21/03/2018 - 07:38

Trung Quốc nỗ lực kiểm soát nợ 

Theo đánh giá của New York Times, việc hai nhân vật thân cận của Chủ tịch Tập Cận Bình được bổ nhiệm vào các vị trí then chốt về tài chính cho thấy, lãnh đạo Trung Quốc đang củng cố quyền kiểm soát nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vốn đang vật lộn vấn đề nợ gia tăng.

Hôm 19-3, kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 13 đã bầu ra các vị trí lãnh đạo cấp cao. Trong đó, hai nhân vật được chú ý là cố vấn kinh tế Lưu Hạc được bầu làm Phó Thủ tướng trong khi Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương (PBOC) Dịch Cương sẽ thay thế ông Chu Tiểu Xuyên lãnh đạo PBOC.

Ông Lưu Hạc tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos. Ảnh: EPA
Ông Lưu Hạc tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos. Ảnh: EPA

Là nhà kỹ trị học được đào tạo tại Đại học Harvard (Mỹ), tân Phó Thủ tướng Lưu Hạc được xem là ngôi sao đang lên trên chính trường Trung Quốc với vai trò “cánh tay phải” của ông Tập Cận Bình trong lĩnh vực kinh tế. Việc bổ nhiệm ông Lưu không gây bất ngờ bởi ông từng được giao trọng trách dẫn đầu đoàn Trung Quốc tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) đầu năm nay. Đến cuối tháng rồi, ông tiếp tục được cử sang Mỹ tìm cách giải quyết mâu thuẫn giữa hai nước trước nguy cơ bùng nổ cuộc chiến thương mại. Trước đó, ông Lưu được biết đến là người soạn thảo chính sách kinh tế cho hai người tiền nhiệm của ông Tập là Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân.

Với chức vụ Phó Thủ tướng, Lưu Hạc được dự đoán sẽ nắm quyền lực rất lớn trong bối cảnh lãnh đạo Trung Quốc đang tập trung kiểm soát, ngăn chặn và tháo gỡ những rủi ro tài chính bằng những cải cách sâu rộng ngành ngân hàng và bảo hiểm. Trong vụ Chủ tịch Tập đoàn bảo hiểm Anbang Ngô Tiểu Huy - cháu rể của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình - bị bắt giữ và truy tố, các nhà phân tích cho đây là nỗ lực của ông Lưu, trong vai trò chủ nhiệm Tổ lãnh đạo tài chính - kinh tế Trung ương Đảng, nhằm bảo vệ nền kinh tế Trung Quốc và là lời cảnh báo đối với các công ty khác.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, quyết định bổ nhiệm Lưu Hạc được nhìn nhận là bước đi nhằm gia tăng quyền lực kiểm soát của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với kinh tế. Phó Chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế Myron Brilliant cho biết, quan điểm của ông Lưu Hạc là muốn “tự do hóa thị trường mang đặc sắc Trung Quốc” dựa trên kinh nghiệm từ Harvard. Mặt khác, diễn biến này cũng thể hiện chính quyền Bắc Kinh đang nghiêm túc cân nhắc cải cách hệ thống tài chính đang tràn ngập rủi ro trước sức nặng của các khoản vay tích lũy trong 10 năm qua, xuất phát từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ và buông lỏng giám sát tài chính. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng lên tiếng cảnh báo tình trạng nợ nần gia tăng bắt đầu đe dọa tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Năm ngoái, hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín Standard & Poor›s (S&P) và Moody’s cũng đã hạ bậc xếp hạng của Trung Quốc. Theo một số tổ chức, tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc hiện ở mức 260%, tức cực kỳ nguy hiểm.

Vì vậy, cùng với bổ nhiệm Lưu Hạc, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc chỉ định nhân vật kỳ cựu có nhiều năm học tập và làm việc tại Mỹ như ông Dịch Dương làm Thống đốc PBOC chính là nhằm hỗ trợ Phó Thủ tướng thúc đẩy cải cách kinh tế, giám sát lĩnh vực tài chính, dập tắt các rủi ro nợ gia tăng đối với Trung Quốc. Từng tốt nghiệp Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Illinois, ông Dịch gia nhập PBOC năm 1997 và giữ nhiều chức vụ trước khi được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc từ năm 2008. Với vai trò điều hành Cục Quản lý ngoại hối, Dịch Cương là người đã mở rộng quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc lên mức cao nhất trên thế giới, đạt đỉnh điểm khoảng gần 4.000 tỉ USD vào năm 2014. Ngoài ra, tân Thống đốc cũng là người chủ trương tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Trung Quốc