Quốc hoạt động tại khu vực gần quần đảo Kim Môn. Ảnh: SCMP
Trong vụ việc hôm 25-2 gần quần đảo Kim Môn (Đài Loan), hải cảnh Trung Quốc đã yêu cầu một tàu Đài Loan gần đó nêu rõ cảng xuất phát, điểm đến và lý do di chuyển trên vùng biển. Một đoạn video do hải cảnh Trung Quốc công bố cho thấy có tới 4 tàu của lực lượng này có mặt tại đây.
Một hãng tin của Hong Kong cho biết, tàu hải cảnh nói trên mang số hiệu 2202, là tàu khu trục tên lửa có lượng giãn nước ít nhất 2.000 tấn và được trang bị súng máy. Một chuyên gia hải quân cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc cho hay, tàu 2202 lâu nay hoạt động ở vùng biển gần quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Theo ông này, bằng cách kiểm soát các vùng biển gần Đài Loan, tàu 2202 có thể mang lại cho Bắc Kinh “lợi thế vượt trội” so với phía Đài Bắc.
Vụ việc trên xảy ra sau khi một tàu đánh cá Trung Quốc hôm 14-2 bị lật úp tại khu vực gần quần đảo Kim Môn, nơi chỉ cách bờ biển thành phố Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến) vài km, khiến 2 trong số 4 người trên tàu chết đuối. Nikkei Asia cho hay, tàu đánh cá này đã trái phép đi vào vùng biển do Đài Loan kiểm soát và va chạm với tàu bảo vệ bờ biển Đài Loan trước khi bị lật. Phía Trung Quốc lên án vụ việc, tuyên bố không công nhận những quy định do Đài Bắc đặt ra và sẽ tăng cường tuần tra ở những vùng biển gần đó. Sau đó, tàu hải cảnh Trung Quốc đã được điều tới khu vực và kiểm tra một tàu du lịch Đài Loan gần quần đảo Kim Môn. Hôm 21-2, 3 tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiếp cận một hòn đảo thuộc quần đảo Mã Tổ (Đài Loan).
Mặt khác, Trung Quốc cũng tăng cường hoạt động hàng hải gần quần đảo Senkaku. Theo một quan chức an ninh Nhật Bản, các tàu hải cảnh Trung Quốc hồi tháng 1 đã phát đi cảnh báo, yêu cầu máy bay thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong khu vực phải rời đi. Đây không phải lần đầu lực lượng này làm như vậy. Trước đây, hải cảnh Trung Quốc từng yêu cầu các tàu của SDF rời khỏi lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku. Đáng chú ý, các tàu Trung Quốc bị phát hiện trong khu vực tiếp giáp xung quanh quần đảo này tới 352 ngày trong năm 2023, mức cao kỷ lục trong khoảng thời gian kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa Senkaku hồi năm 2012.
Vụ việc trên phản ánh sự tập trung của chính quyền Trung Quốc vào tham vọng hàng hải. Tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm văn phòng chỉ huy của hải cảnh Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và kêu gọi tăng cường các hành động thực thi pháp luật. Giới phân tích cho rằng chính lời kêu gọi của ông Tập có thể đã khiến lực lượng này mở rộng phạm vi hoạt động.
Trong khi đó, ở Biển Đông, hải cảnh Trung Quốc hồi tháng 9 năm ngoái đã thiết lập một hàng rào nổi dài 300m cạnh Bãi cạn Scarborough do Trung Quốc kiểm soát, vốn cách bờ biển Philippines chưa tới 241km, nhằm ngăn chặn các tàu từ Philippines. Hôm 28-2, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nhận định, sự hiện diện của hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông là “đáng lo ngại”. Song, nhà lãnh đạo Philippines khẳng định sự hiện diện này sẽ không thể ngăn cản Philippines có những hành động để bảo vệ lãnh hải và ngư dân. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tất cả ngư dân của mình, những ngư dân kiếm sống từ các ngư trường. Và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ họ bất chấp những nỗ lực ngăn chặn, theo dõi” - Tổng thống Marcos tuyên bố.
Những động thái như trên diễn ra trong bối cảnh hải cảnh Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng năng lực. Theo SDF, chỉ trong một thập niên, hải cảnh Trung Quốc đã tăng gần gấp 4 lần lượng tàu có lượng giãn nước từ 1.000 tấn trở lên, lên mức 157 chiếc vào năm 2022, nhiều hơn gấp đôi so với số tàu do SDF vận hành. Hải cảnh Trung Quốc cũng được cho sở hữu 2 tàu tuần tra có lượng giãn nước 10.000 tấn. Đặc biệt, nhiều tàu của lực lượng này được trang bị “tận răng”, gồm sân bay trực thăng, vòi rồng công suất lớn, pháo hạm từ 20-76mm và cả máy bay không người lái.
❝ Bắc Kinh hồi năm 2021 đã chỉ định hải cảnh Trung Quốc là một tổ chức quân sự và cho phép lực lượng này sử dụng vũ lực đối với các tàu nước ngoài bị coi là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)