28/03/2018 - 10:40

Trung Quốc làm mưa nhân tạo 

Trung Quốc đang thử nghiệm công nghệ quốc phòng tiên tiến để phát triển một hệ thống thay đổi thời tiết nhằm mang lại lượng mưa lớn cho cao nguyên Tây Tạng - khu bảo tồn nước ngọt lớn nhất châu Á.

Cao nguyên Tây Tạng, nơi Trung Quốc sẽ thiết lập mạng lưới tạo mưa lớn nhất thế giới. Ảnh: SCMP

Theo các chuyên gia tham gia dự án, hệ thống gồm một mạng lưới các buồng đốt nhiên liệu khổng lồ được lắp đặt trên các ngọn núi có thể làm tăng lượng mưa trong khu vực thêm 10 tỉ mét khối/năm, tương đương 7% tổng lượng nước tiêu thụ của Trung Quốc. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công cho biết, hàng chục ngàn buồng đốt như vậy sẽ được lắp đặt trên khắp cao nguyên Tây Tạng để tạo mưa trên tổng diện tích khoảng 1,6 triệu km vuông, gấp 3 lần diện tích Tây Ban Nha. Và khi đi vào hoạt động, đây sẽ là dự án tạo mưa lớn nhất thế giới.

Theo SCMP, các buồng đốt nhiên liệu trên sẽ đốt nhiên liệu rắn để sản xuất ra i-ốt bạc, tác nhân tạo mây với cấu trúc tinh thể giống như nước đá. Do được lắp đặt trên những dãy núi đối mặt với gió mùa ẩm ướt từ Nam Á nên khi thổi qua núi, gió sẽ quét các hạt i-ốt bạc vào những đám mây để tạo ra mưa và tuyết.

Được biết, các chuyên gia đã thiết kế và chế tạo những buồng đốt trên bằng cách sử dụng công nghệ từ động cơ tên lửa quân sự tiên tiến, cho phép chúng đốt nhiên liệu rắn mật độ cao trong môi trường ít ôxy ở độ cao trên 5.000m một cách an toàn và hiệu quả.  “Cho đến nay, hơn 500 buồng đốt đã được lắp đặt trên sườn núi ở Tây Tạng, Tân Cương cũng như các khu vực khác để thực nghiệm. Dữ liệu chúng tôi thu thập cho thấy kết quả rất khả quan” - một chuyên gia nói với SCMP.

Dù ý tưởng trên không phải là mới khi mà nhiều nước khác, chẳng hạn như Mỹ, đã tiến hành các thử nghiệm tương tự trên quy mô nhỏ, nhưng Trung Quốc là nước đầu tiên thử nghiệm công nghệ này với quy mô lớn. Các chuyên gia cho biết, nỗ lực nhằm triển khai công nghệ quốc phòng này cho mục đích dân sự đã được thực hiện từ hơn một thập kỷ trước. Song, một trong những thử thách lớn nhất mà các chuyên gia tạo mưa phải đối mặt đó là tìm cách giữ cho các buồng đốt nhiên liệu hoạt động tại một trong những môi trường khắc nghiệt và xa xôi nhất thế giới như Tây Tạng. Nhưng giờ đây, sau nhiều cải tiến trong thiết kế, các buồng đốt có thể hoạt động trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm mà không cần bảo dưỡng, đồng thời đốt nhiên liệu một cách có hiệu quả tương tự như động cơ tên lửa. Ngoài ra, những buồng đốt này có nhiều lợi thế hơn so với các phương pháp như sử dụng máy bay, súng đại bác và máy bay không người lái để phát tán i-ốt bạc vào khí quyển khi mà chi phí xây dựng và lắp đặt mỗi buồng đốt chỉ khoảng 50.000 NDT (8.000 USD), trong khi sử dụng máy bay phát tán i-ốt bạc “ngốn” tới vài triệu NDT nhưng chỉ bao phủ một khu vực nhỏ. Tuy nhiên, nhược điểm của buồng đốt là nó dễ hoạt động sai khi không có gió hoặc khi gió thổi sai hướng. Về mặt lý thuyết, các buồng đốt có thể gây ảnh hưởng đến thời tiết và thậm chí cả khí hậu trong khu vực nếu chúng được xây dựng với số lượng lớn.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết